Lối sống là một hình thái xã hội được hình thành từ hàng ngàn năm và luôn chịu sự tác động của môi trường sống muôn màu, muôn vẻ. Theo đó, có những lối sống đẹp, cao thượng, lành mạnh làm nên nhân cách mỗi người, làm nên bản sắc vùng miền và làm nên hồn cốt, vị thế của quốc gia dân tộc. Và cũng theo đó, có những lối sống bảo thủ, lạc hậu, những tật xấu làm méo mó, tha hóa nhân cách con người, làm lu mờ hình ảnh của địa phương và đôi khi hệ lụy đến thể diện quốc gia trong mắt bạn bè quốc tế. Vì vậy, lối sống là một giá trị tiêu biểu trong bảng giá trị văn hoá dân tộc. Chính lối sống là nhân tố khẳng định thứ bậc, tự nó trước hết làm nên "thương hiệu" quốc gia, phẩm hạnh con người sau đó mới đến lượt những thứ vật chất khác.
Từ xa xưa cho đến nay, dân tộc ta mang trong mình những lối sống đầy tính nhân văn, trong sáng, cao đẹp như triệu đóa sen tỏa hương sắc "gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn". Đó là lối sống yêu nước thương nòi, nhân nghĩa, thủy chung, luôn xả thân vì nghĩa lớn. Là lối sống thật thà, bao dung, độ lượng, tương thân, tương ái "lá lành đùm lá rách, thương người như thể thương thân". Đó là lối sống trong sạch, giản dị, trọng nghĩa, khinh tài. Đó là nếp gia phong ngay trong từng gia đình thủy chung, nhẫn nhịn, nặng tình cốt nhục cha con, anh em, chồng vợ và cả nghĩa thầy trò, tình bè bạn... Tất cả đã kết tinh nên lối sống và sức mạnh nội lực để đất nước ta trường tồn và phát triển qua hàng ngàn năm lịch sử.
Cần nói thêm rằng, mặc dù ý thức hệ phong kiến đã thất bại trước nhiệm vụ lịch sử của nó, là xã hội đầy rẫy bất công tàn bạo, nhưng trong lòng chế độ kéo dài hàng nghìn năm ấy vẫn cuộn chảy bất tận mạch nguồn văn hoá dân tộc. Và thời kỳ nào cũng có những vị quan thanh liêm nơi chốn quan trường; những nghĩa cử thảo thơm lòng người nơi làng xa, xóm vắng. Gương sáng cha ông và bao bậc hiền nhân sử sách nay vẫn còn ghi!
Tuy vậy, như một thuộc tính cố hữu, lối sống ích kỷ, hẹp hòi, tham lam, giả dối, xa hoa, buông thả... không phải là mới mà nó đã là một phần của cuộc sống từ xưa đến nay, hễ có cơ hội là lại mọc đầy như nấm độc làm băng hoại đời sống của chúng ta. Thời kim tiền với bao cám dỗ, nhiều kẻ đã gục ngã bởi sự tha hóa về đạo đức và lối sống. Căn bệnh ấy đã đến mức báo động, nguy hiểm, trực tiếp đe dọa sự tồn vong của chế độ như Nghị quyết của Đảng đã chỉ rõ, không thể xem thường.
Điều đáng nói những biểu hiện tiêu cực ấy lại nằm ngay trong lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ đảng viên có chức quyền, kể cả cán bộ cao cấp.
Như chúng ta đều biết, gần đây một số cán bộ đã bị xử lý kỷ luật chỉ vì lối sống ích kỷ, tham nhũng, thiếu trung thực, đã làm xói mòn lòng tin, ảnh hưởng đến thanh danh của Đảng và chính gia đình, bản thân họ. Những vụ việc như thế đã, đang và sẽ bị lôi ra ánh sáng, sẽ bị lên án và nghiêm trị để giữ bền chính sự và yên ổn lòng dân.
Vì những lẽ trên, lối sống không còn là những hành vi, những thói quen đơn thuần mà thực sự là nền tảng đạo đức văn hoá của mỗi con người, mỗi cộng đồng, mỗi làng xã và rộng hơn là của một quốc gia, dân tộc. Phương châm của chúng ta là kiên trì kết hợp cả "xây" và "chống". Phải thường xuyên bồi đắp lối sống văn minh theo hướng nhân lên gấp bội cái đẹp, đẩy lùi và tiêu trừ cái xấu, cái ác. Trong đó, cán bộ đảng viên cần đi trước để "làng nước theo sau".
"Ngọc bất trác bất thành khí". Vậy nên tự mỗi người, trước hết phải không ngừng rèn luyện, tu dưỡng trang bị cho mình lối sống đẹp, cao thượng, năng động sáng tạo không ngừng nghỉ. Xã hội cần đề cao những gương người tốt, việc tốt. Cần lên án người xấu, việc xấu, để từ đó mà gạn đục khơi trong, tạo cho lối sống đẹp, cao thượng lan tỏa sâu rộng trong đời sống của chúng ta.
Lối sống do mỗi người tự rèn luyện học hỏi hàng ngày mà tích luỹ nên, đến lượt lối sống dẫn dắt mỗi người khỏi vấp ngã trên hành trình của chính cuộc đời mình mà đi tới.
Trong đầm gì đẹp bằng sen
Lá xanh bông trắng lại chen nhị vàng
Nhị vàng bông trắng lá xanh
Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn
Câu ca ấy đã thành một triết lý sống cao đẹp, thật sâu xa mà cũng gần gũi lắm thay!
Bùi Đức Hạnh