Thực hư chuyện mặc áo trắng qua hang núi là chết ở xứ Mường

Thứ sáu, 14/06/2013 09:05
Từ chuyện đàn cò trắng bay ngang qua hang núi bỗng bị rơi rụng xuống đất đến chuyện hòn đá mài có thể trị bệnh hoặc trừng phạt khi ai đó dịch chuyển… đều mang đầy màu sắc huyền bí, khó lý giải không chỉ với người dân Đồng Hội, xã Thành Công, huyện Thạch Thành (Thanh Hóa).

Những chuyện kỳ bí quanh hang núi “bạc”

Hang Núi “Bạc” nằm ngay dưới chân núi Đá Bạch thuộc bản Đồng Hội, xã Thành Công, huyện Thạch Thành (Thanh Hóa). Những bí ẩn về hang Núi “Bạc” được gắn với truyền thuyết về mối tình giữa sơn nữ “Nàng Áo Trắng” và vị thần Cao Sơn ở thời Hùng Vương thứ 18.

Ngôi miếu thờ “nàng áo trắng” ở làng Đồng Hội.

Cụ Quách Thế Thanh (80 tuổi) ở bản Đồng Hội, nguyên Chủ tịch xã Thành Công (nhiệm kỳ từ năm 1970-1975) kể: “Theo cha ông kể lại, ngày xưa ở làng này có một sơn nữ áo trắng sống một mình ở hang núi. Đến lúc loạn lạc, xuất hiện một tướng quân tên Cao Sơn đem quân đến đây dẹp giặc nên hai người đã gặp và nảy sinh tình cảm với nhau. Sau một thời gian tìm hiểu, họ kết duyên vợ chồng.

Họ sống với nhau chưa được bao lâu thì quân giặc tấn công bất ngờ. Cả đoàn quân đã hi sinh để bảo vệ dân làng, còn “Nàng Áo Trắng” lại được sống sót bởi có sắc đẹp nghiêng trời. Tướng giặc tìm mọi cách để chinh phục trái tim nàng, kể cả những thủ đoạn đê tiện, hèn hạ nhất. Nhưng tất cả đều vô ích, “Nàng Áo Trắng” vẫn chỉ dành trọn tình yêu cho người chồng đã mất.

Về sau, vì quá đau buồn, người phụ nữ này trốn vào rừng núi tự vẫn và hóa thành núi Đá Bạch.

Khi cuộc sống người dân yên bình trở lại, người dân chứng kiến nhiều chuyện lạ xuất hiện xung quanh hang núi Đá Bạch. Từ chuyện đàn cò trắng bay ngang qua cửa hang đều bị rơi xuống đất, đến chuyện người dân mặc áo, đội mũ hay bất kỳ mang thứ gì màu trắng theo người vào cửa hang khi quay lại đều bị đau ốm, bệnh tật và gặp tai ương…

Xâu chuỗi các câu chuyện lạ với nhau, người dân nơi đây đều cho rằng những điều này nhất định liên quan đến “Nàng Áo Trắng”. Vì vậy, họ lập miếu ngay dưới chân núi Đá Bạch để thờ cúng nàng và thần Cao Sơn. Cũng từ đó, dân làng không ai dám mang bất kỳ thứ gì màu trắng theo người khi đến quanh hang núi trồng trọt, lấy củi.

Không những thế, khi đến quanh miếu người dân còn kiêng nhắc đến từ “trắng” và thay đổi thành từ “bạc” hay “bạch”. Ngày xưa, ngọn núi này gọi là núi Đá Trắng nhưng từ khi những câu chuyện kỳ lạ này xuất hiện người dân mới đổi thành núi Đá Bạch”.

Cụ Thanh cho biết từng chứng kiến điều lạ lùng trên ở hang núi Đá Bạch vào những năm 1950 khi cụ còn là một thanh niên trai tráng. Cụ Thanh kể: “Hang Núi “Bạc” nằm ngay phía sau làng, đường đi lên rất khó khăn, dốc tiếp dốc, vực nối vực. Hôm tôi cùng mấy cụ cao niên trong làng khai phá đường lên hang núi để chọn hướng dựng miếu thì xảy ra một chuyện lạ. Trong khi mọi người leo vào đến cửa hang một cách dễ dàng, tôi lại không tài nào đi lên được.

Cố gắng bám chắc từng khối đá, dây rừng mà đi mãi vẫn quay trở lại vị trị cũ. Khi đó, mọi người mới nhận ra tôi đang mặc cái áo màu trắng trên người nên bảo đứng đợi ở dưới cả buổi sáng”.

Một câu chuyện khác cũng khiến người dân hoang mang và rỉ tai nhau quanh hang núi kì bí:

Cách đây ít năm, có một cậu thanh niên tên Bùi Văn Hai (sinh năm 1986) đi chặt củi ở ngọn núi đằng sau miếu bỗng dưng bị ngã xuống vực núi. Buổi tối không thấy về nhà nên gia đình, dân làng mới đi tìm. Khi lên đến nơi đã thấy máu be bét khắp người, không còn hơi thở nào nữa. Lúc đó, mọi người cho rằng cậu ta đã xúc phạm tới “Nàng Áo Trắng” vì mặc đồ trắng vào miếu.

Cũng chính vì những sự việc trên, câu chuyện càng lan truyền rộng khắp không chỉ ở bản làng người Mường xã Thành Công.

Cả làng bảo vệ… một hòn đá

Một câu chuyện cũng mang màu sắc không kém phần liêu trai nữa được người dân kể lại rằng: Ngày xưa, có người phụ nữ vào rừng tìm hái cây thuốc ở quanh miếu, bà nhìn thấy một hòn đá nhẵn, nhỏ gọn nên đã bê về nhà làm đá mài.

Không ngờ, ngay đêm hôm đó người phụ nữ đột nhiên ốm nặng. Mọi người đều cho rằng, nguyên nhân chính là hòn đá người phụ nữ này mang về và mách nước nên đem đặt chỗ cũ rồi tạ tội với thần linh.

Hòn đá mài và miếu thờ thần núi Cao Sơn

Lập tức, gia đình người phụ nữ này bê hòn đá đến đặt chỗ cũ và thắp hương vái lạy. Không ngờ, người phụ nữ bỗng chốc khỏi bệnh và từ đó không dám xúc phạm đến thần linh nữa.

Theo một cao niên trong làng, hòn đá ở gốc cây si chính là hòn đá mài năm xưa tướng Cao Sơn và quân lính dùng để mài gươm đánh giặc. Bên trên hòn đá mài có nguồn nước trong mát chảy ra chưa bao giờ cạn.

Xoay quanh hòn đá mài này còn có câu chuyện nhuốm đầy màu liêu trai, truyền thuyết. Bà Bùi Thị Đạo (55 tuổi) ở làng Đồng Hội, kể: “Hòn đá này còn dự báo được người chết ở làng thông qua hiện tượng tự tiết ra những giọt nước màu đen sẫm. Nếu thấy hiện tượng này ở làng nhất định vài ngày sau sẽ có đám tang”.

Sau nhiều chuyện kỳ lạ xuang quanh hòn đá mài, nhiều người dân cho rằng phiến đá đã được thần Cao Sơn “trấn yểm” để bảo vệ nguồn nước, hang núi và cả dân làng, giúp người dân tránh khỏi bệnh tật và làm ăn thuận lợi. Ngoài ra, có người cho rằng hòn đá được “trấn yểm” để trừng phạt những ai xúc phạm thần núi hoặc mang theo đồ màu trắng vào gần miếu.

Theo người dân nơi đây, hang Núi “Bạc” gắn với một chuyện tình huyền thoại được người dân lập miếu thờ cúng dưới chân núi để thần linh canh giữ cho bản. Đền này linh thiêng lắm, người dân cầu được khỏi bệnh tật thì bệnh biến mất, cầu hạnh phúc có hạnh phúc, cầu an lành được an lành. Hàng tháng, cứ đến ngày rằm dân làng nườm nượp kéo ra cúng bái, thắp hương xin lộc.

Vén màn bí mật

Phần nhiều những lời giải thích ấy thực chất chỉ mang màu sắc tưởng tượng và không có căn cứ khoa học. Thực tế cũng không có ai tìm hiểu, nghiên cứu và khẳng định về sự kỳ lạ của hòn đá mài đó. Tuy nhiên, người dân Đồng Hội vẫn truyền miệng những câu chuyện nửa thực nửa hư ấy và vẫn tin bằng một niềm tin tâm linh không cần giải thích.

Cụ Quách Công Khanh (82 tuổi) đang kể lại sự tích hòn đá mài.


Chúng tôi đã tìm đến nhà anh Quách Văn Thượng, Phó Chủ tịch xã Thành Công để hỏi những thắc mắc về chuyện này. Anh cho biết: “Chuyện người làng Đồng Hội thờ cúng “Nàng Áo Trắng” và thần Cao Sơn là có thật. Sự tích về câu chuyện này tôi cũng đã được nghe qua, nhiều câu chuyện lắm nhưng cũng chỉ được truyền miệng từ đời xưa.

Còn chuyện anh thanh niên ở làng này đi chặt củi bị ngã xuống vực núi chết tôi cho rằng chỉ là sự trùng hợp ngẫu nhiên và được người dân đồn thổi mà thôi”.

Tìm hiểu thêm về hang núi Đá Bạch và hòn đá mài thiêng, chúng tôi tìm gặp ông Quách Công Đạm (56 tuổi) là người phụ trách trông coi hai ngôi miếu của làng.

Ông Đạm cho hay: “Đồng Hội là một vùng đất linh thiêng. Hang Núi “Bạc” và hòn đá mài cũng mang màu sắc tâm linh từ vùng đất linh thiêng của quê hương. Mọi câu chuyện mà người dân nơi đây truyền miệng, kể cho nhau nghe đều mang yếu tố tâm linh của một đồ vật cổ của quê hương, phần nhiều nhuốm màu liêu trai, tưởng tượng.

Còn chuyện về đàn cò bay ngang qua cửa hang “bạc” bị rơi rụng xuống đất tôi cũng được nghe các cụ kể lại. Và chuyện những ai mặc đồ trắng không thể bước đến cửa hang đã có người khẳng định nhưng vẫn chưa có ai kiểm chứng, chứng minh được điều này.”

Hang Núi “Bạc” và hòn đá mài có từ lâu đời. Hai ngôi miếu thờ thần núi và “Nàng Áo Trắng” cũng đã có thời gian tồn tại từ rất lâu đời. Người dân nơi đây luôn coi là di tích, tài sản thiêng liêng và quý báu. Ai cũng có ý thức, trách nhiệm bảo vệ, giữ gìn và kính trọng những vật báu của làng.

Theo Lưu Vĩnh - Minh Phượng

Pháp luật Việt Nam

 

dotuanh
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra