Phải ‘tuyên chiến’ với những hành vi phản văn hoá

Thứ sáu, 08/03/2019 07:11
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh nhiệm vụ quan trọng của Bộ VHTTDL trong năm nay 2019 là tuyên truyền, lên tiếng mạnh mẽ, phê phán những hành vi không hợp văn hoá, thiếu văn hoá, phản văn hoá.

leftcenterrightdel
 
Sáng 7/3, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam họp giao ban với khối văn hoá, thể thao, du lịch về một số nhiệm vụ trọng tâm triển khai trong thời gian tới.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam:Bộ VHTTDL phải là bộ đầu mối, đôn đốc các bộ ngành khác thực hiện các chương trình, đề án xây dựng văn hoá, thái độ ứng xử, đạo đức. Ảnh: VGP/Đình Nam

Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thuỷ cho biết, 2 tháng đầu năm, các đơn vị thuộc Bộ đãbắt tay thực hiện nhiều nhiệm vụ theo ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại hội nghị triển khai công tác năm 2019.

Cụ thể, Viện Văn hoá nghệ thuật quốc gia Việt Nam đã xây dựng kế hoạch tuyên truyền nêu gương người tốt, việc tốt. Viện đã lên tiếng về những nổi cộm liên quan đến đạo đức xã hội như dâng sao giải hạn, đốt vàng mã, văn minh xếp hàng…

Bộ VHTTDL đã tháo gỡ một số vướng mắc về cơ chế, chính sách đáp ứng yêu cầu đặc thù trong đào tạo văn hoá nghệ thuật. Các đề án đặt hàng đào tạo cho các lĩnh vực văn hoá nghệ thuật, sáng tác, giảng dạy, nghiên cứu, lý luận… đã được hoàn thành và triển khai. Đáng chú ý, Bộ đang hoàn thiện phương án đề xuất đặt hàng 300 chỉ tiêu cho 11 ngành văn hoá nghệ thuật hiếm, khó tuyển sinh, truyền thống và đặc thù.

Trong lĩnh vực đào tạo du lịch, Bộ VHTTDL, Hiệp hội Du lịch Việt Nam, Bộ LĐTBXH đã thống nhất 5 trường đại học, cao đẳng đào tạo văn bằng 2 về du lịch; 20 doanh nghiệp cam kết tham gia đào tạo theo cơ chế đặt hàng.

Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Lê Quân đánh giá hiện đào tạo nhân lực du lịch đang có nhu cầu rất lớn. Các trường khối du lịch đã tích cực đổi mới phương pháp, gắn kết đào tạo với thực tập, liên kết với doanh nghiệp. Sự thay đổi tích cực này cùng với tình hình khan hiếm nhân lực ngành du lịch, đặc biệt trong khối ASEAN và một số thị trường như New Zealand, Anh, Australia; cạnh tranh từ các công ty xuất khẩu lao động… đòi hỏi các doanh nghiệp trong nước cần chủ động tham gia trong quá trình tuyển dụng. Bộ cũng đã hoàn thiện thông tư về vấn đề đào tạo online cho ngành du lịch và đang tiến tới chuẩn hóa, tạo điều kiện thuận lợi cho những người lao động làm việc trong lĩnh vực du lịch, khách sạn có nhu cầu hoàn thiện chứng chỉ đào tạo còn thiếu. 

Bên cạnh đó, để chuẩn bị cho SEA Games 30, vòng loại Olympic, Paralympic 2020, đã có 1.090 lượt vận động viên, 22 huấn luyện viên, 23 chuyên gia nước ngoài được triệu tập, tập huấn.

Tại cuộc giao ban, các đại biểu thống nhất cao về sự cần thiết phải ban hành các bộ tiêu chí về hành vi, ứng xử văn hoá, đi cùng với chấn chỉnh nghiêm túc các hành vi phản văn hoá.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh một nhiệm vụ quan trọng của ngành VHTTDL trong năm 2019 là tuyên truyền, lên tiếng mạnh mẽ phê phán những hành vi không hợp văn hoá, thiếu văn hoá, phản văn hoá. Tuyên truyền những tấm gương tốt với những con người, sự việc có thật để thay đổi nhận thức của người dân, dần hình thành thói quen tốt.

“Các bộ cần xây dựng những bộ tiêu chí về ứng xử văn hoá rất cụ thể. Từ các điểm du lịch, cơ sở tôn giáo đến ứng xử với người khuyết tật, người già, trẻ em… từ cơ quan, công sở đến nhà máy, công xưởng. Đặc biệt là văn hoá của người Việt Nam khi đi du lịch và lao động ở nước ngoài”, Phó Thủ tướng nói.

Thứ trưởng Lê Quân cho rằng, về kỹ năng nghề DN có thể đào tạo lại được nên họ cần những người lao động có tác phong làm việc chuyên nghiệp, gọn gàng, thái độ tốt. Vì vậy bên cạnh đào tạo nghề, Bộ LĐTBXH sẽ chú trọng hơn đến tập huấn về văn hoá ứng xử cho người lao động đi làm việc ở nước ngoài. Đồng thời, nghiên cứu xây dựng quy tắc ứng xử cơ bản của xã hội đối với người khuyết tật, những người yếu thế, người già, trẻ em…

Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Ngọc Thiện cho rằng việc xây dựng văn hoá, con người, đạo đức xã hội riêng mình Bộ làm không hết được mà cần cả xã hội. “Chúng ta có nhiều quy tắc về xây dựng văn hoá, thái độ ứng xử văn minh nhưng tổ chức như thế nào, ai làm, thì rõ ràng không chỉ mình ngành văn hoá triển khai mà phải từ từng bộ ngành. Chúng ta phải rất cụ thể chứ không chỉ nói chung chung”, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện nói.

