Thiên nhiên kỳ thú ở Phá Tam Giang

Thứ bảy, 12/11/2011 13:22
Tam Giang là hợp lưu của ba con sông Ô Lâu, sông Bồ và sông Hương trước khi đổ vào biển Đông. Vì thế phá Tam Giang mang tính “biểu tượng” về môi trường sinh thái của Thừa Thiên - Huế xưa và nay. Không một du khách nào đến đây, lại bỏ qua địa danh nổi tiếng này.

Làng chài trên phá Tam Giang.  


Đây là vùng đất ngập mặn lớn nhất Đông Nam Á, mặt nước rộng 248,7 km2, khơi đầu từ cửa sông Ô Lâu ở phía bắc đến cửa sông Hương ở phía nam. Đầm phá bao đời nay có rất nhiều động vật thủy sinh, nhiều nhất ở các cửa biển Thuận An, cửa sông Ô Lâu, sông Bồ, đầm Thủy Tú, Cầu Hai. Hiện nay đã xác định được 163 loài cá, nhiều loài quý hiếm như cá vược, cá chình. Tùy theo mùa, còn một số loài cá di cư vào đầm phá để sinh sản như cá mòi, cá cơm biển... Ngược lại, cá đối, cá mú, cá dìa sống trong đầm phá lại di cư ra biển để đẻ trứng. Quanh năm, ngư dân đánh bắt được trên đầm phá khoảng 23 loài cá có giá trị kinh tế cao là cá dầy, cá dìa, cá bống thệ, cá hanh, cá hồng, cá căn...

Bề mặt đầm phá có thảm thực vật tự nhiên nên các loài chim nước tụ tập về đây, tạo thành các sân chim lớn tại cửa sông Ô Lâu, cửa sông Đại Giang và đầm Sam. Qua theo dõi, đã phát hiện được 34 loài chim di cư, 36 loài chim định cư, đặc biệt có 21 loài chim thuộc danh mục bảo vệ nghiêm ngặt của cộng đồng Châu Âu và một loài có tên trong Sách đỏ Việt Nam. Đồng thời, ông Trời dường như muốn bù đắp cho ngư dân đầm phá những thiệt hại trong mùa bão lũ, nên hằng năm cứ đến cuối tháng 11, đầm phá lại vào mùa cá giống ngoài biển di cư vào. Lý do là đầm phá vốn có một loài rong tảo quý hiếm không nơi nào có được, người địa phương gọi tên nó là rong hẹ hoặc rong cỏ kiệu. Đây là món ăn ưa thích và cũng là nơi sinh trưởng lý tưởng của ba loài cá đặc sản: cá mú, cá hồng và cá nâu. Tại các khu vực đầm phá nước cạn như Cồn Tè, Cồn Sơn, Cồn Đờn có hàng hà đàn cá con (cá mú, cá hồng, cá dìa) di cư từ biển Đông vào trú ngụ, ngư dân chỉ việc thả lưới (gọi là đi dũi) bắt về bán cho các trại cá giống từ Quảng Ninh vào, Nha Trang- Khánh Hòa ra mua tại chỗ. Hết mỗi đợt không khí lạnh, từng đàn cá giống ấy bơi qua các doi cát, tìm vào các con lạch, người dân mặc sức vây lưới đánh bắt. Mỗi con cá giống chỉ bằng mút đũa giá 600 đồng/con. Về cuối năm, giá lên đến 2.500- 3.000 đồng/con.

Đầm phá đối diện với biển Đông trải dài hơn 68 km, chỉ ngăn cách với biển bởi một dãi cát hẹp, thông thương qua hai cửa biển Thuận An và Tư Hiền. Do đó nó có khả năng tự làm sạch môi trường nước và luôn được sóng gió biển Đông ùa vào bên trong, trở thành một “buồng phổi” lớn để điều hòa môi trường sinh thái cho toàn tỉnh Thừa Thiên Huế một cách tự nhiên và thường xuyên.

Hiện nay, để phát triển mô hình du lịch sinh thái, hệ đầm phá vừa được chia thành ba tiểu vùng là Tam Giang - Cầu Hai, Lăng Cô - Hải Vân - Sơn Chà, và vịnh Chân Mây. Đầu mùa xuân trở đi, sóng yên biển lặng, là thời điểm đi chơi thuyền trên đầm phá tuyệt vời nhất. Thuê một chiếc thuyền máy khoảng một triệu đồng/ngày, trước khi thưởng ngoạn quang cảnh “cá nước chim trời” của đầm phá, du khách còn được đi xem phố cổ Bao Vinh - cảng Thanh Hà. Rồi ghé sang hữu ngạn sông Hương thăm làng Sình- chuyên vẽ tranh thờ và làng hoa giấy Thanh Tiên. Sau đó dừng chân tắm biển Thuận An lại xuống thuyền đi tiếp đến di tích tháp Chăm Mỹ Khánh, “thành phố lăng” An Bằng. Từ đây đã thấy Vườn Quốc gia Bạch Mã, hòn Rùa, núi Linh Thái với chùa Túy Vân, tháp Điều Ngự. Điểm cuối hành trình là cửa biển Tư Dung, nơi công chúa Huyền Trân dừng lại bái vọng tổ tiên, trước khi sang Chiêm Thành làm vợ Chế Mân đổi lấy hai châu Ô, Lý mở mang bờ cõi cho Đại Việt.


Theo ĐOÀN HÀO VŨ
Nhân Dân

nguyenthuhang
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra