“Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam” - Sáng tạo kích cầu du lịch nội địa

Thứ hai, 18/05/2020 09:57
(ThanhtraVietNam) – Nếu như mô hình khá thành công trước đây về người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam là một hoạt động kích cầu tiêu dùng hàng hóa nội địa thì mới đây, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) lại có sáng tạo mới trong việc kích cầu du lịch trong nước - một sản phẩm dịch vụ rất đặc thù mang tên “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam”.

Triển khai đồng bộ các giải pháp

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Du lịch, tính đến hết năm 2019, trên phạm vi cả nước có 2.656 doanh nghiệp kinh doanh lữ hành quốc tế; 27.100 hướng dẫn viên du lịch, trong đó, có 9.146 hướng dẫn viên du lịch nội địa và 724 hướng dẫn viên du lịch tại điểm. Năm 2019, khách du lịch nội địa đạt 85 triệu lượt, trong đó có khoảng 1/4 lượng khách sử dụng phương tiện chính bằng đường hàng không.

Số liệu trên cho thấy, ngành kinh tế không khói của Việt Nam có vị trí rất quan trọng, đóng góp lớn vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; giải quyết việc làm cho hàng chục nghìn lao động…

Tuy nhiên, trong nửa đầu năm 2020, do ảnh hưởng chung của đại dịch Covid-19, ngành Du lịch Việt Nam đã “dậm chân tại chỗ”, nhất là trong tháng 4. Hiện nay, tình hình dịch bệnh ở Việt Nam đã cơ bản được kiểm soát, đã 30 ngày liên tiếp không có ca lây nhiễm Covid-19 trong cộng đồng. Đây là thời điểm vàng để ngành Du lịch “vươn mình” trở lại.

Ngày 08/5/2020, Bộ VHTTDL đã ban hành Kế hoạch số 1749/KH-BVHTTDL phát động Chương trình “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam”. Đây là giải pháp nhằm kích cầu du lịch nội địa, tạo điều kiện để người dân du lịch tới các vùng miền trong cả nước trong bối cảnh bình thường mới sau dịch Covid-19. Để đạt hiệu quả cao, chương trình cần sự tham gia, vào cuộc tích cực của các địa phương, hãng hàng không, doanh nghiệp liên quan du lịch, đồng thời đảm bảo các quy định, điều kiện về an toàn phòng chống dịch cho khách du lịch, người lao động và cộng đồng nhân dân địa phương.

leftcenterrightdel
Khách du lịch thưởng thức tiết mục múa rối nước tại Bảo tàng Dân tộc học (Hà Nội), Ảnh: MN

Theo Kế hoạch, Tổng cục Du lịch (Bộ VHTTDL) sẽ phối hợp với các địa phương và các bên liên quan tổ chức phát động Chương trình “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam” tại một số địa bàn du lịch trọng điểm nhằm thu hút sự vào cuộc của các hiệp hội, doanh nghiệp và các đối tác, thực hiện truyền thông để các bên và du khách có thông tin, tham gia tích cực. Đồng thời, phối hợp với các địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp, các hãng hàng không xây dựng các gói sản phẩm kích cầu hấp dẫn nhằm thu hút khách du lịch nội địa.

Các cơ quan quản lý du lịch tại các địa phương có nhiệm vụ tham mưu cho UBND tỉnh tổ chức phát động Chương trình, thông tin rộng rãi về việc mở cửa các điểm du lịch, về mức độ an toàn, sẵn sàng thu hút khách du lịch, xây dựng các quy định hướng dẫn đảm bảo an toàn cho hoạt động du lịch, khách du lịch, người lao động và cộng đồng người dân địa phương. Bên cạnh đó, các địa phương cần có chính sách hỗ trợ miễn, giảm phí, lệ phí tham quan tại các di tích, điểm tham quan, bảo tàng, điểm du lịch do địa phương quản lý góp phần giảm giá thành, tăng tính hấp dẫn các gói kích cầu du lịch.

Ngành Du lịch cần tự đứng dậy phát triển thị trường trong nước

Theo báo cáo của Bộ VHTTDL, trong 4 tháng đầu năm, lĩnh vực VHTTDL bị thiệt hại nặng nề. Tổng lượng khách quốc tế đến Việt Nam chỉ đạt 3,4 triệu lượt, chủ yếu vào tháng 1 và tháng 2; riêng tháng 4 không có khách du lịch quốc tế.

Chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4 vừa qua, sau khi nghe báo cáo và thảo luận tình hình kinh tế - xã hội tháng 4, thảo luận và cho ý kiến về Nghị quyết của Chính phủ về tháo gỡ khó khăn, giải ngân vốn đầu tư công, phục hồi sản xuất kinh doanh, trong đó có việc phục hồi ngành du lịch, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, việc khởi động lại du lịch trong nước là cần thiết. Thủ tướng khuyến khích các điểm tham quan du lịch, các khách sạn tiếp tục có các biện pháp thu hút khách. Các cơ quan truyền thông cần phối hợp để tuyên truyền mạnh mẽ giới thiệu điểm đến, đẩy mạnh du lịch nội địa trong bối cảnh hiện nay. Thủ tướng nhấn mạnh, Chính phủ chưa có chủ trương mở cửa du lịch quốc tế, ngành Du lịch phải cần tự dứng dậy để phát triển thị trường du lịch trong nước.

Trong thời gian trước, những người có điều kiện ở Việt Nam thường chọn đi du lịch nước ngoài để khám phá, có thêm trải nghiệm mới tại các đất nước khác nhau trên thế giới. Các công ty, dịch vụ lữ hành tổ chức các tour quốc tế ngày càng phát triển, mở rộng để đáp ứng nhu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng, nhất là trong điều kiện kinh tế - xã hội ngày càng phát triển. Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 hiện nay trên thế giới vẫn còn diễn biến phức tạp, chính vì vậy việc đi du lịch nước ngoài không thực hiện được.

Do đó, việc triển khai đồng bộ các biện pháp kích cầu du lịch trong nước nhằm phục hồi ngành Du lịch là yêu cầu đúng đắn trong bối cảnh hiện nay. Mặc dù, Du lịch là ngành công nghiệp không khói, không tạo ra sản phẩm hữu hình nhưng là người Việt Nam đi du lịch trong nước, xét theo một khía cạnh, tiêu chí nào đó, là chúng ta đang tích cực hưởng ứng cuộc vận động “Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam”.

leftcenterrightdel
 Hội An một điểm đến hấp dẫn, chi phí tiêu dùng hợp lý đối với khách du lịch nội địa. Ảnh: MN

Hơn nữa, Việt Nam là một đất nước, một điểm đến vô cùng hấp dẫn với đường bờ biển dài hàng nghìn km, nhiều hòn đảo xinh đẹp, vùng vịnh trong xanh thơ mộng, hang động, núi non hùng vĩ... đến các đặc trưng văn hóa của 54 dân tộc, vùng, miền khác nhau. Đây là lợi thế về tự nhiên, văn hóa – xã hội để hút khách du lịch trong nước.

Bên cạnh đó, chúng ta cũng có hệ thống giao thông đa dạng đến các điểm du lịch. Đi liền với đó là các dịch vụ đi kèm ngày càng phong phú, đáp ứng nhu cầu của tất cả các tầng lớp nhân dân.

Việc phát huy tổng thể các lợi thế và các giải pháp kích cầu du lịch trong nước sẽ tháo gỡ khó khăn trước mắt cho ngành Du lịch. Về lâu dài, cần tiếp tục duy trì, phát triển lượng khách nội địa để ngành Du lịch không bị quá phụ thuộc vào khách quốc tế, mà vẫn phát huy tối đa hiệu quả của các tiềm năng vốn có.

Giảm giá, không giảm chất

Đây là bài toán đòi hỏi ngành Du lịch phải có cách giải bởi đôi khi vẫn có những phản ánh, phản hồi không tốt về các chương trình khuyến mại hay giảm giá.

Hiện nay, hầu hết các địa điểm du lịch, tham quan, các khu di tích… trên cả nước đã mở cửa trở lại. Sau những ngày hạn chế đi lại do dịch bệnh và thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về giãn cách xã hội, số đông bộ phận người dân muốn đi du lịch cùng gia đình, bạn bè. Các resort hay khu nghỉ dưỡng đang là điểm đến hấp dẫn được các gia đình lựa chọn vào dịp cuối tuần. Đặc biệt, bây giờ đang là mùa hè - mùa du lịch.

Sau khi hoạt động trở lại, ngành Du lịch đang tung ra các chương trình ưu đãi hấp dẫn. Ngày 13/5 vừa qua, Hiệp hội Du lịch Quảng Nam tổ chức hội nghị kích cầu du lịch, đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp của các đại biểu tham dự. Trong đó, bà Đào Khánh Vân, tổng quản lý khu phức hợp Vinpearl Nam Hội An, đề nghị không nên tách riêng ra từng dịch vụ để giảm giá, mà tích hợp thành các gói ưu đãi (combo), nâng cao giá trị của từng dịch vụ để phục vụ khách tốt nhất.

Theo ông Trần Thái Do, chủ sở hữu Silk Sense Hội An: “Mỗi khách sạn, doanh nghiệp lữ hành phải phục vụ khách trên chuẩn, khách phải hài lòng tuyệt đối, được chăm lo tuyệt đối. Thậm chí mỗi người tới Hội An hay Mỹ Sơn đều phải được... tặng quà khi rời đi”.

Tại một địa phương khác ở miền Bắc, Quảng Ninh kích cầu du lịch bằng việc HĐND tỉnh đã thông qua việc miễn, giảm phí tham quan tại một số khu du lịch trọng điểm có thu phí trên địa bàn. Theo đó, kể từ ngày 14/5 sẽ miễn phí vé tham quan vịnh Hạ Long, Khu di tích danh thắng Yên Tử và Bảo tàng Quảng Ninh trong tháng 5 và một số ngày lễ trong tháng 6 và 7. Trong các ngày còn lại của tháng 6 và 7 sẽ áp dụng hình thức mua 1 tặng 1 tại 3 điểm tham quan này.

Ngoài ra, tỉnh Quảng Ninh chỉ đạo đưa tuyến vận tải công cộng bằng xe buýt chất lượng cao từ Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn đến khu vực Dốc Đỏ (phường Phương Đông, TP Uông Bí) và ngược lại vào hoạt động, phục vụ miễn phí cho tất cả hành khách đi máy bay di chuyển từ cảng hàng không quốc tế Vân Đồn đến TP Uông Bí và ngược lại. Thời gian áp dụng đến hết 31/12/2020.

Việc giảm giá, miễn phí để kích cầu du lịch trong nước là cần thiết nhưng các công ty cần đảm bảo chất lượng cho các dịch vụ, theo đúng nghĩa “giảm giá nhưng không giảm chất”. Đồng thời, các cơ quan chức năng cũng cần có những biện pháp giám sát, quản lý cũng như xử lý nghiêm trong trường hợp có những vi phạm xảy ra./.

Hoàng Minh

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra