Gian lận thi cử thực sự là vụ việc rúng động không chỉ trong ngành Giáo dục mà trong toàn xã hội. Đến nay, cơ bản những thí sinh được nâng điểm đều đã bị trả về địa phương. Vụ việc cũng đang được các cơ quan chức năng tiếp tục điều tra làm rõ. Những cán bộ nào liên quan đến việc “mua điểm”, “sửa điểm” cho con chắc chắn sẽ bị xử lý nghiêm minh theo tinh thần làm trong sạch đội ngũ cán bộ của Đảng, không có “vùng cấm” trong xử lý cán bộ sai phạm.
Gian lận thi cử chỉ là giọt nước làm tràn ly về những tồn tại, sai phạm trong giáo dục sau một thời gian dài. Không phủ nhận những thành tựu đã đạt được của ngành, nhưng song hành với đó là quá nhiều tồn tại.
Chúng ta không thể mãi ru ngủ bởi những thành tích, mà phải thẳng thắn nhìn vào những yếu kém đang tồn tại trong giáo dục, thì mới mong khắc phục được.
Bộ GD-ĐT nên có những đánh giá cụ thể việc tổ chức kỳ thi “hai trong một”
Từ vụ gian lận thi cử ở nhiều địa phương vừa qua, đã lộ ra những bất cập của kỳ thi "hai trong một". Còn nhớ, cách đây 4 năm, khi Bộ GD-ĐT quyết định gộp hai kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh Đại học thành kỳ thi THPT quốc gia đã có rất nhiều ý kiến trái chiều phân tích những mặt lợi, mặt hại của việc tổ chức kỳ thi “hai trong một”.
Chúng ta không thể bảo thủ, khư khư ôm mãi những cách làm cũ, nên việc tổ chức kỳ thi hai trong một dù còn nhiều ý kiến trái chiều trong dư luận ở thời điểm đó nhưng cũng là việc nên làm để đổi mới giáo dục.
Nhưng đến nay, sau thời gian thực hiện gần 4 năm, Bộ GD-ĐT nên có những đánh giá cụ thể, xem xét việc tổ chức kỳ thi “hai trong một” liệu có phù hợp, khi mà có quá nhiều tiêu cực đã xảy ra.
Nếu tiếp tục tổ chức kỳ thi hiện nay, thì có nên vẫn giữ phương án Bộ đứng ra tổ chức và làm thế nào để hạn chế được những tiêu cực xảy ra ở diện rộng và nghiêm trọng như thời gian vừa qua?
Nếu kỳ thi như vậy không còn phù hợp, nên chăng có những phương án để xét hoặc có cách thi phù hợp để công nhận học sinh tốt nghiệp THPT, còn việc thi Đại học thì trao quyền tự chủ cho các trường. Tùy theo đặc thù đào tạo, mỗi trường sẽ có một phương án tuyển sinh phù hợp, còn Bộ có trách nhiệm quản lý, kiểm tra, giám sát?
Cùng với đó, với cách dạy và học như ở nước ta hiện nay, thi theo cách thức trắc nghiệm liệu có phù hợp, có thực sự phát huy được sự sáng tạo của học sinh trong khi học, hay là chỉ học gạo, học vẹt để lấy nhưng con điểm cao ngất ngưởng 29, 30 trong các kỳ thi. Mà thực tế, nhiều năm trước và nhiều thế hệ trước, những điểm số này chưa bao giờ xuất hiện?
Theo VOV