Xây dựng văn hóa doanh nghiệp tại 9 tỉnh Đồng bằng sông Hồng

Thứ tư, 07/08/2019 14:48
Trong xu hướng toàn cầu hoá, việc xây dựng văn hóa doanh nghiệp là chính sách phát triển thương hiệu, là tài sản vô hình của mỗi doanh nghiệp, cũng như góp phần đẩy lùi tiêu cực.

Sáng 6/8, Ban Tổ chức Cuộc vận động xây dựng và phát triển Văn hóa doanh nghiệp phối hợp UBND TP Hà Nội; Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa TP Hà Nội và Hiệp hội phát triển văn hóa doanh nghiệp Việt Nam tổ chức Hội nghị triển khai Cuộc vận động xây dựng văn hóa doanh nghiệp Việt Nam tại 9 tỉnh Đồng bằng sông Hồng gồm: Hà Nội, Thái Bình, Hưng Yên, Hải Dương, Nam Định, Hà Nam, Ninh Bình, Bắc Ninh, Hải Phòng.

Năm 2016, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1846/QĐ-TTg lấy ngày 10-11 hàng năm là Ngày Văn hóa doanh nghiệp Việt Nam và giao cho Hiệp hội Phát triển Văn hóa doanh nghiệp Việt Nam chủ trì tổ chức triển khai Cuộc vận động xây dựng Văn hóa doanh nghiệp Việt Nam trong cộng đồng doanh nghiệp và toàn xã hội. Thông tin tại hội nghị cho thấy, triển khai Cuộc vận động “Xây dựng văn hóa doanh nghiệp Việt Nam” là thực hiện cho tốt những nội dung chính mà Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã phát động. Đó là nâng cao nhận thức về vai trò của văn hóa doanh nghiệp trong cộng đồng doanh nghiệp và từng doanh nghiệp; Coi phát triển văn hóa doanh nghiệp là yêu cầu cơ bản và cấp bách để phát triển bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp; Từng doanh nhân và mỗi doanh nghiệp kiên quyết nói không với hành vi vi phạm pháp luật và đạo đức kinh doanh, gây tổn hại cho xã hội. Đặc biệt, xây dựng văn hóa doanh nghiệp là làm lành mạnh hóa môi trường kinh doanh với tinh thần thượng tôn pháp luật, đảm bảo công khai, minh bạch, cạnh tranh lành mạnh và liêm chính trong kinh doanh, tuân thủ các chuẩn mực kinh doanh quốc tế, khuyến khích tinh thần khởi nghiệp lao động sáng tạo…

leftcenterrightdel
 Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn phát biểu tại hội nghị. (Ảnh: K.D)

Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn nhấn mạnh, trong những tháng cuối năm 2019 và giai đoạn tiếp theo, TP Hà Nội sẽ tiếp tục nâng cao chất lượng chỉ tiêu về danh hiệu văn hóa. Văn hóa doanh nghiệp là hệ thống các giá trị, ý nghĩa, niềm tin chủ đạo, nhận thức và phương pháp tư duy của cá nhân trong tổ chức. "Việc tổ chức Hội nghị này là hết sức có ý nghĩa, góp phần vào sự phát triển văn hóa nói chung của cả nước và của 9 tỉnh đồng bằng sông Hồng nói riêng" - Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn nhận xét.

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội mong muốn nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của các tỉnh, thành phố và các doanh nghiệp để tạo sức lan tỏa cuộc vận động xây dựng văn hóa doanh nghiệp Việt Nam ngày càng sâu rộng, góp phần tạo lập môi trường kinh doanh, đề cao đạo đức kinh doanh, trách nhiệm với xã hội và cạnh tranh lành mạnh, đóng góp cho sự phát triển bền vững đất nước và hội nhập quốc tế.

Ông Hồ Anh Tuấn, nguyên Thứ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, Trưởng ban tổ chức Cuộc vận động xây dựng và phát triển Văn hóa doanh nghiệp cũng cho rằng, trong bối cảnh nền kinh tế thị trường và xu hướng toàn cầu hóa, văn hóa doanh nghiệp không chỉ là hình ảnh doanh nghiệp, mà còn là hình ảnh quốc gia; là chiếc cầu nối hữu hiệu nhất để hòa nhập, hội nhập khu vực và thế giới. “Vai trò văn hóa doanh nghiệp đã và đang ngày càng khẳng định được tầm quan trọng đối với sự phát triển của doanh nghiệp. Điều đó càng khẳng định chủ trương của Chính phủ về xây dựng văn hóa doanh nghiệp là hết sức đúng đắn, đảm bảo cho việc sản xuất, kinh doanh. Phát triển văn hóa doanh nghiệp vừa là động lực, vừa là mục tiêu của phát triển bền vững” - ông Hồ Anh Tuấn nhấn mạnh.

leftcenterrightdel
 Hội nghị triển khai xây dựng văn hóa doanh nghiệp tại 9 tỉnh Đồng bằng sông Hồng (Ảnh: K.D)

Đồng quan điểm, Phó chủ tịch, Tổng Thư ký Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa (Hanoisme) Mạc Quốc Anh chia sẻ, văn hóa doanh nghiệp chính là “phần hồn của doanh nghiệp”, sẽ quyết định đến sự thành bại về lâu dài của doanh nghiệp. Việc xây dựng và phát triển văn hóa doanh nghiệp phù hợp sẽ giúp định hướng, đồng bộ hành vi của tất cả nhân viên, hướng mọi thành viên tới mục tiêu chung của tổ chức, nâng cao năng suất làm việc, gắn kết và tạo động lực cho nhân viên, là nam châm thu hút nhân tài, cũng như tạo dựng cho doanh nghiệp một lợi thế cạnh tranh bền vững.

Nhiều ý kiến tham luận tại hội nghị cũng cho rằng, văn hóa doanh nghiệp được xây dựng từ người lãnh đạo đến nhân viên nhằm tạo ra sản phẩm, dịch vụ hướng đến cộng đồng, vừa có doanh thu, lợi nhuận vừa thể hiện trách nhiệm xã hội. Văn hóa doanh nghiệp là các vấn đề rất cụ thể, đan xen trong mọi hoạt động, quyết định của doanh nghiệp. Văn hóa doanh nghiệp biểu hiện từ phong cách quản trị điều hành, đánh giá kết quả công việc, khen thưởng, bổ nhiệm, từ chức, cách thức bồi dưỡng, đào tạo nhân viên, phương thức triển khai hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, thực hiện trách nhiệm xã hội và đạo đức kinh doanh… Tất cả các vấn đề trên đều xuất phát từ nền tảng căn bản là con người. Trong đó, nhấn mạnh tới vai trò quan trọng của người sáng lập, lãnh đạo doanh nghiệp, bởi đây là hạt nhân xây dựng và lan tỏa văn hóa của doanh nghiệp xuống cán bộ, công nhân viên toàn đơn vị./.

Theo Kim Dung/Dangcongsan.vn

 

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra