Đây là đánh giá từ các chuyên gia cao cấp của Trung tâm đa dạng sinh học ASEAN trong quá trình khảo sát, nghiên cứu để công nhận danh hiệu Vườn di sản ASEAN cho Vườn quốc gia Bái Tử Long, tỉnh Quảng Ninh. Sự hoàn hảo vẫn còn vẹn nguyên.
Bái Tử Long vẻ đẹp hoang sơ
Với những giá trị đa dạng sinh học độc đáo, VQG Bái Tử Long đã được Thủ tướng Chính phủ thành lập tại Quyết định số 85/2001/QĐ-TTgngày 01/6/2001 trên cơ sở mở rộng và chuyển hạng từ Khu bảo tồn thiên nhiên đảo Ba Mùn tỉnh Quảng Ninh bao gồm 15.783 ha, trong đó, diện tích phần đảo nổi là 6.125ha, còn lại với hơn 80 đảo lớn nhỏ chia thành 3 cụm đảo chính là Ba Mùn, Trà Ngọ và Sậu, diện tích mặt nước biển, vụng áng, bãi triều ngập nước là 9.658ha.
Hệ sinh thái rừng, biển đa dạng, phong phú
Giám đốc Ban quản lý VQG Bái Tử Long - Nguyễn Thanh Phương chia sẻ: VQG Bái Tử Long là một tổ hợp các hệ sinh thái toàn vẹn gồm: Hệ sinh thái rừng thường xanh trên đảo núi đất; Hệ sinh thái rừng thường xanh trên đảo núi đá vôi; Hệ sinh thái rừng ngập mặn; Hệ sinh thái thảm cỏ biển; Hệ sinh thái rạn san hô với 106 loài; Hệ sinh thái tùng, áng...
Hệ sinh thái san hô của Vườn được coi là đa dạng nhất hành tinh, được ví như “rừng mưa nhiệt đới dưới đáy biển”, môi trường sống của nhiều loài sinh vật biển quý: cá, hải sâm, cầu gai, đồi mồi,…
Đây là trường hợp độc đáo của hệ thống các vườn quốc gia của Việt Nam cũng như trên thế giới khi có cả ba hệ sinh thái điển hình và còn khá nguyên vẹn. Các loài động, thực vật sinh sống trong vùng rừng và vùng biển tại khu vực VQG Bái Tử Long rất phong phú, quý hiếm, có giá trị cao về bảo tồn nguồn gen. “Vì thế nơi đây được gọi là khu bảo tồn động vật hoang dã tự nhiên lớn nhất ở vùng Đông Bắc”.
Theo thống kê chưa đầy đủ từ các nghiên cứu trước đây về đa dạng sinh học của Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật, Viện Tài nguyên và Môi trường biển, Viện nghiên cứu Hải sản cũng như từ kết quả điều tra, giám sát đa dạng sinh học hằng năm của VQG Bái Tử Long, tính đến thời điểm hiện nay đã ghi nhận sự xuất hiện của 2.212 loài sinh vật, trong đó có 992 loài sinh vật trên cạn, có 1.220 loài sinh vật biển trong VQG Bái Tử Long. Trong tổng số 2.212 loài sinh vật, có 108 loài được ghi nhận trong Sách đỏ Việt Nam cũng như Sách đỏ IUCN (Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên thế giới); trong đó có nhiều loài động, thực vật đặc biệt được quan tâm bảo tồn như: Trai lý, Táu mặt quỷ, Dè vàng, Kim giao núi đá, Báo gấm, Cầy hương, Đồi mồi, Vích, Cá heo, San hô, Cỏ biển...
Giám đốc - Nguyễn Thanh Phương cho biết thêm đảo Ba Mùn là đảo núi đất có hệ sinh thái rừng lá rộng thường xanh nhiệt đới, rất thuận lợi cho các loài động thực vật sinh sôi. Về thực vật có các loại cây gỗ quý như: lim, sến, táu…trong đó đáng chú ý nhất là cây lan hài, một loại cây cực kỳ quý hiếm chỉ tìm thấy ở Hoàng Liên Sơn và đảo Ba Mùn.
Khỉ đuôi dài trên đảo Ba Mùn
Ba Mùn có khá nhiều loài quý hiếm trong đó có quần thể nai vàng hiện vẫn còn rất đông và cũng là quần thể duy nhất ở miền Đông nước ta. Ngoài ra còn có những loài động vật khác như lợn rừng, sơn dương, hươu, vooc, cầy, khỉ …và các loại chim biển và chim di cư.
Quan tâm bảo tồn và phát triển
Vườn quốc gia Bái Tử Long được thành lập với nhiệm vụ chính là: Tổ chức quản lý, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, khôi phục và phát triển các hệ sinh thái rừng - biển, bảo tồn tính đa dạng sinh học của VQG Bái Tử Long, cảnh quan thiên nhiên, văn hóa, di tích lịch sử trong quần thể danh thắng vịnh Bái Tử Long. Trong những năm qua, công tác bảo tồn là một nhiệm vụ quan trọng bậc nhất trong việc duy trì các giá trị đa dạng sinh học các hệ sinh thái tại nơi đây.
