Trong thời gian tới, những phim như “Sống cùng lịch sử” sẽ không chỉ hiệu quả về tuyên truyền mà cũng cần hiệu quả doanh thu.
Phần thắng thuộc về nghệ sĩ
Chiều tối ngày 20.9, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Thanh tra Chính phủ đã công bố kết luận thanh tra “Công tác cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam”. Qua nội dung kết luận của Thanh tra thì có thể hiểu là việc cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam - VFS bán cho các đối tác đều vi phạm các điều luật đã ban hành của Chính phủ trong việc cổ phần hóa, đặc biệt là việc bán VFS cho đối tác chiến lược sai mục đích.
Và thanh tra cũng kiến nghị xử lý một số vấn đề như: Xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện ngay các quy trình, thủ tục theo quy định để cho nhà đầu tư chiến lược là TCty Vận tải thủy - CTCP xin rút vốn trước thời hạn; Chủ trì làm việc với nhà đầu tư mới đáp ứng đầy đủ các điều kiện theo quy định và các đơn vị có liên quan thực hiện các quy trình, thủ tục tiếp nhận và chuyển giao Hãng phim truyện Việt Nam theo đúng quy định của pháp luật; Thành lập Hội đồng xác định giá trị thương hiệu Hãng phim truyện Việt Nam.
Sau khi có kết quả, xác định lại giá trị doanh nghiệp và tỉ lệ cổ phần của mỗi cổ đông cho phù hợp, đảm bảo đúng luật định… Rà soát, xử lý dứt điểm đối với 6 trường hợp là lao động phản ánh trong danh sách cổ phần hóa thuộc đối tượng nghỉ chế độ không hưởng lương và không tham gia đóng bảo hiểm bắt buộc trong thời gian dài trước cổ phần hóa, hoàn thiện phương án sắp xếp lại lao động để cấp có thẩm quyền phê duyệt…
Có thể nói “cuộc chiến” căng thẳng và đầy kịch tính của các nghệ sĩ VFS đã thắng lợi vào phút chót, không để VFS bị bán đi một cách tức tưởi rẻ mạt, thiếu minh bạch cho một đối tác không liên quan gì đến điện ảnh.
Chưa kể cách ứng xử với nghệ sĩ kiểu “nhà buôn”, không tính đến đặc thù công việc của nghệ sĩ, gây ức chế cho nhiều anh em hay việc vi phạm “bán tống bán tháo” nhiều đạo cụ làm phim của hãng…
Đối diện với thách thức
Nhưng rồi sau khi phần thắng nghiêng về các nghệ sĩ thì tiếp theo là rất nhiều vấn đề cần nghiêm túc đối diện. VFS trả về “chủ cũ” và việc cổ phần hóa xem như phải làm lại từ đầu. Việc đối tác chiến lược rút vốn trả lại VFS trở về nguyên trạng “chủ” cũ thì các vấn đề phát sinh theo luật định ai là người chịu trách nhiệm chính, cần phải rõ ràng chứ không thể ẩn mặt giấu tên và cần phải minh bạch trong từng vấn đề để tránh thêm một lần sai trái lặp lại.
VFS sẽ bán cho đối tác chiến lược nào, đối tác đó có hội đủ tiềm năng phát triển VFS trở thành một hãng sản xuất phim lớn theo xu hướng thị trường đồng thời thực hiện các mục tiêu về văn hóa nghệ thuật của Nhà nước? Các nghệ sĩ của VFS chắc cũng rất hồi hộp không biết rồi mình sẽ “được hay bị gả cho nhà nào?”.
Nếu nhà danh giá xem trọng việc phát triển nghề sẽ mát mặt, cơ hội mới đầy triển vọng cho nghệ sĩ nhưng nếu bên nào mua cũng chỉ nói mồm, ca ngợi điện ảnh nhưng lại mang những con tính khác trong đầu thì sao?
Mà ngay cả việc “chủ” mới chú trọng đến nghề thì bản thân các nghệ sĩ cũng phải tự thay đổi tư duy, thức thời với những cái mới, “nhập gia tùy tục” chứ vẫn mang theo tư duy cũ kỹ, sự trì trệ quen với bao cấp thì xem ra cũng khó mà tồn tại.
Giá trị “thương hiệu” của VFS sẽ tính ra sao, theo “giá tinh thần” có lịch sử hình thành và phát triển hơn 60 năm, hiện tại “hữu danh vô thực” hay “giá thị trường” khi nhiều năm nay đã không sinh lợi nhuận từ việc sản xuất phim mà thị trường thì phải tính bằng sản phẩm có “đắt” hàng hay không?
Nhưng vấn đề là, VFS lại có thêm “giá tiềm năng” bao gồm giá trị trí tuệ, giá trị năng lực nhân sự… là mặt mạnh của VFS. Đây cũng là bài toán khó trong phần định giá trị thương hiệu VFS. Vì chính phần định giá này sẽ là cơ sở để tạo cho VFS có gương mặt mới trong tương lai.
Còn rất nhiều trăn trở và cả những trắc trở khi cổ phần hóa VFS với những kiến nghị xử lý của Thanh tra. Cho dù mọi việc đã rõ “trắng đen” nhưng chưa phải là hết chuyện.
Theo bản tin Chào buổi sáng của VTV1 ngày 21.9, có thể VOV sẽ là đối tác chiến lược của VFS. VFS tương lai thuộc về ai thì quan trọng nhất vẫn là VFS “mới” sẽ sản xuất phim như thế nào, có mang tới lợi nhuận không vì không thể “sống” bằng tinh thần hay sự bao cấp trong xu hướng “thị trường văn hóa” như mục tiêu hướng tới của Chính phủ đề ra.
Theo Việt Văn (Báo Lao động)