Truyền vong báo oán là mê tín dị đoan
Liên quan đến nhóm vấn đề Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao & Du lịch sẽ trả lời chất vấn, đại biểu Hồ Thị Minh (Đoàn Quảng Trị) cho biết rất quan tâm đến nội dung về công tác quản lý hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng và phòng ngừa mê tín dị đoan. Lý do được vị đại biểu này đưa ra là, thời gian qua những vụ việc cúng sao giải hạn, thỉnh vong báo oán tại chùa Ba Vàng đã nhận được sự quan tâm lớn của dư luận. Những thông tin mà dư luận báo chí phản ánh cũng cho thấy việc lợi dụng hoạt động tâm linh để kinh doanh, trục lợi đang có diễn biến phức tạp, đòi hỏi nhà quản lý phải quan tâm, vào cuộc, có những giải pháp chấn chỉnh.
“Pháp luật của chúng ta quy định rất rõ mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tuy nhiên gần đây vấn đề lợi dụng tâm linh, tôn giáo để làm những việc như cúng sao giải hạn, thỉnh vong báo oán đã gây bức xúc trong dư luận. Qua những sự việc này, Bộ VHTTDL và các cơ quan liên quan cần phải thấy được trách nhiệm trong việc quản lý hoạt động này.
Ngày xưa, đi chùa vốn không nặng về vấn đề vật chất, thế nhưng bây giờ ở các nhà chùa có những việc khiến cho người đi lễ cảm thấy có việc lợi dụng tôn giáo để kinh doanh. Như vụ việc tổ chức thỉnh vong báo oán tại chùa Ba Vàng cho thấy có sự lợi dụng tôn giáo, niềm tin tín ngưỡng để trục lợi. Con người ta sống kiếp trần thì biết kiếp trần thôi, thế nhưng lại đi phán kiếp trước thế này, kiếp sau thế kia để yêu cầu nộp tiền thỉnh vong. Đây là biểu hiện tuyên truyền mê tín dị đoan. Nếu Bộ VHTTDL, cơ quan chức năng không quản lý tốt, không xử lý quyết liệt thì đây sẽ là vấn đề đáng lo ngại” - đại biểu Hồ Thị Minh nhấn mạnh.
Loạt bài điều tra về vụ việc tại chùa Ba Vàng (Quảng Ninh) đăng trên Báo Lao Động đã nhận được sự quan tâm lớn của dư luận.
Cũng theo nữ đại biểu, hiện nay vấn đề xử lý hoạt động lợi dụng tín ngưỡng tôn giáo để trục lợi chưa nghiêm, chế tài xử lý chưa đủ sức răn đe, dẫn tới việc các đối tượng “nhờn luật”.
“Khi chúng ta đưa ra các chế tài mạnh thì tin chắc rằng những đối tượng như bà Phạm Thị Yến sẽ không dám lợi dụng tôn giáo để hoạt động như vậy nữa. Nếu vụ việc thỉnh vong báo oán ở Chùa Ba Vàng chỉ dừng ở việc xử lý hành chính, phạt 5 triệu đồng với bà Yến, thì chưa đủ sức răn đe”, đại biểu nói. Cũng theo đại biểu Hồ Thị Minh, Bộ VHTTDL cần tham mưu để sửa đổi lại những quy định, có chế tài đủ mạnh để ngăn chặn các đối tượng lợi dụng tôn giáo để trục lợi, tuyên truyền mê tín dị đoan, thậm chí cần xử lý hình sự.
Lợi dụng tâm linh để trục lợi là dạng vi phạm mới
Còn đại biểu Phạm Tất Thắng - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội, trong nhóm nội dung Bộ trưởng VHTTDL đăng đàn chất vấn vào ngày 5.6, vấn đề về công tác quản lý hoạt đô%3ḅng tôn giáo, tín ngưỡng, phòng ngừa mê tín dị đoan nhận được sự quan tâm của dư luận, cử tri cả nước. Lý do là thời gian qua hoạt động này diễn biến phức tạp, xảy ra nhiều vụ việc gây bức xúc trong dư luận như vụ việc dâng sao giải hạn, thỉnh vong báo oán…
Ông Thắng nêu thực tế, góc độ chế tài xử lý hoạt động lợi dụng tôn giáo, tâm linh để trục lợi hiện còn chưa thỏa đáng, chưa nghiêm. Nêu quan điểm về việc cơ quan chức năng xử lý việc lợi dụng tâm linh để tổ chức thỉnh vong của bà Phạm Thị Yến ở chùa Ba Vàng, ông Thắng cho rằng việc chỉ xử lý hành chính, cụ thể là phạt 5 triệu đồng - là chưa đủ sức răn đe.
“Với sự việc lợi dụng hoạt động tôn giáo, tâm linh để trục lợi, đây là dạng vi phạm pháp luật mới. Các cơ quan chức năng trong quá trình xử lý có những lúng túng nhất định. Việc quy định cụ thể để khép hành vi đó vào xử lý hình sự hay xử lý hành chính, trong khi chưa có quy định cụ thể, sẽ gây lúng túng cho cơ quan chức năng. Nhưng qua vụ việc chùa Ba Vàng, đây là cảnh báo, đã đến lúc cơ quan chức năng, chính quyền địa phương phải quan tâm đến việc quản lý, ngăn chặn hành vi biến tướng, lợi dụng tôn giáo, tín ngưỡng để trục lợi” - đại biểu Phạm Tất Thắng nhấn mạnh.
Đại biểu Thắng cũng cho rằng, tôn giáo là lĩnh vực khá nhạy cảm, nên cơ quan quản lý một mặt vẫn phải đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo của người dân, một mặt phải ngăn ngừa được những hành vi biến tướng, làm ảnh hưởng quyền lợi của người dân.
“Luật Tín ngưỡng tôn giáo mới ban hành, trong quá trình cụ thể hóa luật bằng văn bản hướng dẫn, tôi kiến nghị Chính phủ, Bộ Nội vụ, Bộ Văn hóa Thể thao Du lịch với góc độ là cơ quan quản lý nhà nước phải cụ thể hóa để đáp ứng hai yêu cầu trên. Ranh giới tự do tín ngưỡng tôn giáo và mê tín dị đoan rất mong manh, bên cạnh việc hướng dẫn cụ thể cũng phải tuyên truyền rộng rãi để người dân hiểu rõ, có nhận thức đúng đắn về hoạt động được phép trong tự do tín ngưỡng tôn giáo” - ông Thắng nhấn mạnh.
Theo Nhóm PV/Báo Lao động