Theo Lịch sử Đảng bộ tỉnh Hà Nam (Tập I), đầu năm 1958, do thời tiết thất thường, Hà Nam nằm trong vùng bị hạn nặng, thiếu nước sản xuất trầm trọng, nạn hạn hán đã kéo dài 4 - 5 tháng làm hàng vạn mẫu lúa mới cấy có nguy cơ héo cháy. Những nơi trũng nhất như Vụ Bản, An Nội, khu C (huyện Bình Lục) đều bị khô nẻ. Vụ sản xuất đông xuân đã muộn lại không có nước để cày cấy.
Trước tình thế cấp bách, Đảng bộ huyện Bình Lục hạ quyết tâm thắng hạn cứu lúa. Hàng vạn lao động được huy động nạo vét kênh, đắp đập qua sông Sắt để đưa nước từ cống Liên Mạc về tưới cho lúa (gọi là đập Cát Tường).
Ngày 14/01/1958, trong lúc nhân dân Hà Nam đang thi đua chống hạn thì được Bác Hồ về thăm. Tại Hội nghị sơ kết chống hạn được tổ chức tại hội trường Ủy ban hành chính tỉnh Hà Nam, Người đã khen ngợi nhân dân tỉnh Hà Nam trước kia vừa kháng chiến, vừa sản xuất rất anh dũng, mấy năm gần đây lại có nhiều thành tích chống hạn.
Sau khi chỉ rõ nhiệm vụ chống hạn của tỉnh, Hồ Chủ tịch đã trao cờ luân lưu “Chống hạn khá nhất” cho Huyện ủy Bình Lục và 9 huy hiệu của Người làm phần thưởng cho những cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác này.
Đến thăm bà con đang đắp đập Cát Tường, trước đông đảo nhân dân chung quanh, Người nói: “Tỉnh bảo đắp 7 ngày, các chú phải rút thời gian sớm có nước cấy”. Thực hiện lời dạy của Bác, nhân dân Bình Lục đã hoàn thành việc đắp đập Cát Tường trong thời gian chưa đến 5 ngày. Con đập dài 120m, bề mặt rộng hơn 2m, cao bằng mặt đê, chắn ngang sông Sắt, ngăn không cho nước đổ vào sông Ninh, tạo điều kiện giữ nước cứu hàng ngàn mẫu lúa chiêm đang bị khô hạn.
Trong năm 1958, nhân dân Hà Nam đã góp 434.721 ngày công để đào 486 con ngòi, đắp 57 con đường dài 414.982m và hoàn thành những công trình lớn như: đập Cát Tường, mương Mạc Thượng, kênh Ben để dẫn nước vào đồng. Do vậy, diện tích cấy lúa chiêm năm 1958 đã đảm bảo 97,35% kế hoạch.
Sự kiện Chủ tịch Hồ Chí Minh về dự hội nghị sơ kết chống hạn và thăm đắp đập Cát Tường là nguồn cổ vũ, khích lệ to lớn đối với Đảng bộ, nhân dân Hà Nam. Chính sự thăm hỏi, động viên ân cần của Người đã trở thành động lực mạnh mẽ thúc đẩy toàn thể nhân dân trong tỉnh đẩy mạnh phong trào làm thủy lợi, chống hạn và đã đạt được kết quả tích cực.
Địa điểm lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm công trường đắp đập Cát Tường đã được xếp hạng Di tích lịch sử quốc gia năm 2018.
Di tích được xây dựng trên nền khu vực công trình đập Cát Tường năm xưa.
Bác Hồ thăm bà con nông dân đang đắp đập Cát Tường ngày 14/01/1958.
(Ảnh tư liệu)
Theo Trần Sơn Nam/Dangcongsan.vn