Đồi mồi là một trong 7 loài rùa biển hoang dã, quý hiếm, có tên trong sách đỏ thế giới và Việt Nam
Đối với công tác quản lý, bảo vệ nguồn tài nguyên được đặc biệt quan tâm nhằm giữ gìn, duy trì giá trị tài nguyên thiên nhiên trong khu vực VQG Bái Tử Long. Hàng năm, VQG Bái Tử Long đã tổ chức hàng trăm đợt tuần tra, kiểm soát tài nguyên nhằm tuyên truyền, giáo dục pháp luật, phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời các hành vi xâm hại đến nguồn tài nguyên Vườn quốc gia. Nhờ đó, trong nhiều năm qua các vụ xâm hại đến nguồn tài nguyên VQG Bái Tử Long theo xu thế giảm dần theo từng năm. Chính sự quyết tâm, đồng sức, không ngại gian nan, thử thách của lực lượng Kiểm lâm VQG Bái Tử Long đã góp phần rất lớn vào công tác bảo vệ, duy trì nguồn tài nguyên đa dạng sinh học tại đây.
Độc đáo bậc nhất Đông Nam Á
Đảo Trà Ngọ Lớn tại VQG Bái Tử Long là đảo có cấu tạo địa chất khá đặc biệt, một thân đảo có 2 nền địa chất với nguồn gốc hình thành rất khác nhau. Phía bắc đảo là “núi đất” trên nền đá lục nguyên. Phía nam đảo là núi đá vôi, đặc trưng bởi địa hình Caster có nhiều hang động và thung áng. Điểm giao thoa giữa 2 hệ sinh thái núi đất và núi đá vôi này là các thung áng với khoảng cách trên 5km và tại đây có áng Cái Lim, được các chuyên gia cao cấp của Trung tâm đa dạng sinh học ASEAN đánh giá là độc đáo nhất Đông Nam Á cả về mặt sinh thái, khoa học, giáo dục đào tạo.
Hòn Thiên Nga vịnh Trà Thần thuộc đảo Trà Ngọ Lớn - VQG Bái Tử Long
Trong các thung áng có hệ sinh thái tùng, áng chỉ có thể tìm thấy tại VQG Bái Tử Long. Các hệ sinh thái tùng, áng này là các mẫu chuẩn điển hình của diễn thế tự nhiên, đặc biệt là các loài thuộc rừng ngập mặn, trong đó có nhiều cây hàng trăm năm tuổi. Có thể nói, ít nơi nào trên thế giới có thể tìm thấy được nhiều hệ sinh thái, sinh cảnh tự nhiên độc đáo và điển hình như ở VQG Bái Tử Long.
Hệ sinh thái tùng, áng chỉ có ở VQG Bái Tử Long
Trong công tác hợp tác quốc tế về lĩnh vực bảo tồn, VQG Bái Tử Long là một trong số ít các Vườn quốc gia ở Việt Nam vừa có diện tích đất rừng, vừa có diện tích biển. Do đó, trong nhiều năm qua, VQG Bái Tử Long đã nhận được sự quan tâm, hỗ trợ của nhiều tổ chức Quốc tế trong và ngoài nước đến làm việc, tìm hiểu cơ hội hợp tác đầu tư. Nổi bật nhất trong đó là IUCN đã hợp tác với VQG Bái Tử Long từ năm 2006 cho đến nay trong việc bảo vệ quần thể Rùa biển (Vích và Đồi mồi) và môi trường sống của chúng tại VQG Bái Tử Long.
Rùa Sa nhân được chăm sóc tại Trung tâm cứu hộ động vật trên biển ở VQG Bái Tử Long
Đặc biệt, sau 2 năm đệ trình hồ sơ, ngày 19/5/2017, tỉnh Quảng Ninh đã đón nhận danh hiệu Vườn quốc gia Bái Tử Long trở thành “Vườn di sản” ASEAN thứ 38 của khu vực Đông Nam Á. Bởi hội tụ đầy đủ 6 tiêu chí: Tính toàn vẹn hệ sinh thái, tính đại diện, tính tự nhiên, tính bảo tồn cao, kế hoạch quản lý, bảo tồn và tính pháp lý.
Đây là phần thưởng xứng đáng, danh hiệu, niềm tự hào đối với tập thể cán bộ, viên chức, người lao động tại Ban quản lý Vườn quốc gia Bái Tử Long, đồng thời cũng là lời khẳng định cho một Quảng Ninh với kỳ quan thiên nhiên Thế giới vịnh Hạ Long còn một Vườn di sản của khu vực Đông Nam Á để hướng tới một nền kinh tế xanh, phát triển bền vững trong tương lai./.
Kim Dung