Guồng quay thời gian là bất tận, không có điểm dừng, từ ngày này sang tháng khác. Con người luôn luôn chuyển động theo vòng quay ấy. Tết đến, con người mới hay thời gian trôi nhanh quá chừng, vết thời gian sẽ đếm bằng những sợi tóc hoa râm, những vết chân chim trên khóe mắt chằng chịt… Thời gian cũng khiến con người ta nuối tiếc nhiều nhất. Một năm có chừng bấy nhiêu ngày, đâu phải chừng ấy ngày chúng ta đều hạnh phúc, trọn vẹn? Và Tết về để mỗi chúng ta soi mình lại, ước vọng thêm một mùa xuân tươi mới…
Bao hân hoan, rạo rực ấy nói sao cho đủ nỗi lòng của những người con xa quê móng ngong mỗi dịp Tết đến xuân về! Dẫu có trăm ngàn nỗi nặng trĩu lo âu, bộn bề chất chứa ở xứ lạ nhưng khi nghĩ tới quê, lòng ta an yên đến lạ. Xách va-li bước ra ga tầu, đôi chân thôi thúc, tim đập rộn ràng. Gặp muôn vàn gương mặt xa lạ nhưng ta ngỡ thân quen tự khi nào. Là chú bảo vệ vẫn đang mặc trên người bộ đồng phục của nghề, tay ôm chậu mai vàng lên xe lỉnh kỉnh đồ đạc, ai nhìn vào chú đều “thanh minh”: “Mấy đứa nhỏ nhà tui mê mai lắm, mà xứ Bắc không có mai, nên mua về cho chúng nó vui”. Hay cô giúp việc, môi nở nụ cười tươi rói, tay ôm khư khư túi đồ trước ngực thì thầm rằng “chỗ này chắc cũng đủ đóng học phí cho tụi nhỏ một kỳ”. Chạm gặp người cha, người mẹ như chú bảo vệ, cô giúp việc khiến ai nấy đều rưng rưng nghĩ về đấng sinh thành của mình. Cô chú là mẫu số chung về lòng yêu thương, tình phụ, mẫu tử. Tết rồi, ta về với cha mẹ thôi!
Bao năm ta sống ở phố với những bộn bề, ồn ào và đông đúc, chỉ mong mỗi dịp Tết đến xuân về để được về nhà. Để được nghe tiếng chim reo ca mỗi sớm mai, tiếng gà gáy, tiếng chó sủa inh ỏi… và được sống lại những ngày xưa xa. Quên làm sao được không khí Tết quê quây quần, nghèo nhưng mà đầm ấm. Hai chín, ba mươi Tết theo mẹ đi chợ ngắm thỏa thuê cho đã con mắt rồi sà vào hàng bánh đúc nóng hôi hổi. Đó là món quà của tuổi thơ, của chợ quê ngày Tết mà bất kể đứa con nít nào cũng thích. Thèm được bố sai đi cắt lá dong, chẻ dăm ba chiếc lạt để gói giò, gói bánh, rồi được bố tận tay chỉ từng bước một gói thành một chiếc bánh tròn trịa thơm phức. Mấy chị em quây quần bên nồi bánh chưng chơi bài tá lả, cãi nhau ỏm tỏi, nô đùa cho đến đêm muộn…
Nồi nước tắm của mẹ vào mỗi chiều cuối năm cho dù đi xa bao nhiêu năm ta cũng chẳng thể nào quên được. Nồi nước lá yêu thương có mùi hương của sả, hương nhu, lá tre và mùi của lá mùi già. Nồi nước lá khiến những đứa con của mẹ thơm tho hơn trong ngày Tết, và theo đó là ước vọng, gửi gắm trong năm mới của mẹ, mong con cái của mình được bình an. Ngẫm lại, bàn tay mẹ sần sùi, thô ráp, tắm cho ta không biết bao nhiêu lần nhưng không biết được bao lần nào ta tắm cho mẹ? Hay giản đơn là rửa tay, rửa chân cho người?
Theo guồng quay, Tết ở quê hay ở phố bây giờ cũng đôi chút khác nhiều so với xưa kia. Mọi thứ đều hiện đại và đủ đầy hơn rất nhiều. Từ việc mua sắm nhu yếu phẩm cho tới ăn chơi dịp Tết. Siêu thị, chợ cóc mọc lên như nấm với muôn vàn đủ dạng, bánh mứt, trái cây, nhang đèn… nhưng với lòng quê, gia đình mãi luôn không thay đổi. Quê hương, gia đình vẫn ở đó, chào đón, bao dung những đứa con nơi xa trở về, đoàn tụ…
Những cánh đào, cánh mai đang rung rinh với phố xuân, hé mở ra bao ước vọng… Tết rồi, về thôi!
Cao Văn Quyền