Những kỷ niệm khó quên với Tạp chí Thanh tra

Thứ ba, 20/11/2018 08:45
(ThanhtraVietNam) - Lần đầu tiên viết báo, cũng trăn trở nắn nót lắm. Bài viết: “Thiết lập cơ quan tài phán hành chính ở Việt Nam” đăng trên Tạp chí thanh tra, đánh dấu sự bén duyên với nghề viết lách và nhất là cái duyên với Tạp chí của ngành.

Tôi về công tác tại Thanh tra Chính phủ ngót nghét đã 3 chục năm. Hồi đó còn gọi là Ủy ban thanh tra Nhà nước. Và có lẽ cũng gần như bằng ấy năm là sự quen biết và cộng tác với Tạp chí Thanh tra. Khi đó Tạp chí mới tròn đầy tuổi lên mười. Nói là thân quen ngay từ đầu không ngoa bởi đơn giản là ở chung một tầng. Vả lại Tạp chí cũng chỉ có mươi người, bác Quốc Trung Tổng Biên tập, phóng viên có chú Ngân “điếc”, chị Thu Viện, chị Tuyết “béo”, Phương Đông, chị Phương Thảo hay hát và hát hay, anh Thoại trị sự, chị Doan đánh máy… Hình như tất cả chỉ có vậy. Hồi đó Thanh tra Chính phủ còn vắng lắm, trụ sở chỉ có hai tòa nhà, một dành cho lãnh đạo, chúng tôi gọi đùa là “Nhà trắng”, đơn giản vì nó màu trắng và một tòa nhà 4 tầng cho cán bộ công chức xây theo kiểu Liên xô cũ, mọi thứ đều chung đụng. Lúc đó cũng chỉ có 2 Cục: Cục Thanh tra và Cục xét khiếu tố. Tôi được phân công về Cục xét khiếu tố ở tầng hai bên phải cầu thang, cùng tầng với anh chị Tạp chí, mấy phòng trong cùng bên trái. Điều kiện “địa lý” gần gũi, lại ít người nên quen biết nhau cả. Thực sự thì lúc đầu không để ý lắm nhưng dần dà vốn cũng có máu viết lách nên thử đọc vài số Tạp chí thấy hay hay, lại có lúc được trò chuyện với tác giả, trao đi đổi lại cũng thú vị. Có đợt đi thanh tra, thỉnh thoảng thấy có anh chị nghe nói là phóng viên Tạp chí Thanh tra dự vài cuộc họp. Vào những năm 90, Ủy ban thanh tra Nhà nước nhộn nhịp chuyện làm Pháp lệnh Thanh tra, văn bản pháp lý cao nhất đầu tiên của ngành và sửa Pháp lệnh quy định việc xét giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân năm 1981. Vốn là dân luật lệ nên tôi được điều về Phòng Pháp chế trực thuộc lãnh đạo, Trưởng phòng là cố PGS.TS Lê Bình Vọng và một anh nữa cũng tên là Minh, sau nay làm Vụ trưởng trên VPCP. Tôi nhớ các anh chị Tạp chí thỉnh thoảng lại nhắc: “chuyện luật lệ có gì hay hay thì viết cho Tạp chí nhé”. Vâng dạ mãi rồi cũng để đấy, đến tận năm 1992 khi đó bàn nhiều chuyện về việc thành lập cơ quan tài phán hành chính, một thứ rất mới, thậm chí là lạ tai với mọi người, chị Thu Viện (sau này làm Tổng Biên tập Báo Thanh tra) bảo tôi: “Chú viết cho chị một bài đi”. Lần đầu tiên viết báo, cũng trăn trở nắn nót lắm. Bài viết: “Thiết lập cơ quan tài phán hành chính ở Việt Nam” đăng trên Tạp chí thanh tra, đánh dấu sự bén duyên với nghề viêt lách và nhất là cái duyên với Tạp chí của ngành. Thời gian du học Pháp một năm cũng làm gián đoạn mối lương duyên đó. Khi về thì Tạp chí đã có thêm người anh em mới, đó là Báo Thanh tra, do chị Thu Viện làm Tổng Biên tập cả báo và chí. Cũng chỉ bằng đó con người nên lãnh đạo Thanh tra Nhà nước đã quyết định “giảm tải” chỉ giữ lại tờ Báo còn phần “chí” giao cho Vụ Tổng hợp pháp chế, được thành lập theo Pháp lệnh Thanh tra năm 1990 đảm nhiệm với suy nghĩ tạp chí là cơ quan ngôn luận phải gắn bó với công tác nghiên cứu, xây dựng thể chê của ngành.

leftcenterrightdel
 TS. Đinh Văn Minh chúc mừng Tạp chí Thanh tra nhân ngày 21/6
Có lẽ thấy trước khó khăn của việc kiêm nhiệm cho nên lãnh đạo Thanh tra Nhà nước chỉ yêu cầu ra một số thông tin có tính chất nội bộ thay vì một tờ Tạp chí như trước. Tôi vẫn nhớ trước khi nhận nhiệm vụ này, cố PGS. TS Lê Bình Vọng có hỏi mấy anh em chúng tôi (anh Chiến, anh Minh, anh Kim…): “liệu anh em mình có làm được không các chú?” Là hỏi vậy thôi chứ chúng tôi biết ông là người đầy quyết tâm và nhiệt huyết. Vậy là chúng tôi trở thành “nhà báo”, mỗi người mỗi việc, cũng đủ cả, dàn dựng, viết lách, in ấn, văn chương… “Điểm sáng Ninh Bình” là bài viết đầu tiên mà tôi cũng chỉ nghĩ “hình như nó thuộc thể loại phóng sự” khi viết về nhà máy Bê tông-thép hồi đó anh Đinh Văn Hùng làm Giám đốc sau rồi lên Chủ tịch tỉnh. Ba số Thông tin thanh tra ra đời ngon nghẻ và rồi “người anh cả” Lê Bình Vọng của chúng tôi là chưa thôi trăn trở: Tại sao mình chỉ là tờ thông tin nội bộ? Tại sao cả một ngành lại không có một tờ Tạp chí nghiên cứu lý luận xứng đáng với tầm vóc của ngành? Quyết tâm rất lớn của ông cùng với đó là nỗ lực của anh em “kiêm nhiệm” và nhất là chất lượng của số Thông tin Thanh tra đã thuyết phục được các đồng chí lãnh đạo và chỉ ba tháng sau, Tạp chí Thanh tra đã được “trả lại tên”, bước sang một thời kỳ mới được nâng tầm bởi chất lý luận, chất nghiên cứu rõ nét hơn.