Tại cuộc họp, lãnh đạo các bộ Y tế, Giáo dục và Đào tạo, Nội vụ, Thông tin và Truyền thông… cam kết sẽ triển khai những chương trình, đề án liên quan đến lĩnh vực văn hoá, đạo đức xã hội trong lĩnh vực mà mình quản lý.

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thị Nghĩa cho biết bên cạnh việc phối hợp với Bộ VHTTDL trong triển khai thể thao học đường, thời gian tới Bộ sẽ tập trung vào dạy người bên cạnh dạy kiến thức.

“Bộ Giáo dục và Đào tạo nên phát động đội ngũ giáo viên có những câu hỏi trắc nghiệm về các hành vi văn hoá, đạo đức cho học sinh. Dạy đạo đức chính là tuyên truyền văn hoá”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam lưu ý.

Trong khi đó, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Việt Tiến cho hay từ những kết quả của việc thực hiện bộ tiêu chí đánh giá chất lượng bệnh viện, nâng cao tỷ lệ hài lòng của người dân, ngành y tế tự tin để thực hiện tốt việc nhân rộng phương thức hẹn khám theo giờ, thói quen xếp hàng tại khoa khám bệnh.

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Triệu Văn Cường cũng cam kết sẽ đẩy mạnh việc thực hiện đề án văn hoá công vụ mà Bộ là đầu mối với “4 xin, 4 luôn”: Xin chào, xin lỗi, xin cảm ơn, xin phép; Luôn mỉm cười, luôn nhẹ nhàng, luôn lắng nghe, luôn giúp đỡ.

Còn Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Hoàng Vĩnh Bảo cho rằng bên cạnh báo chí, hệ thống thông tin cơ sở cũng rất cần thiết trong tuyên truyền về các hành vi, thái độ ứng xử văn hoá hoặc chưa văn hoá. Thứ trưởng Hoàng Vĩnh Bảo đồng tình với ý kiến cho rằng cơ quan báo chí truyền thông ở  từng tỉnh, từng địa bàn cần xây dựng những chuyên mục về văn hoá có người thật, việc thật, phân tích cụ thể… Sắp tới, Bộ Thông tin và Truyền thông cùng phối hợp với các bộ ngành tổ chức một cuộc hội thảo bản về vai trò của báo chí trong xây dựng văn hoá, làm sao để đội ngũ các nhà báo, mạng xã hội, truyền thông vào cuộc tuyên truyền về văn hoá ứng xử.

leftcenterrightdel
 Ảnh: VGP/Đình Nam

Qua các ý kiến của lãnh đạo bộ ngành, Phó Thủ tướng nhấn mạnh Bộ VHTTDL phải là bộ đầu mối, đôn đốc các bộ ngành khác thực hiện các chương trình, đề án xây dựng văn hoá, thái độ ứng xử, đạo đức trong từng lĩnh vực. “Làm văn hoá cần rất kiên trì chứ không phải ngay một lúc là có kết quả”, Phó Thủ tướng nói.

Tại cuộc họp, Phó Thủ tướng đề nghị Bộ VHTTDL đẩy mạnh cải cách hành chính, tin học hoá trong hoạt động quản lý. Đồng thời tăng tốc số hoá các di sản, các sản phẩm truyền thông về văn hoá, du lịch, đưa lên mạng, hệ tri thức Việt số hoá. “Bộ VHTTDL phải làm gương trong thực hiện các quy tắc ứng xử văn hoá”.

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ VHTTDL cần tăng cường phối hợp với các hội xã hội, nghề nghiệp trong lĩnh vực văn hoá, nghệ thuật, văn hoá gia đình… “Hoạt động lễ hội đã được chấn chỉnh mấy năm qua, trên cơ sở đó Bộ cần làm việc với các tổ chức tôn giáo để chấn chỉnh các hành vi phản văn hoá trong các hoạt động tín ngưỡng, đặc biệt tại các địa điểm tôn giáo, du lịch tâm linh”, Phó Thủ tướng nêu ví dụ.

Ngoài ra, Phó Thủ tướng đã cho ý kiến về một số vấn đề cụ thể của các bộ ngành, Bộ VHTTDL: Sắp xếp các đơn vị sự nghiệp trực thuộc Bộ như Hãng Phim truyện Việt Nam, Làng Văn hoá các dân tộc Việt Nam; xây dựng các quy tắc mang tính nghi lễ, thái độ ứng xử sao cho đúng văn hoá, truyền thống, kết hợp với hiện đại; đẩy mạnh đề án phát triển hể lực, tầm vóc người Việt Nam giai đoạn 2011-2030; phát triển thể thao thành tích cao, đặc biệt là bóng đá phải sạch…

“Các bộ ngành triển khai đề án, chương trình xây dựng văn hoá, hành vi ứng xử, đạo đức xã hội đều phải làm dưới sự điều phối đôn đốc của Bộ VHTTDL” Phó Thủ tướng nhấn mạnh.


Theo baochinhphu.vn

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra