“Bén duyên” với giáo dục vùng cao
Năm nay tròn 39 tuổi đời, 15 năm tuổi Đảng, nhưng thầy Nguyễn Khắc Điệp đã có gần 20 năm “bén duyên” với nghề dạy học ở huyện miền núi Nam Trà My. Theo lời thầy Điệp, thầy sinh ra và lớn lên ở quê biển Tam Giang (huyện Núi Thành). Tháng 9/2000, thầy đỗ kỳ thi tuyển công chức của tỉnh Quảng Nam.
Ngay sau có kết quả, thầy Điệp đã làm đơn tình nguyện xin lên dạy học tại huyện miền núi Nam Trà My và được phân công dạy các môn Khoa học xã hội và là Tổ trưởng Bộ môn này tại trường PTCS Trà Nam (xã Trà Nam).
Tuy nhiên, do điều kiện xã miền núi khó khăn với đa phần dân cư là đồng bào dân tộc thiểu số nên tâm lý chung của đồng bào là không muốn con em mình học nhiều, chỉ đủ biết cái chữ là được. Hơn nữa, phần lớn đồng bào còn nghèo khó nên các em hay bỏ học để theo cha mẹ lên rẫy.
Trước thực tế đó, thầy Điệp đã đề xuất với Ban Giám hiệu nhà trường thành lập các tổ, nhóm giáo viên đi về các thôn để vận động học sinh trở lại lớp. Kiên trì vận động và nhiều lần đến với bà con, thầy Điệp dần trở thành người thân của không ít gia đình đồng bào ở Trà Nam có con em trong độ tuổi đi học.
Nhận thấy năng lực và lòng nhiệt huyết của thầy Điệp, tháng 9/2002, Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) huỵện Nam Trà My bổ nhiệm thầy giữ chức Phó Hiệu trưởng Trường PTCS Trà Nam. Đến tháng 1/2007, do nhu cầu của ngành Giáo dục địa phương, thầy tiếp tục được điều động làm Hiệu trưởng trường Phổ thông dân tộc bán trú - Trung học sơ sở (PTDTBT-THCS) Trà Cang (xã Trà Cang); đến tháng 10/2015, thầy lại được trên điều động về làm Hiệu trưởng Trường PTDTBT-THCS Trà Mai (xã Trà Mai) cho đến nay.
“Mặc dù môi trường và sự phân công, nhiệm vụ đảm trách ở mỗi trường mà mình trải qua có khác nhau, song ở đâu, với cương vị nào, mình đều nhận thấy con em đồng bào địa phương rất cần cái chữ cũng như kiến thức để trưởng thành. Thế nhưng, do nhận thức của đồng bào còn hạn chế, kinh tế lại khó khăn nên con em của đồng bào thường bỏ học sớm. Hơn nữa, hệ thống cơ sở vật chất trường lớp, đồ dùng phục vụ dạy và học cũng như đội ngũ giáo viên ở đây còn thiếu nên đòi hỏi mỗi giáo viên, mỗi cán bộ quản lý như mình phải luôn bám học trò, bám trường và thông qua nhiều kênh để vận động, kêu gọi sự giúp đỡ của xã hội, tạo điều kiện cho các em được đến trường, được học tập một cách tốt nhất. Từ suy nghĩ này đã giúp mình có thêm động lực để “bén duyên” với nghề suốt gần 20 năm nay”- thầy Điệp chia sẻ.
Thầy Điệp trao quà hỗ trợ cho các em học sinh nghèo.
Nỗ lực vì học sinh
Không giấu hết niềm vui khi vừa được lãnh đạo trường Đại học Sư phạm (ĐHSP) Đà Nẵng hỗ trợ hơn 100 bộ bàn ghế và 10 chiếc máy vi tính đã qua sử dụng, thầy Điệp cho biết: Mình đang theo học lớp cao học ngành Lịch sử Việt Nam tại trường ĐHSP Đà Nẵng. Khi xuống đây học, mình chở theo vài chục kg rau rừng do các giáo viên và học sinh của trường mình tranh thủ mấy ngày nghỉ hái được để nhờ các bạn trong lớp cao học bán dùm.
“Việc một thầy hiệu trưởng mà đi bán rau rừng khiến lãnh đạo trường ĐHSP Đà Nẵng ngạc nhiên và tìm hiểu. Sau khi biết được mục đích bán rau rừng của mình là để có thêm tiền cải thiện bữa ăn cho học sinh, thông cảm với những khó khăn của thầy và trò trường mình, lãnh đạo trường ĐHSP Đà Nẵng đã tặng hơn 100 bộ bàn ghế và 10 chiếc máy tính để bàn. Đây thực sự là món quà quý giúp thầy và trò trường mình có thêm điều kiện phục vụ cho việc dạy và học được tốt hơn”- thầy Điệp nói trong niềm vui.
Cũng theo thầy Điệp, Trường PT DTBT-THCS Trà Mai hiện có 7 lớp (từ lớp 6 đến lớp 9) với số lượng học sinh hơn 230 em, trong đó hơn có 2/3 số em là đồng bào dân thiểu số. Hầu hết các em này được tỉnh Quảng Nam trợ cấp chế độ bán trú. Cụ thể, mỗi em được nhận 40% lương cơ bản (tương đương 560.000 đồng) và 15 kg gạo/tháng. Với lượng tiền cùng số gạo hỗ trợ này, nhà trường đã tổ chức bếp ăn cho các em; mỗi bữa ăn đầy đủ 4 món gồm: Thịt, cá, trứng và rau.
Trong hơn 2 năm trở lại đây, khi xã Trà Mai đang tập trung thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới và hai thôn 1 và 2 của xã từ giữa năm 2018 đã thoát khỏi thôn khó khăn, đồng nghĩa với việc đa số các hộ dân tại hai thôn này cũng thoát khỏi hộ nghèo và các em học sinh cũng không còn được hưởng chế độ trợ cấp bán trú nữa. Trong khi đó, cả hai thôn đều xa trường và các em đi học phải vượt đèo, vượt núi mới đến được trường. Vì thế, nếu không triển khai các biện pháp hỗ trợ, trợ cấp bán trú thì nguy cơ bỏ học của các em là rất cao.
Trước thực tế đó, thầy Điệp đã bàn với tập thể chi bộ và Ban Giám hiệu nhà trường kêu gọi sự nỗ lực, nâng cao trách nhiệm của các thầy cô giáo với học sinh, nhất là việc chủ động gần gũi, động viên các em không bỏ học; đồng thời giao cho Đoàn thanh niên phát động phong trào tăng gia bữa ăn cho học sinh. Vào những ngày nghỉ, các thầy cô và học sinh vào rừng hái rau đem về bán lấy tiền bù thêm cho suất ăn của học sinh. Ngoài ra, trường cũng xây dựng “vườn rau tăng gia”, nuôi lợn, gà, vịt; kêu gọi các nhà hảo tâm hỗ trợ suất ăn, áo quần, sách vở cho các em…
Đàn lợn do các giáo viên trường PTDTBT-THCS Trà Mai
nuôi để bán lấy tiền phụ thêm bữa ăn của học sinh.
Nói về những đóng góp của thầy Điệp, thầy Võ Đăng Thuận, Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Nam Trà My cho biết: Ngoài sự năng động, nhiệt tình đi khắp nơi để kêu gọi, tranh thủ sự giúp đỡ của xã hội giúp học sinh và nhà trường, bản thân thầy Điệp cũng có những việc làm cụ thể mà nếu không phải là người có tâm, có trách nhiệm thì không thể làm được. Cụ thể là vào đầu năm 2017, mặc dù không còn công tác tại Trường Phổ thông DTBT-THCS Trà Cang nữa, nhưng biết được ngôi trường này vì diện tích chưa đủ nên chưa được công nhận là trường đạt chuẩn quốc gia, thầy Điệp đã hiến 600 m2 đất (trị giá gần 300 triệu đồng) gần trường để giúp trường mở rộng không gian xây dựng.
Năm 2015, khi thầy Điệp về làm Hiệu trưởng Trường PTDTBT-THCS Trà Mai, trăn trở lớn nhất của thầy là làm sao để chất lượng bữa ăn học sinh bán trú đảm bảo dinh dưỡng, nên thầy đã bàn với lãnh đạo nhà trường tổ chức đấu giá bữa ăn. Theo đó, nhà trường thông báo chủ trương đấu giá bữa ăn đến các tổ chức, đơn vị cung cấp bữa ăn cho học sinh rồi tổ chức phiên đấu giá công khai, đơn vị nào có giá thầu tốt nhất nhưng cung cấp bữa ăn đảm bảo chất lượng nhất sẽ trúng thầu. Cách làm này sau đó đã được nhiều trường trên địa bàn huyện học tập, áp dụng theo.
“Không chỉ có những đóng góp cụ thể kể trên, trong quá trình công tác, thầy Điệp còn thường xuyên tham mưu, đề xuất để tranh thủ sự hỗ trợ của xã hội nhằm có thêm nguồn lực xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị phục vụ việc dạy và học. Ngoài ra, thầy Điệp cũng luôn là hạt nhân, trung tâm đoàn kết của tập thể chi bộ, lãnh đạo nhà trường và đội ngũ giáo viên. Thầy luôn là chỗ dựa để các em học sinh tại địa phương vùng cao này vững bước trên con đường tìm cái chữ để trưởng thành”- thầy Võ Đăng Thuận khẳng định./.
Theo dangcongsan.vn