Chất lượng Tạp chí từng bước được nâng lên, cả về nội dung và hình thức, dần xuất hiện các bài viết nghiên cứu của các nhà khoa học có tên tuổi, những đồng chí hoạt động thực tiễn có uy tín, những cuộc thảo luận sôi nổi từ mọi miền đất nước của bạn bè cộng tác viên trong và ngoài ngành thanh tra. Sự tin cậy đó càng khiến chúng tôi phải nỗ lực hơn, cẩn trọng hơn trong các bài đăng lên Tạp chí. Tạp chí cũng “nở ra” về số lượng, lần lượt chị Chỉ, anh Lộc, anh Mẫn, em Tính…, phần lớn là kiêm nhiệm cả thôi nhưng cũng làm cho hoạt động của Tạp chí thêm sôi nổi, hào hứng. Cùng với những bài viết có chất lý luận nghiệp vụ, những bài viết phản ảnh thực tiễn khó khăn vướng mắc trong hoạt động của ngành và những vần thơ, câu chuyện không kém phần mềm mại, ấm áp viết về ngành thanh tra, người làm thanh tra… Nhờ có Tạp chí mà tôi cũng đã cao hứng viết truyện ngắn đầu tiên “Màu xanh thời gian” và vài truyện nữa đăng Tạp chí. Viết về nghề thanh tra đấy nhưng cũng có hoa nở, trăng lên và có cả yêu đương, hơn dỗi! Rồi có đêm thơ, nhạc, có cuộc thi viết nhân kỷ niệm 50 ngày truyền thống thanh tra. Bận lắm mà cũng vui nhiều, anh chị em ngày càng trưởng thành, tự tin hơn, Tạp chí Thanh tra trở thành người bạn thân thiết gần gũi hơn với cán bộ thanh tra mọi miền đất nước và cả những ai quan tâm, muốn tìm hiểu, nghiên cứu về công tác thanh tra, hoạt động thanh tra. Mấy anh em “kiêm nhiệm” hồi nào cũng dần phát triển sự nghiệp khác nhau nhưng đều phục vụ cho ngành, anh Chiến gắn bó với Tạp chí lâu hơn cả, sau thời gian dài làm Tổng Biên tập, rồi mới chuyển đơn vị khác, anh Kim thì chuyên sâu về luật lệ, anh Lộc, anh Mẫn cũng đều là cán bộ chủ chốt (1), anh Phan Minh lên Văn phòng Chính phủ và cũng theo dõi công tác thanh tra, còn tôi 15 năm qua gắn bó với công tác nghiên cứu… Thấm thoát đã ngót 3 chục năm, mấy anh chị em “kiêm nhiệm Tạp chí” thời nào tóc cũng đã điểm bạc, có người nghỉ hưu, vậy mà mỗi lần gặp nhau đều không quên nhắc lại cái thời Tạp chí, vất vả lắm chẳng có gì ngoài sự nhiệt tình của tuổi trẻ, cũng có thẻ phóng viên, cũng viết lách ra trò đấy dù chưa một ngày được đào tạo nghề báo, lại nhớ đến câu hát “làm thanh tra ta phải có tấm lòng” trong một bài hát hiếm hoi viết về thanh tra, lại nhớ đến câu thơ “vũ khí thanh tra là tầm cao trí tuệ” của người Anh cả Lê Bình Vọng thân thương … Có lẽ vì thế mà với tôi những năm “làm Tạp chí” là quãng thời gian thật khó quên, và gắn bó với Tạp chí như một điều hết sức tự nhiên cả về tình cảm và trách nhiệm. Ngay giờ đây dù bận rộn với công tác nghiên cứu nhưng vẫn đau đáu và lập tức cầm bút mỗi khi có những câu chuyện còn băn khoăn thắc mắc về quy định, về thực tiễn của Ngành để nhờ Tạp chí Thanh tra chia sẻ và cũng thật vui khi các anh chị em như một thói quen, hễ có vấn đề gì mới, những gì nhiều tranh luận lại nhớ đến để đặt bài viết. Mỗi lần chuông điện thoại reo lên, sau câu chào hỏi: “dạo này anh có khỏe không” là một lời đề nghị nhẹ nhàng nhưng khó có thể từ chối: “anh ơi sắp tới anh viết cho Tạp chí cái này, cái này…”

Mấy điều tâm tình để nhìn lại 30 năm găn bó, chứng kiến và cảm nhận sự đi lên của Tạp chí và cũng là để chúc mừng Tạp chí Thanh tra tròn đầy tuổi 40, cái tuổi đủ sự chín chắn, trưởng thành của một tờ Tạp chí nghiên cứu lý luận với đội ngũ cán bộ, phóng viên năng động trẻ trung sẵn sàng đáp ứng yêu cầu và nhiệm vụ của ngành Thanh tra trong thời kỳ mới./.     

Ts. Đinh Văn Minh

Viện trưởng Viện Chiến lược và Khoa học thanh tra



(1)Anh Vũ Văn Chiến, Hiệu trưởng trường Cán bộ Thanh tra, anh Nguyễn Văn Kim, Quyền Vụ trưởng Vụ Pháp chế, anh Nguyễn Hữu Lộc, Quyền Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế, anh Nguyễn Minh Mẫn, Quyền Vụ trưởng Vụ 3

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra