Tư tưởng, văn hóa, đạo đức Hồ Chí Minh cần được tôn vinh ở nước ngoài

Thứ tư, 26/02/2020 07:31
Trong công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế sâu rộng, thì những giá trị to lớn về tư tưởng, văn hóa, đạo đức Hồ Chí Minh càng cần được tôn vinh, truyền tải, lan tỏa rộng rãi, đặc biệt trong cộng đồng quốc tế và các thế hệ người Việt Nam ở nước ngoài.

Sáng 25/2, tại Hà Nội, Bộ Ngoại giao đã tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm triển khai các hoạt động “Tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Anh hùng giải phóng dân tộc Việt Nam, Nhà văn hóa kiệt xuất, ở nước ngoài”.

Tham dự Hội nghị có nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng; nguyên Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Dy Niên; Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh; Thứ trưởng Ngoại giao, Chủ tịch Uỷ ban Quốc gia UNESCO Lê Hoài Trung; các nhà khoa học xã hội, các nhà quản lý văn hóa...

leftcenterrightdel
 Hội nghị tổng kết 10 năm triển khai các hoạt động “Tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Anh hùng giải phóng dân tộc Việt Nam, Nhà văn hóa kiệt xuất, ở nước ngoài” 

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh nhấn mạnh, đây là hoạt động rất có ý nghĩa trong bối cảnh toàn Đảng, toàn dân ta đang hướng tới kỷ niệm 130 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh; 45 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, 75 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9,... Đồng thời, các cơ quan, ban ngành, địa phương đang khẩn trương chuẩn bị đại hội đảng các cấp, hướng tới Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Phó Thủ tướng chia sẻ, năm 1987, Đại hội đồng của Tổ chức Giáo dục, Khoa học, Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) đã ra Nghị quyết kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh với tư cách “anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hóa kiệt xuất”.

Nghị quyết khẳng định, Chủ tịch Hồ Chí Minh là một biểu tượng xuất chúng, đã “cống hiến cả cuộc đời mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam, góp phần vào cuộc đấu tranh chung của các dân tộc vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội”.

Nghị quyết cũng khẳng định, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có “đóng góp quan trọng về nhiều mặt trong các lĩnh vực văn hóa, giáo dục và nghệ thuật”; ghi nhận Chủ tịch Hồ Chí Minh là một trong những nhân vật kiệt xuất đã có dấu ấn trong quá trình phát triển của nhân loại; kêu gọi các quốc gia cùng tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh thông qua các hoạt động tưởng niệm khác nhau.

Phó Thủ tướng chia sẻ, việc UNESCO có Nghị quyết tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh có ý nghĩa vô cùng lớn lao, thể hiện sự công nhận rộng rãi của cộng đồng quốc tế đối với những đóng góp to lớn của Người vào sự nghiệp đấu tranh chung trên thế giới trước áp bức, bất công, vì độc lập dân tộc và tiến bộ xã hội, đặc biệt là ở các dân tộc thuộc địa; đồng thời tôn vinh, đề cao lý tưởng cao đẹp, giá trị nhân văn sâu sắc và khát vọng của Người về một thế giới hòa bình, bình đẳng - hạnh phúc.

leftcenterrightdel
 Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh phát biểu khai mạc Hội nghị 

Việc UNESCO ra Nghị quyết tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, cũng như nhiều hình thức tôn vinh, công nhận rộng rãi khác của cộng đồng quốc tế đối với công lao, đóng góp của Bác mang lại sự tự hào to lớn đối với Đảng và nhân dân ta; đồng thời đặt ra cho chúng ta nhiệm vụ rất lớn là làm sao để cho giá trị về tư tưởng, đạo đức, nhân văn của Chủ tịch Hồ Chí Minh - Anh hùng giải phóng dân tộc Việt Nam, nhà văn hóa kiệt xuất, ngày càng được lan tỏa rộng rãi hơn, không chỉ ở trong nước mà còn cả trên thế giới, góp phần làm cho cộng đồng thế giới hiểu biết nhiều hơn đến đất nước Việt Nam anh hùng, bất khuất, kiên cường trong đấu tranh bảo vệ Tổ quốc, yêu chuộng hòa bình, chủ động và tích cực hội nhập, là thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế.

Trong thời gian qua, ngành Ngoại giao đã triển khai thực hiện các hoạt động “Tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Anh hùng giải phóng dân tộc Việt Nam, Nhà văn hóa kiệt xuất, ở nước ngoài” và coi đây là nội dung rất quan trọng của công tác Ngoại giao văn hóa - một trong các trụ cột của công tác đối ngoại, bên cạnh ngoại giao chính trị, ngoại giao kinh tế và công tác về người Việt Nam ở nước ngoài.

Các nội dung về tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh được chú trọng lồng ghép trong các hoạt động đối ngoại đối ngoại cấp cao, các sự kiện quảng bá văn hóa, tuyên truyền đối ngoại,...

Các hoạt động tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh đã giúp phát huy điểm tương đồng giữa Việt Nam với bạn bè, đối tác từ các giá trị, lý tưởng cao cả mà Chủ tịch Hồ Chí Minh theo đuổi, giúp Việt Nam và các đối tác tăng cường hiểu biết lẫn nhau, phấn đấu vì mục tiêu và lợi ích chung, củng cố lòng tin và tình hữu nghị, từ đó góp phần đưa quan hệ ngày càng rộng mở và đi vào chiều sâu.  

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cũng nhấn mạnh, trong điều kiện hiện nay và trong những năm tới, khi tình hình thế giới tiếp tục chuyển biến nhanh, phức tạp với nhiều tác động đa chiều, cơ hội và thách thức đan xen, đất nước ta đang chuyển mình mạnh mẽ trong công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế sâu rộng, thì những giá trị to lớn về tư tưởng, văn hóa, đạo đức Hồ Chí Minh càng cần được tôn vinh, truyền tải, lan tỏa rộng rãi, đặc biệt trong cộng đồng quốc tế và các thế hệ người Việt Nam ở nước ngoài.

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh khẳng định hoạt động này còn mang ý nghĩa để các thế hệ người Việt Nam cả trong và ngoài nước củng cố và phát huy niềm tự hào dân tộc, cùng nhau kề vai sát cánh xây dựng đất nước Việt Nam "sánh vai với các cường quốc năm châu" như ước nguyện của Bác; vừa để thế giới ngày càng biết đến nhiều hơn hình ảnh Việt Nam - đất nước Hồ Chí Minh với lịch sử hào hùng, có nền văn hóa đậm đà bản sắc, yêu chuộng hòa bình, thấm tình hữu nghị, kiên quyết đấu tranh bảo vệ độc lập dân tộc và chủ quyền quốc gia; chủ động và tích cực hội nhập là bạn, đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế, nỗ lực cùng nhân dân tiến bộ trên thế giới đấu tranh cho chính nghĩa, cho hòa bình, dân chủ và thịnh vượng chung của nhân loại.

Vì vậy, để các hoạt động tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh hiệu quả hơn nữa, đặc biệt là củng cố tính bền vững và bảo đảm sự lan tỏa rộng rãi của thành quả đạt được, Phó Thủ tướng mong muốn các đại biểu tiếp tục đánh giá toàn diện và thực chất tình hình triển khai các hoạt động này trên thế giới. “Cần làm rõ những thuận lợi, khó khăn, nguyên nhân khách quan và chủ quan, trong quá trình thực hiện việc tôn vinh thời gian qua, từ đó đúc kết các bài học kinh nghiệm cho thời gian tới."

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đề nghị, các đại biểu đánh giá kỹ tình hình, bối cảnh, yêu cầu nhiệm vụ trong điều kiện mới, trên cơ sở đó xác định các nội dung của các hoạt động tôn vinh để điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp. Từ đó, công tác triển khai tốt hơn các hoạt động tôn vinh trong tình hình mới, kể cả về chủ trương/chính sách, cũng như về các hoạt động cụ thể, trong đó cần chú trọng đến việc đổi mới từ cách làm, nội dung, sản phẩm, đổi mới các cơ chế phối hợp, theo dõi đánh giá để nâng cao hiệu quả, tính lan tỏa và củng cố tính bền vững của các kết quả đạt được.

Phó Thủ tướng cũng đề nghị phải xác định được nhiệm vụ cụ thể giữa các cơ quan, ban ngành, địa phương trong quá trình thực hiện các hoạt động tôn vinh; cần làm rõ lợi thế, thế mạnh của các kênh đối ngoại, trên cơ sở đó xác định nhiệm vụ và nguồn lực cần thiết nhằm thực hiện các hoạt động tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh một cách có hiệu quả cao nhất.

Theo Mạnh Hùng/Dangcongsan.vn

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra