Từ Môi Điên đến Vũ Hội Ánh Dương, những gì mà Tom Trandt đang làm hứa hẹn sẽ khiến show diễn quy mô quốc tế này ấn tượng ngay từ phần phục trang.
Tom Trandt “bén duyên” với show Vũ Hội Ánh Dương như thế nào?
Tôi làm việc với đạo diễn Phạm Hoàng Nam lần đầu tiên hồi tháng 1/2017. Suốt hai năm sau đó, đạo diễn Phạm Hoàng Nam có theo dõi thêm những dự án mới của tôi. Và đến khi tôi có buổi trình diễn thời trang ở London hồi tháng 1 năm nay thì anh chính thức ngỏ lời mời tôi tham gia show Vũ Hội Ánh Dương mà anh làm Tổng đạo diễn.
Vũ Hội Ánh Dương là một chương trình nghệ thuật quy mô, với nhiều mini show hợp thành một show lớn, mỗi show thể hiện tinh hoa của một xứ sở trong Miền đất Ánh sáng. Phục trang cho nghệ sỹ của mỗi show nhỏ đó chắc hẳn không được phép lặp lại?
Tất nhiên rồi. Mỗi vùng đất đều có đặc điểm riêng về trang phục, đặc biệt là Xứ sở muôn Hoa và Xứ sở Hội Hè. Vì chương trình phải xây dựng phối cảnh từ một khu vực có sẵn nên bắt buộc phần phục trang phải khớp được cho cả hai không gian này. Chưa kể sau khi biểu diễn xong một chương trình, chương trình khác lại được diễn ngay tại đó nên phần màu sắc phục trang phải được tính toán kĩ lưỡng để khớp với tổng thể nhưng vẫn toát nên đặc rưng riêng theo từng câu chuyện của mỗi vùng đất. Chẳng hạn như Xứ sở Hội hè được xây dựng trên một địa điểm có tông màu cam đậm, trầm. Vì thế, chúng tôi xử lí màu sắc theo hướng tự nhiên, nhưng phải đậm màu và vui mắt.
Màu sắc là một chuyện, còn chất liệu để may các trang phục đặc thù như vậy thì sao?
Đó là khó khăn lớn nhất với chúng tôi. Tôi xác định đây là show chất lượng cao nên phần phục trang phải được đầu tư rất kĩ. Nhưng chất liệu vải ở Việt Nam dù sao vẫn chưa thể nói là đa dạng nên việc tìm ra những cuộn vải cao cấp hợp với yêu cầu mĩ thuật là rất khó. Tôi ví dụ như áo choàng, riêng phần lining (lớp lót) của áo đã được yêu cầu phải làm bằng foil kim loại rất cao cấp. Chúng tôi phải rất cố gắng để có đủ 1000 mét vải loại này.
Nguyên liệu có rồi, khâu sản xuất chắc cũng không có gì quá khó với Tom Trandt?
Ngược lại, có quá nhiều thử thách trong quá trình sản xuất, vì những sản phẩm như vậy ở Việt Nam không nhiều người có chuyên môn. Đa phần đều quen với việc gia công trang phục phổ thông hằng ngày, không có yêu cầu đặc thù trong sản xuất. Nhưng quá trình thiết kế, sản xuất trang phục cho show, tôi đã được vào đó kinh nghiệm xử lý chất liệu. Tôi muốn xây dựng một quy trình bài bản theo chuẩn quốc tế từ việc lên ý tưởng, xử lý chất liệu, bản vẽ, cho đến việc sản xuất. Khó khăn mình gặp phải không phải ở việc lên ý tưởng, mà ở khâu sản xuất vì Việt Nam chưa mạnh trong lĩnh vực này.
Đội ngũ thiết kế trang phục cho show gồm bao nhiêu người? Và làm cách nào để Tom Trandt có thể hoàn thiện được hơn 200 bộ trang phục trong thời gian gấp gáp như vậy?
Tôi luôn có hai đầu thông tin là từ đạo diễn và diễn viên múa. Họ sẽ cho tôi những yêu cầu về trang phục và tôi có nhiệm vụ truyền tải các thông điệp này đến với nhóm thiết kế gồm bảy người. Sau khi lên mẫu, chúng tôi sẽ gửi lại cho đạo diễn duyệt và tiến hành sản xuất hàng loạt. Có những mẫu thiết kế gặp khó khăn trong việc sản xuất, vì mỗi một bộ phục trang đều phải đem qua rất nhiều xưởng khác nhau để làm những chi tiết khác nhau, trước khi được ráp lại hoàn chỉnh. Sự cầu kì trong việc thực hiện khiến chúng tôi phải yêu cầu ngược lại phía xét duyệt đưa ra quyết định rất sớm để đảm bảo yêu cầu thời gian.
Có thể xem Vũ Hội Ánh Dương là một “thử nghiệm” lớn trong cuộc đời của một tài năng trẻ như Tom Trandt không?
Tôi chưa từng tham gia bất cứ show nào lớn như vậy. Đây là chương trình không đơn thuần diễn một lần mà là ròng rã bốn tháng trời, nên luôn luôn phải có một đội hậu cần túc trực ở Sài Gòn sẵn sàng lên Đà Nẵng bất cứ lúc nào để xử lí sự cố.
Điều thú vị nhất mà Tom Trandt có được khi thiết kế trang phục cho show này là gì?
Là việc tôi không nghĩ ở Việt Nam có được những chất liệu như mình muốn. Nhóm thiết kế đã tìm được những chất liệu rất tốt mà không phải mua từ nước ngoài. Bạn biết không, chúng ta không thể nhập tất cả vải cho hơn 200 nhân vật trong show. Chính vì vậy mà nỗ lực xoay sở của đội ngũ thiết kế là rất đáng được trân trọng.
Với tư cách là nhà thiết kế độc lập, Tom Trandt trông đợi điều gì khi tham gia Vũ Hội Ánh Dương?
Tôi chỉ tập trung vào phân khúc cao cấp. Thế nên đây là cơ hội thú vị để mình thử sức nâng tầm phục trang trong các show ca nhạc, kịch nghệ ở nước nhà.
Trung bình, theo tôi biết, khoảng thời gian lên ý tưởng trang phục cho một show diễn tại Việt Nam chỉ vỏn vẹn hai đến ba ngày, thậm chí có khi sát thời điểm trình diễn mới bắt đầu gia công. Chính vì vậy mà yếu tố chất lượng không được đảm bảo. Một BST thông thường gồm 20 mẫu sẽ mất khoảng ba đến bốn tháng thực hiện thì với show diễn, thời gian sản xuất mấy ngày sao đảm bảo yêu cầu? Đối với Vũ Hội Ánh Dương, chúng tôi có hai tháng thực hiện 200 đến 400 mẫu. Để giải quyết bài toán này, chúng tôi thực hiện theo phương cách sản xuất đồng bộ và sửa chữa đồng bộ, thay vì hoàn thiện từng mẫu một như thời trang may mặc. Nhưng để làm được điều này, cần phải có sự trao đổi chặt chẽ từ tất cả các bên liên quan.
Và Tom Trandt tự tin khi đã đưa được những tiêu chuẩn chất lượng phục trang quốc tế vào trong một show diễn Việt Nam?
Chúng tôi rất tự hào khi nhìn lại những trang phục đã sản xuất. Ví như những chiếc áo choàng nhìn rất đơn giản nhưng thực tế tốn đến 10m vải và được chỉnh sửa liên tục để diễn viên có thể nhảy múa, diễn xuất cùng một lúc. Tôi tự hào khi những trang phục cho diễn viên phụ cũng được đầu tư nhuộm màu, may nhiều lớp và cả lớp lót cũng rất cao cấp. Điều ấy thể hiện sự công phu mà nhóm thiết kế đã đặt rất nhiều tâm tư để thực hiện.
Xin cảm ơn Tom Trandt!