Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Chỉ thị 34/CT-TTg về việc tăng cường các biện pháp bảo đảm đón Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019 vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm. Trong đó nhấn mạnh, các cơ quan trong hệ thống hành chính Nhà nước quán triệt, thực hiện nghiêm việc không dùng ngân sách tổ chức đi thăm, chúc Tết, tặng quà đối với các lãnh đạo cơ quan, đơn vị các cấp…
Không phải đến bây giờ Thủ tướng mới có chỉ đạo về việc cấm tặng quà Tết, mà từ nhiều năm nay, Thủ tướng đã nhiều lần chỉ đạo việc cấm tặng quà Tết. Ban Bí thư cũng đã từng ban hành Chỉ thị trong đó có nội dung nghiêm cấm việc biếu, tặng quà Tết cho lãnh đạo cấp trên, cấp trên "tranh thủ" cấp dưới với mọi hình thức… Thực hiện Chỉ thị của Ban Bí thư và Thủ tướng, nhiều cơ quan, ban ngành cũng đã chỉ đạo “cấm tặng quà Tết” trong đơn vị của mình…
Tặng quà vốn là một nét đẹp truyền thống của người Việt, nhất là mỗi dịp Tết đến Xuân về, nhưng vì sao hiện nay việc “tặng quà” lại được bị nhiều cấp, nhiều ngành ra lệnh cấm? Cấm, bởi lẽ việc tặng quà giờ đây không còn nguyên giá trị tốt đẹp và là sự trân trọng giữa người tặng quà và người nhận quà, mà nó đã bị biến tướng dưới nhiều hình thức, với mục đích “tranh thủ”, “nịnh bợ” nhau để hai bên cùng có lợi.
“Tặng quà” không phải do yêu quý nhau mà nhiều khi đã trở thành “nghĩa vụ”. Cấp trên tặng quà cấp dưới để “lấy lòng”, cấp dưới tặng quà cấp trên để “tranh thủ”, để chạy chọt; doanh nghiệp tặng quà chính quyền để công việc được trôi chảy, không bị hạch sách, gây khó dễ…
Một khi quyền lực chưa được kiểm soát tốt, thì việc ngăn chặn tình trạng “biếu quà” với mục đích “không trong sáng” sẽ khó được thực hiện một cách bài bản (ảnh minh họa internet)
Dù từ lâu, đã có lệnh cấm “tặng quà”, nhưng hoạt động này vẫn biến tướng dưới nhiều hình thức, đến mức năm nào Ban Bí thư, Thủ tướng và các Bộ, ngành cũng phải ra Chỉ thị “cấm tặng quà”. Tình trạng "tặng quà" ngày càng tinh vi và chưa có dấu hiệu thuyên giảm do nhiều nguyên nhân, nhưng cốt yếu vẫn là do chúng ta chưa kiểm soát tốt quyền lực.
Không kiểm soát tốt quyền lực, người ta dùng quyền lực không vì mục đích phục vụ nhân dân, phục vụ đất nước mà phục vụ cho chính cá nhân người có quyền, người ta dùng quyền lực để ban phát, để nhũng nhiễu cá nhân, doanh nghiệp…
Và khi quyền lực không được kiểm soát thì việc người ta dùng “quà” để “mua quan, bán chức” rất dễ diễn ra, thậm chí là việc bắt buộc nếu muốn được quy hoạch, cất nhắc. Và thực tế, trong những năm vừa qua, có rất nhiều cán bộ ở đủ cấp, đủ ngành đã phải ra trước vành móng ngựa vì nhận “quà” có giá trị từ và chục triệu đến vài chục tỷ đồng…
Nếu cơ quan công quyền làm việc một cách minh bạch, công tâm thì chắc chắn hiếm có chuyện doanh nghiệp phải chạy chọt, phong bì, lót tay hay “tặng quà” để công việc không bị ách tắc, nhũng nhiễu.
Nếu cấp trên làm việc công tâm, dân chủ, đánh giá cán bộ trên tiêu chí năng lực, hiệu quả công việc, thì cấp dưới không cần phải "tặng quà" cấp trên để vụ lợi, để chạy chức, chạy quyền.
Vì thế, một khi quyền lực chưa được kiểm soát tốt, thì việc ngăn chặn tình trạng “tặng quà” với mục đích “không trong sáng” sẽ khó được thực hiện một cách bài bản và hiệu quả.
Khi Đảng, Nhà nước trao cho một người nào đó quyền lực, họ phải hiểu được rằng, đi cùng với quyền lực đó thì trách nhiệm càng nặng nề hơn trước nhân dân, đất nước. Không ai có quyền lực tuyệt đối ngoài pháp luật. Bất kỳ ai sử dụng quyền lực đều phải phục vụ nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân và tự giác chịu sự giám sát của nhân dân.
Tại một Hội nghị phòng chống tham nhũng toàn quốc, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng từng nhấn mạnh, quyền lực luôn có nguy cơ bị "tha hóa". Vì thế, phải thiết lập cho được một cơ chế kiểm soát việc thực thi quyền lực đối với người có chức vụ, quyền hạn theo nguyên tắc mọi quyền lực đều phải được kiểm soát chặt chẽ bằng cơ chế. Quyền hạn phải được ràng buộc với trách nhiệm, quyền hạn đến đâu trách nhiệm đến đó, quyền hạn càng cao, trách nhiệm càng lớn.
Do đó, để kiểm soát quyền lực, cần phải tăng cường việc kiểm tra, giám sát để người có trong tay quyền lực không thể sử dụng nó để tự do ban phát, tự do nhận “quà biếu”… Và khi người nhận không thể “nhận quà” thì người tặng quà cũng khó có cửa để "hối lộ", “tặng quà”.
Cùng với kiểm soát tốt quyền lực, phải có cơ chế kiểm soát tốt tài sản của cán bộ, công chức, nhất là những người có trong tay quyền lực. Ngoài việc có những quy định pháp luật chặt chẽ kiểm soát tài sản cũng như chế tài xử phạt đối với những trường hợp gian dối trong kê khai tài sản, thì việc giám sát của dân cũng là một kênh quan trọng.
Ông cha ta đã nói “đẩy thuyền cũng là dân, lật thuyền cũng là dân”. Sinh thời, Bác Hồ cũng đã khẳng định “Dễ trăm lần không dân cũng chịu/Khó vạn lần dân liệu cũng xong”. Trong Bài nói chuyện với Trường Thanh niên lao động Xã hội Chủ nghĩa Hòa Bình, Người cũng từng căn dặn "Phải dựa vào nhân dân, vì đông đảo nhân dân rất nhiều tai mắt".
Thực tế, nhiều vụ cán bộ vi phạm, tham nhũng của Nhà nước để xây nhà, mua xe, tiêu xài phung phí… trong thời gian vừa qua cũng do từ cơ sở, người dân phát hiện, chứ không phải do báo chí và các cơ quan Nhà nước.
Vì thế, chỉ khi kiểm soát tốt quyền lực, giám sát được tài sản của những người có trong tay quyền lực một cách căn cơ, bài bản bằng các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, cùng với sự vào cuộc của người dân, thì mới hy vọng nạn “tặng quà” được triệt tiêu một cách triệt để./.
Theo Minh Hoà/VOV