Trải qua các chặng đường phát triển của lịch sử văn hóa dân tộc, truyền thống cao đẹp “văn hiến” “hiếu học”, “tôn sư, trọng đạo” của người Việt lúc nào cũng được đề cao. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng khẳng định: “Nhiệm vụ của cô giáo, thầy giáo là rất quan trọng và vẻ vang”(1). Người dặn dò: “Làm mẫu giáo tức là thay mẹ dạy trẻ. Muốn làm được thế thì trước hết phải yêu trẻ. Các cháu nhỏ hay quấy, phải bền bỉ, phải chịu khó mới nuôi dạy được các cháu. Dạy trẻ cũng như trồng cây non. Trồng cây non được tốt thì sau này cây lên tốt”(2). Người vinh danh đội ngũ giáo viên bình dân học vụ, những người đã “mang tri thức phổ thông cho đồng bào, để xây đắp nền văn hóa sơ bộ cho dân tộc”(3), “Thầy giáo tốt là người anh hùng vô danh... Không có thầy giáo thì không có giáo dục, không có giáo dục, không có cán bộ thì không thể nói đến kinh tế - văn hóa”, nên “cái vinh dự đó thì tượng đồng, bia đá nào cũng không bằng”(4). Với các giáo viên Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Các thầy giáo có nhiệm vụ nặng nề và vẻ vang là đào tạo cán bộ cho dân tộc”(5).
Người cũng nhắc nhở trách nhiệm của các cấp Đảng và chính quyền địa phương phải thật sự quan tâm hơn nữa đến sự nghiệp giáo dục, phải chăm sóc nhà trường về mọi mặt, và động viên sự giúp đỡ của các gia đình, các bậc phụ huynh: “Từ trước đến nay, đồng bào ta đã hết lòng giúp đỡ công việc giáo dục. Tôi mong rằng từ nay về sau, đồng bào sẽ cố gắng giúp đỡ nhiều hơn nữa cho trường học và ai cũng tự mình cố gắng học tập”(5). Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng, người rất quan tâm đến sự nghiệp giáo dục của đất nước đã từng nói: “Dạy học là nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý. Vinh quang nhất trong những nghề vinh quang, sáng tạo nhất trong những nghề sáng tạo”(6). Vì thầy giáo thông qua dạy chữ (kiến thức) mà dạy người. Thầy giáo đã đào tạo ra những con người khi trưởng thành vào đời sẽ sáng tạo ra của cải vật chất và tinh thần cho xã hội.
Đặc biệt, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm đến phương pháp nêu gương. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Một tấm gương sống còn có giá trị hơn 100 bài diễn văn tuyên truyền”, thầy cô giáo là những người đi khai sáng trí tuệ, mở mang tri thức, thắp sáng ngọn lửa tâm hồn cho học sinh. Người nói: “Giáo dục được người thầy giáo, được cả một thế hệ”, thầy tốt thì ảnh hưởng tốt, thầy xấu thì ảnh hưởng xấu; một tấm gương sáng của người thầy sẽ có cả một thế hệ noi theo, ngược lại một hành vi xấu của người thầy có thể làm tổn thương, làm mất niềm tin cả một lớp người. Vì vậy, để nâng cao chất lượng của hoạt động dạy và học thì thầy giáo phải rèn luyện mình thêm trong thực tiễn đấu tranh của xã hội, tiếp thu lấy chất lượng sống ở đó mà truyền lại cho thế hệ trẻ: “Thầy giáo và học trò, tùy hoàn cảnh và khả năng cần tham gia vào những công tác xã hội ích nước lợi dân”(7). Những kiến thức thực tiễn đó mới thật là dòng sữa ngọt lành nuôi dưỡng thế hệ đang lớn lên.
Giữa những ngày kháng chiến gian khổ, tháng 10-1968, Người đã gửi thư cho các cán bộ, cô giáo, thầy giáo, công nhân viên, học sinh, sinh viên nhân dịp bắt đầu năm học mới. Bác giao nhiệm vụ: “Dù khó khăn đến đâu cũng phải tiếp tục thi đua dạy tốt và học tốt”, nghĩa là nhà trường, thầy cô giáo bao giờ cũng phải tập trung vào “dạy tốt” và học sinh – “học tốt”. Dạy tốt phải đi đôi với học tốt. Làm được hai việc này thì giáo dục nhất định bảo đảm được chất lượng.
“Dạy tốt và học tốt”, tức là từ chương trình, phải luôn bám sát mục tiêu vươn lên chiếm lĩnh tri thức của văn minh nhân loại, kinh nghiệm lịch sử dân tộc. Vai trò của giáo dục hết sức quan trọng, có giáo dục mới có tri thức, có khoa học, kỹ thuật, công nghệ - mới kiến thiết được đất nước, mới đưa đất nước tiến tới văn minh bằng các cường quốc, khi ấy dân tộc mới vinh quang.
Để chấn hưng nền giáo dục nước nhà, trước khi đi xa, Người không quên căn dặn trách nhiệm của Đảng, Nhà nước đối với nhân dân, với sự nghiệp giáo dục. Trong Di chúc, Bác nhấn mạnh trách nhiệm của Ðảng đối với việc chăm sóc, giáo dục thế hệ trẻ: “Ðảng cần phải chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho họ, đào tạo họ thành những người thừa kế xây dựng xã hội chủ nghĩa vừa “hồng” vừa “chuyên”. Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết”(8).
Làm theo lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngành giáo dục Việt Nam hiện nay đang trên đà phát triển, từ chỗ hơn 90% dân số mù chữ, đến nay ngành giáo dục nước nhà đã có nhiều chuyển biến tích cực.
Đối với bậc học mầm non, chất lượng chăm sóc giáo dục trẻ được nâng lên; tỷ lệ huy động trẻ em đến trường ở các độ tuổi 2,3,4 đạt cao; trẻ em vùng miền núi, dân tộc thiểu số được chuẩn bị về tiếng Việt và được hỗ trợ ăn trưa nên tỷ lệ ra lớp cao; việc thực hiện công bằng trong giáo dục từng bước được bảo đảm cả về chất và lượng. Số lượng, chất lượng đội ngũ giáo viên mầm non có những chuyển biến rõ rệt, giáo viên yên tâm gắn bó với nghề.
Đối với bậc phổ thông, chất lượng giáo dục được nâng lên. Việc đổi mới nội dung phương pháp dạy học, đổi mới đánh giá học sinh theo định hướng phát triển năng lực, phẩm chất người học được nâng lên hiệu quả, thiết thực. Kết quả đổi mới giáo dục của Việt Nam được các nước, tổ chức quốc tế ghi nhận, đánh giá cao. Ngân hàng thế giới đã khẳng định 7 trong số 10 hệ thống giáo dục hàng đầu thế giới nằm ở khu vực Đông Á - Thái Bình Dương. Chất lượng học sinh lứa tuổi 15 nước ta vượt mức trung bình của học sinh các khối OECD (gồm 30 quốc gia trên thế giới có nền kinh tế phát triển).
Giáo dục thường xuyên tập trung nâng cao hiệu quả hoạt động của các trung tâm học tập cộng đồng, các trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên sau sáp nhập; chấn chỉnh các trung tâm ngoại ngữ, tin học, đào tạo từ xa hoạt động không đúng quy định; rà soát, tiếp tục thực hiện các mục tiêu của Đề án xây dựng xã hội học tập.
Chất lượng đào tạo nguồn nhân lực, Giáo dục đại học tiếp tục đẩy mạnh thực hiện tự chủ, nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học, hỗ trợ khởi nghiệp cho sinh viên; chuẩn hóa, tăng cường hội nhập quốc tế, yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0; tăng tỷ lệ sinh viên ra trường có việc làm phù hợp với chuyên ngành đào tạo. Các cơ sở giáo dục đại học phát triển chương trình đào tạo đã có sự tham gia của các doanh nghiệp có sử dụng lao động. Việc triển khai thực hiện hỗ trợ khởi nghiệp đối với học sinh, sinh viên đã được coi trọng. Vị thế các trường đại học của Việt Nam đã được nâng lên và khẳng định trong bảng xếp hạng châu Á và thế giới. Có 5 trường đại học nằm trong nhóm 400 trường hàng đầu châu Á. Năm 2018, lần đầu tiên Việt Nam có 2 trường đại học quốc gia nằm trong nhóm 1000 trường danh tiếng nhất thế giới.
Đội ngũ giáo viên ngày càng nâng cao về trình độ, những tấm gương cao đẹp của những thầy cô giáo xuất hiện ngày càng nhiều. Theo Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý cơ sở giáo dục, Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Đức Minh, tính đến tháng 8-2018, toàn quốc có hơn 1,2 triệu giáo viên, giảng viên. Trong đó, giáo viên mầm non có hơn 316 nghìn; tiểu học hơn 397 nghìn; trung học cơ sở (THCS) hơn 310 nghìn, trung học phổ thông (THPT) hơn 150 nghìn; đại học (ĐH) hơn 72 nghìn giảng viên. Về cơ bản, giáo viên ở tất cả các cấp học đã đạt chuẩn và trên chuẩn trình độ đào tạo, trong đó mầm non 96,6%, tiểu học 99,7%, THCS 99,0%, THPT 99,6%, đại học 82,7%.
Xã hội ngày càng phát triển thì việc học ngày càng quan trọng. Ngày nay, Đảng và Nhà nước ta coi “giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu, là tương lai dân tộc”. Việc xã hội hóa giáo dục đã đạt nhiều thành tựu rực rỡ góp phần sản sinh ra nhiều thế hệ tài năng đóng góp sức lực và trí lực vào công cuộc đẩy mạnh toàn diện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế. Vai trò người thầy ngày nay lại càng quan trọng hơn trước. Như Chủ tịch Hồ CHí Minh đã nói: “Không có thầy giáo, không có giáo dục”.
Năm 2018 đánh dấu mốc 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW khóa XI về “Đổi mới căn bản , toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế “ (Nghị quyết số 29) với sự chuyển biến căn bản về chất lượng giáo dục và đào tạo. Tuy nhiên, chất lượng, hiệu quả vẫn chưa đáp ứng yêu cầu trong bối cảnh hội nhập quốc tế. Trước niềm tin của xã hội và truyền thống tôn sư trọng đạo của người Việt Nam dành cho đội ngũ nhà giáo, tin chắc rằng, trong giai đoạn tới, toàn ngành giáo dục quyết tâm mạnh mẽ tiếp tục đổi mới theo tinh thần Nghị quyết 29, theo hướng coi trọng phát triển phẩm chất và năng lực người học; thực hiện phương pháp thi, kiểm tra, đánh giá kết quả giáo dục và đào tạo, bảo đảm trung thực, khách quan; phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý đáp ứng yêu cầu đổi mới; tiếp tục hoàn thiện hệ thống giáo dục quốc dân theo hướng mở, học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập; đổi mới công tác quản lý; tích cực, chủ động hội nhập và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế trong giáo dục. Việc đẩy mạnh tự chủ trong các cơ sở đào tạo và coi trọng quản lý chất lượng được xác định là một trong các giải pháp đột phá trong giai đoạn tới nhằm thực hiện hiệu quả đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo nước nhà./.
Nguyễn Văn Thanh
Chú thích:
(1),(2),(3),(4),(5),(7). Bác Hồ với giáo dục, NXB Giáo dục 2005.
(6). Phạm Văn Đồng, Về vấn đề giáo dục – đào tạo, NXB CTQG H-1999.
(8). Toàn văn Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, NXB Trẻ, năm 2007 tr. 58.
Xem thêm: “Tạo chuyển biến căn bản về chất lượng giáo dục, Phùng Xuân Nhạ, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, Tạp chí Báo cáo viên số 10-2018 trang 3, 4, 5, 6,7.