Xóa bỏ “văn hóa không nhúc nhích” thời điểm này không dễ

Thứ sáu, 24/05/2019 08:27
Yêu cầu của Thủ tướng cần phải được hiện thực bằng một chủ trương và phải có kế hoạch cụ thể, thực sự chi tiết, đồng bộ, rốt ráo.
Đề nghị của Thủ tướng yêu cầu bộ máy Nhà nước cần xóa bỏ “văn hóa không nhúc nhích” để “nước đến chân mới nhảy”, chậm trễ trong xử lý nhiệm vụ được dư luận đánh giá là cực kỳ cần thiết và quan trọng, cùng với mục tiêu xây dựng một chính phủ kiến tạo.


Nêu quan điểm về đề nghị này của Thủ tướng, PGS.TS Lê Quý Đức (nguyên Phó Viện trưởng Viện Văn hóa và Phát triển, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) cho biết, ông hoàn toàn ủng hộ yêu cầu của Thủ tướng, cần phải xóa bỏ những yếu tố lạc hậu, trì trệ, không phù hợp với nền hành chính quốc gia hiện nay, để nhằm tới mục tiêu đổi mới, mang lại lợi ích cho đất nước, cho nhân dân.

Bộ máy quá lớn, cồng kềnh sẽ khiến cho công việc trì trệ

Theo ông Đức, đề nghị, yêu cầu của Thủ tướng là rất đúng, rất thiện tâm, tuy nhiên để đạt được còn rất nhiều khó khăn. Thực tế cho thấy, không phải bây giờ chúng ta mới đặt ra yêu cầu đổi mới, xóa bỏ sự trì trệ. Chúng ta đổi mới nền kinh tế xã hội từ năm 1986, như vậy chúng ta cũng đã phải đổi mới bộ máy công chức, đổi mới lề lối làm việc từ cách đây hơn 30 năm, nhưng sự đổi mới về bộ máy, về lề lối làm việc rõ ràng vẫn chậm.

Nêu ra thực trạng hiện nay và cho rằng đó chính là chiều sâu của vấn đề, ông Đức cho rằng, ở một số cơ quan nhà nước, một số cá nhân dường như không muốn làm việc là bởi họ sợ làm sai, sợ bị xử lý. Thứ nữa, có lẽ do không kiếm được nhiều so với thời họ hăng hái chạy dự án, chạy công trình trước đây, trong khi công cuộc chống tham nhũng đang được đẩy mạnh, nên nếu làm sai anh sẽ bị truy tố, bị đưa ra pháp luật, còn nếu cứ làm thì cũng chẳng được gì nên họ giữ an toàn, để mặc “nước chảy bèo trôi”.

Một thực tế nữa theo ông Đức, đó là số lượng cán bộ, công chức trong bộ máy quá lớn, quá cồng kềnh, sẽ khiến cho công việc càng trở nên trì trệ, người nọ đùn đẩy người kia. Trì trệ vì lương thấp, lương cán bộ không đủ sống, mà lại không có cách xoay sở nào, nên họ chỉ làm cầm chừng, được đến đâu hay đến đó. Bên cạnh đó, tâm lý đã ăn sâu vào người Việt đó là không đi đâu mà vội, tác phong làm việc thì tùy tiện, do ảnh hưởng từ nền sản xuất nông nghiệp truyền thống, dẫn tới bộ máy hành chính chậm chạp, trì trệ. 

Cùng với yêu cầu bộ máy nhà nước cần xóa bỏ “văn hóa không nhúc nhích”, Thủ tướng đề nghị thực hiện phong trào, thành chiến lược xây dựng văn hóa công sở dựa trên 3 trụ cột: Xây dựng hệ giá trị chuẩn mực cho văn hóa công sở; Kiến tạo môi trường làm việc có văn hóa; Hình thành hình ảnh tác phong, cốt cách của người cán bộ công chức chuyên nghiệp, tận tâm, mẫu mực.

Không thể tồn tại một bộ máy cồng kềnh, đùn đẩy trách nhiệm cho nhau 

Ông Đức cho rằng, trong tình hình hiện tại, thực hiện việc này không hề dễ dàng, bởi những điều kiện cần và đủ để thực hiện những yêu cầu đó còn rất khó. Nền hành chính của ta đặt trong bối cảnh như đã nói trên, cùng với thực tế 5 năm một lần Đại hội, dẫn đến cán bộ có tâm lý chờ đợi. Một đại hội nhiệm kỳ 5 năm, năm đầu dành để sắp xếp bộ máy, năm sau, năm sau nữa mới làm việc, rồi lại chuẩn bị cho đại hội mới. Nên cấp trên muốn được lòng anh em, muốn được bỏ phiếu thì thúc giục cấp dưới ít thôi. Ngay cả trong công việc, họ cũng giữ tâm thế “án binh bất động”, làm việc cầm chừng không để xảy ra sơ xuất rồi anh em có ý kiến, báo chí vào cuộc, thì mất phiếu. 

Hay một việc cỏn con xảy ra ở nơi này nơi kia, báo chí đưa lên rồi Thủ tướng có ý kiến thì địa phương, đơn vị mới thực hiện. Việc gì Thủ tướng cũng phải đụng vào trong khi nhiệm vụ của Thủ tướng là người làm chiến lược. Hay trước đây, thời Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, cán bộ trì trệ để thối kho tỏi ở Hải Phòng, Tổng Bí thư cũng phải động vào. “Tổng Bí thư mà đi bắn súng tiểu liên thì làm sao gọi là nhà chiến lược được”, ông Đức nêu quan điểm. 

“Những yêu cầu Thủ tướng đặt ra theo tôi là hoàn toàn đúng nhưng vẫn mang tính hô hào, lý tưởng hóa bởi các yếu tố chủ quan, khách quan của kinh tế, chính trị, xã hội vẫn chưa tạo được điều kiện để có được một nền hành chính hiện đại, văn minh, tiến bộ, tích cực. Nói như vậy không có nghĩa là không làm được, nhưng sẽ phải mất rất nhiều thời gian, chứ không thể làm ngay được”.

Theo nguyên Phó Viện trưởng Viện Văn hóa và Phát triển, muốn có được nền hành chính như mục tiêu của Thủ tướng, đi liền với cải cách nền hành chính hiện nay, cần nghiên cứu kỹ lưỡng bộ máy, biên chế, không thể đề tồn tại một bộ máy quá cồng kềnh, hưởng lương từ ngân sách Nhà nước, đùn đẩy trách nhiệm cho nhau, nhưng thành tích thì vơ vào. 

“Nói như vậy không phải để phủ nhận họ, nhưng theo tôi bộ máy ấy cần phải được thanh lọc, đơn giản hóa, có vậy mới tăng được hiệu quả”, ông Đức nhấn mạnh, đồng thời cho rằng, để thực hiện được yêu cầu xóa bỏ “văn hóa không nhúc nhích”, nếu không quyết tâm cải biến xã hội một cách tích cực về mọi phương diện, chúng ta sẽ chẳng thể giải quyết được gì”. Yêu cầu của Thủ tướng cần phải được hiện thực bằng một chủ trương và phải có kế hoạch cụ thể, thực sự chi tiết, đồng bộ, rốt ráo, có vậy điều mà Thủ tướng mơ ước, hướng tới mới có thể thực hiện được./.


Theo VOV

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra