Vàng mã được hóa ngay trong nhà trước mâm lễ tổ tiên
Sự mở rộng địa giới hành chính từ năm 2008 đã sát nhập Ba Vì vào Hà Nội và cộng đồng người Dao ở Ba Vì đã trở thành một trong những cộng đồng dân tộc thiểu số đầu tiên có mặt tại thủ đô. Mặc dù đã xuống núi định cư từ lâu, nhưng người Dao Ba Vì vẫn cư trú theo những thôn bản riêng biệt, không có người khác tộc để giữ gìn phong tục tập quán - những nét văn hóa độc đáo riêng của mình. Đến nay, người Dao Ba Vì vẫn còn lưu truyền rất nhiều lễ hội truyền thống như: Lễ Khai Quan, lễ Tạ Mả, lễ Cấp Sắc, Đặt Tên Âm… Trong đó, đặc trưng nhất là Tết Năm Cùng và Tết Nhảy. Trong không khí ấm áp của những ngày vào xuân, bên những bàn cỗ lá linh đình là những điệu múa nhảy, đó là lời thỉnh cầu của con cháu với tổ tiên, mong một năm bình an và no ấm.
Tôi được nghe các già làng trong thôn kể lại, xưa kia, người Dao Quần Chẹt di cư đến núi Ba Vì để tìm kế mưu sinh, bởi nơi đây có nguồn tài nguyên thiên nhiên rất phong phú. Đến Ba Vì, họ cư trú trên sườn núi và sống chủ yếu bằng đốt rừng làm nương. Sau cuộc vận động “hạ sơn” năm 1968, đặc biệt từ khi Nhà nước có quyết định thành lập Khu bảo tồn Vườn quốc gia Ba Vì, thì toàn bộ người Dao đang sống rải rác trên núi đều được xuống núi định cư quanh chân núi Ba Vì. Từ đây, họ đã thay đổi phương thức sản xuất, chuyển từ phá rừng làm rẫy sang trồng và bảo vệ rừng, biết trồng lúa nước và định canh, định cư. Họ còn có thêm nghề làm thuốc Nam, có thể nói là nghề mang lại thu nhập chính.
Người Dao Quần Chẹt ở xã Ba Vì sống quy tụ theo cộng đồng, chiếm 98% dân số của xã. Hiện có khoảng hai nghìn người Dao Quần Chẹt đã và đang sinh sống ở đây. Cách gọi Dao Quần Chẹt dựa vào trang phục có quần bó sát chân, gọi Dao Quần Chẹt để phân biệt với các nhánh Dao quần trắng, Dao tiền, Dao Thanh y, Dao Đỏ…
Tết Năm Cùng
Tết Năm Cùng hay được biết đến là Tết cuối năm, Tết cúng tổ tiên truyền thống của người dân tộc Dao. Theo phong tục, đồng bào Dao ăn Tết trước tết Nguyên Đán nửa tháng và vui Tết đến hết rằm tháng Giêng. Mỗi dòng họ sẽ chọn ra một ngày đẹp để tổ chức ăn Tết. Thường Tết chỉ diễn ra trong vòng 1 ngày, tại gia đình đang giữ bàn thờ của dòng họ hay còn được gọi là bàn thờ cao. Không ai nhớ Tết Năm Cùng của người Dao có từ khi nào, chỉ biết rằng khi có người Dao là có Tết Năm Cùng.
Nhà ông Triệu Tiến Nhàn hôm nay làm lễ Tết Năm Cùng. Mới tờ mờ sáng vậy mà bếp than đã nóng rực tự khi nào. Nồi nước sôi để làm thịt con lợn béo nuôi bằng ngô và rau rừng đã phả hơi ra hầm hập. Trong nhà ngoài ngõ cứ nhoang nhoáng người. Ai cũng tất bật với công việc của mình nhưng nhìn ai cũng có vẻ hồ hởi lắm.
Làm được một mâm cỗ cúng linh thiêng, trang trọng trong ngày Tết Năm Cùng cũng không hề đơn giản, nó đòi hỏi gia chủ phải chuẩn bị đồ lễ từ nhiều ngày trước. Trong đó, bữa cỗ cúng tổ tiên của người Dao không thể thiếu được món bánh giầy, đó cũng chính là món kỳ công và tốn sức nhất. Nghe các bà, các cô kể: Trước công đoạn đâm bánh giầy là rất nhiều những công đoạn tỉ mẩn khác. Trước hết, gạo để làm bánh giầy phải là loại nếp hạt mẩy ngay sau mùa thu hoạch, ngâm từ đêm hôm trước đến hôm sau mới mang ra đồ thành xôi, có như vậy thì bánh mới để được lâu, mới dẻo, ngon. Ngay giữa tiết trời lạnh giá nhưng để giã được một khối bánh, các thanh niên khoẻ mạnh cũng phải vã mồ hôi. Cứ như thế, hai đến ba người thay nhau đâm bánh giầy đến khi chiếc bánh dẻo quánh, bứt không ra thì thôi. Mẻ bánh giầy đầu tiên tất cả mọi người không ai được nếm hay ăn thử, vì đây là mẻ bánh dành để cúng ông bà tổ tiên. Từ mẻ bánh thứ hai, mọi người mới được ăn.
Trong khi phụ nữ và thanh niên chuẩn bị mâm lễ thì ông Nhàn cùng các cụ cao tuổi làm tiền vàng và chuẩn bị các vật dụng khác trước khi thầy cúng đến làm lễ. Khác với người Kinh, bà con dân tộc Dao thường tự tay làm tiền vàng, triện dấu lên đó để dâng lên thần linh, tiên tổ. Khác với cách bốc bát hương của người Kinh, người Dao dùng một miếng than hồng đặt lên chén, trên cùng là một miếng quế. Ông Nhàn cho biết: miếng quế được lấy từ vỏ của cây quế rừng. Phải bóc vỏ cây vào ngày rằm tháng 7 mới thơm. Hương quế thơm báo hiệu sự phú quý sẽ đến với gia chủ.
Tết Năm Cùng bắt đầu được tổ chức từ đầu tháng Chạp trở đi, khi mùa màng đã thu hoạch xong, để báo công với ông bà tổ tiên thành quả của một năm lao động của gia đình. Tuy nhiên, việc tổ chức ăn Tết của các gia đình cũng phải tuân theo quy tắc nhất định. Đầu tiên, các hộ gia đình đóng góp đồ: Có thể là gà, lợn, gạo… cùng lên miếu để làm lễ, rồi ăn Tết làng ở nhà người tổ chức lễ họ. Từ hôm sau trở đi, các gia đình mới được tổ chức riêng tại nhà. Sống ở bản Dao này ngót nghét bảy chục năm, cũng là từng ấy năm, gia đình ông Triệu Tiến Nhàn đón Tết cổ truyền của dân tộc mình chuẩn chỉ theo đúng những gì cha ông truyền lại.
Khác với mâm lễ dâng lên thần linh, tiên tổ bao gồm thủ lợn, gà, bánh giầy cùng dăm chén rượu. Mâm cỗ để gia đình thết đãi bà con họ hàng, làng xóm gồm khá nhiều món, nhưng đa phần đều có nguyên liệu là từ thịt lợn đã mổ từ sớm.
Các bữa cỗ Tết truyền thống của người Dao được biết đến với cái tên Cỗ Lá. Thay vì bày thức ăn ra bát, đĩa thì người Dao sẽ để chung vào những chiếc lá được xếp đan với nhau. Chẳng ai biết cái tên đó được bắt nguồn từ đâu. Bà con chỉ phỏng đoán rằng, từ xa xưa, khi sống ở trong rừng sâu, thứ gần gũi và sẵn có nhất chính là cây cỏ. Vì thế bà con đã tận dụng lá cây để đựng đồ ăn. Bởi thế mới có cái tên Cỗ Lá. Nguyên liệu chủ yếu là lá chuối, nhưng lá chuối này không phải tiện tay lấy ngay trong vườn nhà, mà phải lặn lội vào rừng, tìm cây chuối rừng để lấy lá. Bởi lá chuối rừng vừa thơm, dai, mà không làm đắng thức ăn. Sống giao hòa với thiên nhiên, hiểu đặc tính của những sản vật từ thiên nhiên, bà con nơi đây mới đúc kết được những kinh nghiệm ấy.
Tết Nhảy, nghi lễ quan trọng nhất trong năm
Nhắc đến Tết của người Dao, người ta nghĩ ngay đến Tết Nhảy. Từ bao đời nay, Tết nhảy đã trở thành nét sinh hoạt văn hóa đặc sắc không thể thiếu của người Dao nói chung và của cộng đồng người Dao ở Ba Vì nói riêng trong mỗi dịp Tết đến, xuân về.
Tết Nhảy là một nghi lễ đặc biệt trong thờ cúng tổ tiên của người Dao, thường được diễn ra sau buổi lễ Tết Năm Cùng. Nguồn gốc của Tết Nhảy bắt nguồn từ câu chuyện: trong chuyến di cư vượt biển sang Việt Nam tìm đường sống của con cháu 12 họ Dao, sau nhiều tháng lênh đênh trên biển mà chẳng tới bờ, bất ngờ đoàn thuyền của các họ Dao gặp bão, bị sóng to gió lớn như muốn nhấn chìm thuyền, tính mạng các họ Dao bị đe doạ. Trong cơn nguy cấp, các họ Dao khấn cầu xin Bàn Vương và tổ tiên giúp đỡ vượt qua cơn hoạn nạn, vào đến đất liền an toàn và hứa sẽ xem ngày làm lễ tạ ơn. Hầu hết các họ Dao hứa làm Tết Nhảy. Lời cầu linh ứng, từ đó về sau theo lời hứa, các họ người Dao tổ chức Tết Nhảy để tạ ơn tổ tiên nhưng tuỳ lời hứa của từng họ mà chu kỳ tổ chức Tết Nhảy của các họ khác nhau, thường từ 10 - 15 năm/lần.
Mục đích của Tết nhảy là thể hiện lòng biết ơn đối với tổ tiên, Bàn Vương đã cứu mạng ngoài biển năm xưa, cầu xin tổ tiên phù hộ, che chở cho mọi thành viên trong gia tộc được mạnh khoẻ, ngày càng làm ăn phát đạt.
Việc tổ chức Tết Nhảy tùy vào điệu kiện kinh tế của từng gia đình và không bị bắt buộc năm nào cũng tổ chức. Chính vì thế, dù là Tết của gia đình nhưng gia đình phải mời cả làng, cả vùng ăn Tết tập thể và lại được cả bản, cả vùng coi như Tết chung. Mỗi khi nhà ai tổ chức Tết Nhảy thì hôm đó, cả làng vui lắm.
Một lễ Tết Nhảy gồm 3 phần chính là Khai lễ, Chính lễ và Lễ tiễn đưa. Trong ba ngày ba đêm làm lễ, mỗi ngày phải hát và nhảy hết 12 bài hát cúng. Lễ vật dâng tế gồm: Hương, hoa, quả, thủ lợn, gà, xôi, bánh giầy, rượu, nước, tiền đồng xu, cờ các loại, dao thờ… Đội cúng tế gồm 3 người, 1 người là thầy cúng, 2 người phụ giúp chủ Lễ.
Trong suốt thời gian làm Tết Nhảy, chủ nhà mổ lợn, gói bánh để đãi khách. Họ vừa cúng, vừa uống rượu, ăn cỗ, múa hát thay phiên nhau liên tục trong nhiều ngày. Điệu múa chuông và múa kiếm, mỗi điệu được thực hiện 36 lần; điệu múa rùa từ 6 đến 9 lần.
Múa rùa nằm trong phần hội không thể thiếu của Tết Nhảy. Sự tích truyền rằng: Xưa kia mọi người đang yên vui hưởng cuộc sống thanh bình, mùa màng tươi tốt, lợn đầy nhà, gà đầy sân... bỗng xuất hiện một con rùa yêu quái đến quấy nhiễu bản làng, làm mùa màng thất bát, reo rắc bệnh tật cho con người, làm đảo lộn cuộc sống yên vui thanh bình của bà con trong bản. Vì thế, người dân phải kêu cứu đến Bàn Vương - là Thủy tổ của người Dao. Bàn Vương báo mộng cho dân làng trong bản biết tất cả đều do con rùa yêu quái gây ra, phải tìm cách bắt, giết rùa dâng cúng tổ tiên mới có thể yên ổn được. Từ đó trở đi, điệu múa rùa chính thức ra đời nhằm diễn tả động tác bắt, trói và khiêng rùa về nhà để dâng cúng Bàn Vương và các vị thánh tổ tiên người Dao.
Bên ánh lửa bập bùng, những điệu múa chuông, múa rùa trong Tết Nhảy như hư như thực, huyền ảo và lôi cuốn đến lạ lùng. Trong tiếng kèn, chuông, trống rộn ràng, vùng núi Ba Vì huyền thoại như được thức dậy, đất trời vào xuân như tưng bừng và linh thiêng hơn. Trong suốt thời gian diễn ra Tết Nhảy, các điệu múa được biểu diễn lặp đi lặp lại nhiều lần, vừa múa họ vừa hát những bài hát cổ xưa với nội dung kể về nguồn gốc dân tộc mình.
Già làng Triệu Tài Vi, một trong những nghệ sĩ múa lâu năm cho biết: Để có được những điệu múa nhảy bắt mắt, có hồn, thì phải học nhảy từ nhỏ. Không chỉ có vậy, những đứa trẻ người Dao còn phải học chữ nho, biết tiếng bản làng, biết cúng. Có như vậy mới thấm được tinh thần của cha ông, từ đó cũng giúp gìn giữ và bảo tồn nét đẹp văn hóa bao đời nay.
Dù cuộc sống hiện đại đã len lỏi vào khắp các bản làng của người Dao ở Ba Vì, nhưng bà con dân tộc thiểu số nơi đây vẫn luôn cố gắng gìn giữ và phát huy những nét đặc sắc của dân tộc mình. Ba Vì trời chuyển về đêm, vậy mà âm thanh của Tết Nhảy cứ mãi vang vọng khắp núi rừng, ngoài kia hoa đào bắt đầu bung nở, báo hiệu một mùa xuân vui tươi, ấp áp, no đủ đang đến rất gần./.
Dương Đỗ