Quy định đầy đủ sao có những việc chưa làm tốt

Thứ tư, 15/01/2020 07:48
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nêu câu hỏi trong cuộc họp Ban Chỉ đạo Trung ương phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá”, chiều 14/1.
Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Trịnh Thị Thuỷ cho biết, trong năm 2019, Ban Chỉ đạo Trung ương phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” (Ban Chỉ đạo) đã kiểm tra kết quả thực hiện tại 40 địa phương. Một số nội dung được tập trung chỉ đạo như bình xét các danh hiệu văn hoá theo tiêu chí mới, sử dụng cơ sở vật chất văn hoá, ứng xử văn hoá tại nơi công cộng… 

Các bộ, ngành thành viên Ban Chỉ đạo quán triệt nghiêm túc, kịp thời, chú trọng vào các nhóm giải pháp cụ thể tạo bước đột phá trong tư duy, cách nghĩ, cách làm.

Công tác kiểm tra, giám sát có nhiều đổi mới về hình thức, nội dung. Trong đó làm rõ yếu kém, hạn chế, xác định rõ trách nhiệm, từ đó tạo chuyển biến tích cực trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” (Phong trào).

Tại các địa phương, nhiều nội dung hoạt động trong Phong trào được các cấp, các ngành cụ thể hóa bằng những chương trình, kế hoạch. Trong đó xác định những hành vi cụ thể để truyền thông thay đổi dần, loại bỏ bệnh hình thức, chạy theo thành tích.

leftcenterrightdel
 Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: VGP/Đình Nam 

Ngoài ra, nhiều tỉnh, thành tổ chức các chương trình văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, gặp mặt tôn vinh gia đình văn hóa tiêu biểu, tuyên dương những điển hình tiên tiến ở các lĩnh vực.

Thông qua các hoạt động nêu trên, nhiều giá trị văn hóa tốt đẹp được bảo tồn, phát huy, đặc biệt công tác quản lý và tổ chức lễ hội đã có những chuyến biến tích cực, từng bước đi vào nề nếp, tạo không khí vui tươi, phấn khởi. Việc cưới, việc tang cũng được thực hiện theo nếp sống văn minh, nhiều điển hình ở các lĩnh vực đã được lan tỏa và nhân rộng.

Ngoài những hạn chế được nêu trong báo cáo, Phó Thủ tướng đề nghị các thành viên Ban Chỉ đạo phân tích sâu hơn, rõ hơn khái niệm, nội hàm “đời sống văn hoá”, “nếp sống văn minh” là như thế nào, để mỗi bộ, ngành đặt trọng tâm vào một số công việc, hoạt động cụ thể thuộc lĩnh vực mình phụ trách.

Phó Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Đinh Xuân Định nêu thực tế khi kiểm tra tại Đắk Lắk, Đắk Nông có tình trạng trưởng thôn mang giấy chứng nhận “Gia đình văn hoá” phát cho hộ gia đình không mang tính chất tôn vinh, trân trọng; hay các bảo tàng phủ bụi, hiu hắt không có khách tham quan. Trong khi đó, bản thân lãnh đạo Sở VHTT&DL cũng không nắm được tình hình cơ sở, thiếu sự phối hợp với các sở, ngành khác. Vì vậy, ông Nguyễn Xuân Định cho rằng phải tăng cường công tác kiểm tra, giám sát tại cơ sở, nếu không sự phối hợp giữa các ngành địa phương rất lỏng lẻo, mang tính hình thức, chạy theo thành tích chứ không đi vào thực tiễn, nâng cao đời sống văn hoá, tinh thần cho người dân.

Đồng tình với ý kiến lãnh đạo Hội Nông dân Việt Nam, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hoàng Thị Hạnh cho biết, qua kiểm tra cho thấy Phong trào tại cấp xã nắm chắc nhưng đến cấp huyện, tỉnh thì hình thức hơn. Bà Hoàng Thị Hạnh đề nghị có chủ đề thực hiện Phong trào trong từng năm từ làng xã, khu dân cư, công sở cho đến doanh nghiệp, trường học...

leftcenterrightdel
 Ảnh: VGP/Đình Nam

Từ những câu chuyện ứng xử trong đời sống hàng ngày, ông Nguyễn Hoà Bình, Phó Chủ tịch Hội Người cao tuổi Việt Nam nhấn mạnh sự nêu gương, gương mẫu của người lớn, người cao tuổi cũng như cán bộ, đảng viên là hết sức quan trọng.

Một số ý kiến đề xuất chọn chủ đề văn hoá thượng tôn pháp luật, tuân thủ kỷ cương, vốn đang là một trong những bức xúc của xã hội hiện nay. Cơ quan quản lý văn hoá cần có những phản ứng kịp thời đối với các hành vi vô văn hoá, phản văn hoá, bằng các hình thức, nội dung đa dạng, phong phú trên các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội.

Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam điểm lại năm 2019 vừa qua, Ban Chỉ đạo đã thực hiện hai việc rất quan trọng là xem xét các danh hiệu văn hoá theo tiêu chí mới và triển khai đề án văn hoá trường học. 

Ba vấn đề đời sống mà xã hội rất bức xúc những năm trước là tang lễ, cưới hỏi, lễ hội đều ghi nhận chuyển biến một bước tích cực, tương đối rõ. Phong trào xây dựng nông thôn mới đã chú trọng hơn đến khía cạnh văn hoá, bảo đảm môi trường. Văn hoá công sở trong các cơ quan nhà nước có tiến bộ khá rõ rệt. Tình trạng quan liêu, thờ ơ, vô cảm bớt đi, kỷ cương được nâng lên một mức.

Bên cạnh đó, việc kiểm tra thực hiện Phong trào ở địa phương; tổ chức cuộc thi báo chí với văn hoá ứng xử, nêu gương việc tốt, phê phán cái xấu; các ý kiến phản biện từ giác độ văn hoá trên môi trường mạng… đã tốt hơn trước.

leftcenterrightdel
 Ảnh: VGP/Đình Nam

Tuy lĩnh vực văn hoá-xã hội được chú trọng, có nhiều tiến bộ, nhưng Phó Thủ tướng cũng cho rằng có một số mặt phải lưu ý, trong đó biểu hiện xuống cấp đạo đức xã hội vẫn chưa giảm.

Theo Phó Thủ tướng, các tiêu chí, quy định về gia đình văn hoá, khu dân cư văn hoá, danh hiệu văn hoá trong cơ quan, doanh nghiệp, trường học… về cơ bản đã có đầy đủ, nhưng rất cần có văn bản hướng dẫn cụ thể, nhấn mạnh những tiêu chí mới.

Phó Thủ tướng cũng đồng tình với các ý kiến thành viên Ban Chỉ đạo phải tăng cường kiểm tra, giám sát thực hiện Phong trào ở địa phương.

“Chúng ta cứ nói có hết quy định rồi vậy tại sao vẫn làm chưa tốt? Điều đó cho thấy phải đẩy mạnh hơn nữa tuyên truyền, thông tin, không chỉ trên báo chí, tổ chức các cuộc thi mà cần lưu ý đến mạng xã hội”, Phó Thủ tướng chỉ đạo và lưu ý phải phối hợp tích cực với các bộ ngành, ban chỉ đạo có nội dung liên quan đến xây dựng đời sống văn hoá như phòng chống tệ nạn ma tuý, mại dâm; phòng chống tác hại rượu bia; văn hoá tham gia giao thông… 

Từng bộ, ngành chọn một số lĩnh vực thuộc lĩnh vực quản lý để tập trung chỉ đạo trong xây dựng đời sống văn hoá ở cơ sở, trong công sở, doanh nghiệp, trường học… và phải chú trọng kỷ cương, chống hình thức.

Theo Đình Nam/Baochinhphu.vn


Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra