Tết quê đụng lợn thời nay

Thứ hai, 21/01/2019 10:03
(ThanhtraVietNam) - Cách nay chừng ba thập kỷ trở về trước, tập tục "đụng lợn" ăn Tết ở các vùng quê nước ta, nhất là các vùng nông thôn Miền Trung, các tỉnh thành Miền Bắc diễn ra khá phổ biến. Khi đó, do mặt bằng chung của xã hội là điều kiện kinh tế còn eo hẹp, khó khăn, nên các gia đình tại thôn quê thường lập nhóm họp mổ chung với nhau một con lợn để lấy thực phẩm chế biến ăn Tết. Việc chung đụng nhau ăn Tết bằng một con lợn như vậy nên cụm từ "đụng lợn" mới xuất hiện là thế!

Tục “đụng lợn” bỗng dưng mai một trong khoảng vài chục năm, khi mà điều kiện sống khá giả dần lên, nền kinh tế thị trường hàng hóa phát triển. Chính vì thế mà ít ai phải lo tới thịt thà cũng như các loại thực phẩm khác để ăn Tết. Thế nhưng, khoảng chục năm trở lại đây, tục “đụng lợn” lại có xu hướng quay trở lại khi Tết đến xuân về, bởi lẽ trong lúc mà nguồn thực phẩm nói chung, cũng như thịt lợn nói riêng đã, đang ngày càng bị "ô nhiễm" đến mức báo động, thì nhiều người dân quê lại thích được ăn Tết bằng thịt lợn ngon, sạch, đảm bảo tuyệt đối vệ sinh an toàn thực phẩm...

Trào lưu ăn đụng lợn Tết đang quay lại

Khoảng 7 năm trở lại đây, khu vực làng quê thuộc phạm vi ngoại thành nơi gia đình tôi sinh sống, thì người dân quê có tới 80% số hộ gia đình “đụng lợn” ngày Tết, do tâm lý lo ngại thịt lợn không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, khi chúng được nuôi bằng cám công nghiệp, chất tạo nạc, chất tăng trọng, cùng một số hóa chất khác nữa... Các hộ nông dân trong xóm thường hẹn hò nhau nuôi lợn từ giữa năm để Tết đến mổ ra ăn đụng. Ngay như gia đình tôi, năm nào mẹ cũng khi thì tự nuôi một con lợn cỡ vài chục cân để Tết đến mổ ra chia cho các con các cháu trong gia đình mỗi nhà mấy cân; hoặc năm nào bận rộn không chuẩn bị nuôi lợn được thì mẹ lại dặn một nhà hàng xóm nào đó để có phần "đụng" của con lợn nhà họ nuôi. Nói chung là Tết của những năm gần đây gia đình tôi chẳng khi nào phải mua thịt lợn ở ngoài chợ, đồ ăn toàn chế biến bằng thịt lợn ăn đụng. Những miếng thịt lợn ăn đụng được nuôi bằng rau, cám ngô, cám gạo vừa chắc, không nhão, mà lại thơm ngon tuyệt vời.

Một bà hàng xóm kế bên nhà tôi kể rằng, hơn chục năm nay gia đình bà đã quay lại với tục “đụng lợn” ăn Tết, bởi lẽ bà có "ác cảm" và không yên tâm với thịt lợn nuôi công nghiệp bày bán ngoài thị trường. Bà cho rằng thịt lợn nuôi công nghiệp không khô ráo, săn chắc thơm ngon như thịt lợn tự nuôi theo cách truyền thống là chỉ ăn rau, ăn cám gạo... Chẳng vậy mà năm nào từ khoảng tháng 6 Âm lịch là bà lại ra chợ mua một con lợn giống cỡ hơn chục cân mang về nuôi đợi tới Tết mổ ra cho cả gia đình con cháu ăn đụng. Giống lợn bà nuôi để ăn Tết thường là giống lợn ỉ có màu đen, da dày, lông rậm... Loại lợn này nuôi rất lâu lớn, có khi 1 tháng chỉ tăng trọng lượng được cỡ chưa đầy chục cân.

leftcenterrightdel
Nhiều gia đình chung nhau đụng lợn dịp Tết (Ảnh minh họa)

Tâm lý chung của những người nuôi lợn để ăn Tết, hoặc nuôi cho hàng xóm ăn đụng thường không thích nuôi giống lợn nhanh lớn, mà càng chậm lớn càng tốt, bởi khi con lợn chậm tăng trọng lượng ăn thịt sẽ săn chắc, chứ không như những giống lợn mới nuôi lớn nhanh như thổi... Vì thế, một con lợn mổ ăn Tết, được xem là "chuẩn vị" thường cỡ từ 30 kg cho tới hơn 50 kg là cùng. Thời nay, nhu cầu ăn uống vào dịp Tết không còn cần nhiều như ngày xưa đói kém, nên với con lợn cỡ 30 kg mổ ra là vài ba gia đình đã có thể ăn đụng thoải mái, còn với con lợn cỡ 50 - 60kg thì khoảng 4 - 5 gia đình chung nhau ăn đụng cũng thừa thãi...

Qua tìm hiểu, không chỉ ở quanh quanh các vùng ngoại thành Hà Nội, mà tại các vùng quê ở nhiều tỉnh thành như Hưng Yên, Hải Dương, Bắc Ninh, Thanh Hóa, Vĩnh Phúc..., hay tại nhiều bản làng miền núi, thì người nông dân luôn có xu hướng quay lại với trào lưu “đụng lợn” ngày Tết. Đại đa số người dân quê đều có chung tâm trạng là, dẫu Tết có phải mua sắm nhiều thứ, nhiều loại thực phẩm, nhưng với riêng thịt lợn thì phải ăn đụng mới yên tâm, mới có được thịt ngon. Chẳng thế mà không ít gia đình đông người, nhu cầu tiêu thụ thực phẩm Tết nhiều nên họ không ăn đụng, mà tự nuôi rồi mổ hẳn một con lợn. Còn với những hộ gia đình neo đơn ít người, nhu cầu tiêu thụ chỉ dăm bảy cân thịt lợn là đủ thì thường họ chung nhau cho tiện. Trước kia, việc ăn đụng các hộ thường trả bằng thóc, còn bây giờ gia chủ nuôi lợn khi mổ cho các hộ ăn đụng họ lấy tiền bằng việc tính trọng lượng số cân thịt rồi mang nhân với giá bán thịt ngoài thị trường. Cũng có gia đình tính theo trọng lượng hơi từ lúc con lợn chưa mổ. Nói chung, việc ăn đụng lợn luôn đắt hơn so với thịt mua ngoài chợ nhưng người nông dân vẫn ham, vẫn thích, bởi thịt lợn nuôi truyền thống vừa đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, vừa ăn rất ngon...

"Ăn đụng" ngày tết mới vui...

Phải công nhận một điều là Tết của thời hiện đại ngày nay đã ít nhiều bị "nhạt" đi, dẫu bây giờ kinh tế khá giả khiến Tết đủ đầy hơn về vật chất. Thực tế chúng ta thấy, Tết bây giờ người ta chỉ cần bỏ tiền ra, đi siêu thị, đi chợ mua sắm một buổi là có đủ đầy mọi thứ. Ngay cả việc chuẩn bị gói, rồi nấu bánh chưng bánh tét, nhiều gia đình cũng bỏ qua để chuyển qua mua cho tiện. Thịt lợn, giò chả, thậm chí cả thịt gà người ta mổ sẵn khi có tiền cũng có đủ đầy, không phải tự tay làm gì hết...

Chính vì Tết bây giờ tiện lợi đủ đường như thế nên nhiều người dân quê cảm thấy "nhạt" và chán. Vì vậy nên không chỉ quay lại với tục “đụng lợn”, nhiều gia đình cũng nói không với việc mua bánh chưng, bánh tét, mà tự gói và nấu ở nhà cho bận rộn, cho không khí Tết thêm phần rôm rả, vui vẻ...

Mà đúng là không khí Tết ở các làng quê ùa về thường sớm hơn thành phố, khi bắt đầu mổ lợn là đã có Tết. Lợn ăn đụng thường được mổ sớm trước Tết vài ba ngày để chia cho các gia đình lo chuẩn bị. Hôm mổ lợn có lẽ là vui nhất, nhà nào nhà nấy sẽ có một bữa tươi, ngon với phần thực phẩm được chia. Ngày còn nhỏ sống ở quê, tôi đã từng trải qua cái cảm giác mong chờ Tết đến, mong chờ cái thời khắc mổ lợn ăn đụng, và bọn trẻ con chúng tôi sau khi được người lớn phân công đun nước sôi để cạo lông lợn đã luôn quẩn quanh trong đám người lớn mổ lợn chờ để xin cái đuôi lợn luộc chia nhau ăn. Tết của những ngày xưa đói kém, có khi cả tháng mới được ăn một bữa thịt, vì thế bọn trẻ chúng tôi mong hôm mổ lợn ăn đụng như mong Tết, vì khi thịt được chia về nhà, chắc chắn đứa nào đứa nấy sẽ được cha mẹ cho ăn thoải mái, ăn đến no chán. Tết bây giờ, trong đám mổ lợn ăn đụng, trẻ con hầu như không còn có được cảm giác mong đợi, sung sướng như xưa, bởi sự đủ đầy về vật chất, ăn uống chẳng khi nào thiếu đồ ăn ngon, nên chẳng mấy đứa thèm thịt...!

Tết cổ truyền dân tộc lại sắp về, năm nào trước Tết cả tháng từ quê mẹ cũng gọi điện nhắc tôi, mấy anh chị em trong gia đình về sơm sớm một chút để lo mổ lợn, sửa soạn nấu bánh chưng. Tết năm nay mẹ bảo, mẹ ốm triền miên không nuôi được lợn, nhưng nhà sẽ ăn đụng của hàng xóm, vì thế thịt thà các con không phải lo lắng. Tết lại đang đến thật gần, và cũng như bao nhiêu người khác, tôi cũng luôn mong ngóng từng ngày để Tết đến được trở về đoàn tụ gia đình, sum vầy đón Tết...

                                                                                       Trịnh Viết Hiệp

 

 


Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra