Sáng đi làm, bạn được phòng nhân sự thông báo rằng toàn bộ nhân viên trong công ty nghỉ hai tuần không lương. Dẫu biết trước rằng cái ngày ấy sớm muộn rồi cũng sẽ xảy ra, nhưng lòng bạn không khỏi không buồn và lo lắng. Nghỉ làm không lương, không chỉ riêng công ty bạn mà có rất nhiều công ty cũng đang áp dụng phương án này, để chèo kéo doanh nghiệp trên bờ đi đến phá sản. Nếu trong giai đoạn này, ai vẫn có việc để làm là một điều rất may mắn!
Bạn cũng chưa thể hình dung được trong hai tuần bạn sẽ làm những việc gì. Vì bây giờ muốn làm việc gì, đi đâu trong mùa dịch này đâu có dễ dàng? Bạn nhìn sang mấy anh chị có gia đình trong công ty, bạn buồn một thì họ buồn mười. Bởi hơn ai hết, ngoài bản thân họ còn trăm thứ phải lo, nào nhà cửa, nào con cái và những bữa ăn hàng ngày. Một chị bạn nửa đùa, nửa thật: “Sắp tới ai cần việc gì ới chị, miễn giúp chị bữa cơm là được rồi”. Một bữa cơm, dù đơn sơ thế nào cũng trở thành nỗi lo lắng của tất cả những người không có việc trong mùa dịch. Chao ôi là chua chát, xót xa ở trong lòng.
Chưa kịp “than thở” thì đến tối bạn lại bắt gặp “status” của cô bạn thân cập nhật trên mạng xã hội với những dấu ba chấm dài vô hạn và những nỗi buồn chẳng biết than thở cùng ai. Cô bạn của bạn là giáo viên mầm non hợp đồng của một trường tư thục. Trước đây, vì quá yêu nghề, yêu những đứa trẻ cô đã bỏ ngoài tai lời ngăn cản của gia đình để đi theo tiếng gọi trái tim, chọn nghề giáo viên là đích chính của mình. Dịch bệnh bùng phát, tất cả mọi ngành nghề đều bị ảnh hưởng, nhưng có lẽ ảnh hưởng nhất vẫn là các giáo viên. Hầu hết giáo viên hợp đồng tại các trường tư thục, khi học sinh nghỉ thì thầy cô coi như không có thu nhập. Không còn cách nào khác, bạn đành trở lại với quê nhà, bấu víu với mảnh vườn, với rau cỏ, nuôi thêm đôi con gà mong cải thiện bữa cơm hàng ngày. Ngày tới lớp của bạn cũng chẳng biết sẽ là khi nào nữa…
Mùa dịch, bữa cơm thường nhật của những người thu nhập thấp vốn dĩ đã nghèo lại còn nghèo nàn hơn. Bữa cơm chẳng có gì ngoài vài ba bìa đậu, ít rau xanh và trứng luộc luân phiên. Mỗi lần ba mẹ bạn ở quê điện lên, bạn luôn phải dối lòng là ở phố mọi thứ đều ổn cả. Nhưng, trong lòng bạn tràn đầy những sóng gió ngổn ngang.
Tập thể dục, đảm bảo khoảng cách là cách để rèn luyện thể chất và tinh thần tốt trong mùa dịch. Ảnh: Laodong.vn
Tuy nhiên, qua những những thiếu thốn, khó khăn ấy, bạn còn có những níu bấu để tin yêu, hướng tới một ngày mai tươi sáng. Là mỗi ngày bạn nghe tin có thêm bệnh nhân nhiễm bệnh vừa được chữa khỏi. Là những y bác sĩ ngày đêm không quản ngại gian khó, túc trực để chữa bệnh cho bệnh nhân. Những người sống trong khu cách ly thì được Nhà nước, Chính phủ chăm lo cẩn thận, từ miếng cơm tới giấc ngủ. Nhìn xa xôi hơn ở phía ngoài lãnh thổ Việt Nam, bạn biết rằng rất nhiều con người phải chịu chống dịch đơn độc, thiếu đói về cả vật chật lẫn tinh thần. Là thông tin báo đài đưa tin tình người trong mùa dịch, có chủ trọ đã quyết định miễn, giảm tiền nhà trọ cho người thuê trọ trong những tháng dịch. Có nơi, chủ trọ còn cung cấp mì gói, nước uống, khẩu trang... Điều đó khiến bạn ấm lòng hơn biết bao nhiêu.
Trong những ngày đầu bạn cũng đã vạch ra được phương án tối ưu nhất cho bản thân. Điều tiên quyết bạn sẽ luôn giữ được tinh thần lạc quan, sống tích cực, học thêm về chuyên môn, học thêm ngoại ngữ và một nhạc cụ mà bạn yêu thích. Bạn vẫn chưa biết khi nào công ty sẽ thông báo đi làm lại. Nhưng nhìn về những điều tốt đẹp vừa qua bạn tin chắc rằng dịch bệnh rồi sẽ sớ bị đẩy lùi. Hãy tin vào những điều tốt đẹp, hướng tới ngày sáng tươi!
Cao Văn Quyền