Các yếu tố tác động đến hiệu quả công tác truyền thông chính sách, phổ biến, giáo dục pháp luật tại Vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi

Thứ hai, 06/11/2023 09:59
(ThanhtraVietNam) - Vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi vùng (DTTS&MN) đã được quy định tại Nghị định 05/2011/NĐ-CP của Chính phủ về công tác dân tộc: “Vùng dân tộc thiểu số là địa bàn có đông các dân tộc thiểu số cùng sinh sống ổn định thành cộng đồng trên lãnh thổ nước CHXHCN Việt Nam”, là địa bàn các xã, thôn có tỷ lệ hộ dân tộc thiểu số từ 15% số hộ trở lên. Do đó, công tác truyền thông chính sách, phổ biến, giáo dục pháp luật (TTCS, PBGDPL) cho đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi có vai trò quan trọng, nhiều chuyên gia đề nghị cần nâng cao chất lượng; lựa chọn hình thức thiết thực, hiệu quả, đúng đối tượng.

Thứ nhất, yếu tố về mức độ hoàn thiện hệ thống pháp luật. Sự hoàn thiện của hệ thống pháp luật nói chung trong đó có pháp luật về TTCS, PBGDPL là điều kiện thuận lợi để xây dựng nội dung TTCS, PBGDPL phù hợp cho từng nhóm đối tượng tại Vùng đồng bào DTTS&MN. Nếu hệ thống pháp luật còn nhiều bất cập, lạc hậu, chưa theo kịp cuộc sống thì sẽ có ảnh hưởng hạn chế đến công tác TTCS, PBGDPL cho các đối tượng cả về chủ thể, nội dung, hình thức TTCS, PBGDPL và ngược lại. Chính vì thế hệ thống pháp luật trong đó pháp luật về TTCS, PBGDPL thường xuyên được sửa đổi, bổ sung, cập nhật kịp thời đề từ đó gia tăng nhận thức, hiểu biết, tình cảm và ý thức pháp luật của người dân. Công tác TTCS, PBGDPL là khâu quan trọng của quá trình thi hành pháp luật và có vai trò hết sức quan trọng trong việc tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân.

leftcenterrightdel
Ảnh minh hoạ. Nguồn: Ban Dân tộc tỉnh Bắc Kạn 

Xuất phát từ vai trò, ý nghĩa quan trọng của công tác TTCS, PBGDPL, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm đến công tác này, đặc biệt là TTCS, PBGDPL cho các đối tượng đặc thù, trong đó DTTS&MN là nhóm đối tượng quan trọng. Điều này được khẳng định trong Hiến pháp 2013; cụ thể hoá trong Nghị định số 5/2011/NĐ-CP của Chính phủ về Công tác dân tộc quy định tại Điều 18 về chính sách phổ biến, giáo dục pháp luật và trợ giúp pháp lý, trong đó quy định rõ: “1. Đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn được hưởng các dịch vụ trợ giúp pháp lý miễn phí theo quy định của pháp luật; 2. Chính quyền các cấp có trách nhiệm xây dựng, thực hiện các chương trình, đề án phổ biến, giáo dục pháp luật, trợ giúp pháp lý phù hợp với từng đối tượng và địa bàn vùng DTTS; 3. Sử dụng có hiệu quả các phương tiện thông tin đại chúng, đa dạng hóa các hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật phù hợp với phong tục, tập quán của đồng bào dân tộc thiểu số”. Để pháp luật đi vào cuộc sống, đưa pháp luật đến với người dân, phát huy hiệu lực thực tế, thông qua đó nâng cao ý thức pháp luật của người dân thì yêu cầu về chất lượng và tính khả thi của các văn bản quy phạm pháp luật đóng vai trò rất quan trọng vì đây là hoạt động tác động trực tiếp vào quá trình thực hiện pháp luật trong cuộc sống thông qua đó tác động chính ý thức, hành vi của các chủ thể.

leftcenterrightdel
Phụ nữ bản Khe Nghè, xã Lục Sơn duy trì nghề dệt thổ cẩm. Ảnh: Báo Bắc Giang 

Thứ hai, mức độ xã hội hoá của hoạt động TTCS, PBGDPL cho đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi. Trong giai đoạn hiện nay, khi mà các nguồn lực của Nhà nước cả nhân lực, vật lực còn hạn chế thì sự thu hút sự tham gia của xã hội vào hoạt động này sẽ gia tăng hiệu quả hoạt động phố biến giáo dục pháp luật. Tất nhiên cùng với mức độ ngày càng cao của xã hội hoá thì càng đòi hỏi sự gia tăng kiểm soát của Nhà nước về chất lượng cung cấp dịch vụ PBGDPL. Việc triển khai Quyết định số 1163/QĐ-CP ngày 08/8/2017 của Thủ tướng Chính phủ về “Đẩy mạnh công tác phổ biến, giáo dục pháp luật vận động đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2017-2021” đã được các ngành, địa phương, đơn vị thực hiện tương đối nghiêm túc, có hiệu quả; đã phát huy tốt vai trò là Cơ quan Thường trực của Hội đồng phối hợp PBGDPL trong việc hướng dẫn các đơn vị, địa phương thực hiện công tác PBGDPL, trong đó có tuyên truyền cho đồng bào DTTS&MN.  Nhiều ngành, nhiều địa phương đã chủ động, sáng tạo, đa dạng hoá xã hội nguồn PBGDPL. Theo thống kê của Bộ Tư pháp, kinh phí xã hội hóa dành cho công tác PBGDPL trong cả nước qua 03 năm 2020 đến năm 2022 như sau: Tổng số kinh phí dành cho công tác PBGDPL trên cả nước năm 2020 là trên 633 tỷ đồng, trong đó kinh phí từ nguồn xã hội hóa hơn 24 tỷ đồng (chiếm 3,7% tổng kinh phí PBGDPL); năm 2021 là  khoảng 575 tỷ đồng, trong đó kinh phí từ nguồn xã hội hóa gần 26 tỷ đồng (chiếm 4,3% tổng kinh phí PBGDPL); năm 2022 là hơn 664 tỷ đồng, trong đó kinh phí từ nguồn xã hội hóa khoảng 43 tỷ đồng (chiếm 6,4% tổng kinh phí PBGDPL)[1].  Do đó, xã hội hóa huy động sức dân từ những nguồn lực sẵn có, tận dụng nó để quay lại phục vụ nhân dân tốt hơn. Nguồn lực ấy không cứ phải là kinh phí, mà có thể là công sức, trí tuệ, sự tham gia tích cực... một cách tự nguyện của nhân dân. Tuy nhiên, cũng tránh trường hợp việc xã hội hóa biến thành "giao chỉ tiêu" về kinh phí đóng góp, trở thành áp lực với người dân, cộng đồng tham gia. Xã hội hóa là hướng đi tất yếu trong việc tổ chức hoạt động TTCS, PBGDPL cho đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, qua đó giảm chi phí tổ chức, lôi cuốn tính chủ động nhập cuộc của đông đảo các tầng lớp nhân dân.

Thứ ba, sự thành công của bất kỳ một hoạt động nào dù nhỏ hay lớn cũng phải trên cơ sở sự đồng thuận và quyết tâm của cả hệ thống chính trị; điều này được nêu rõ trong Kết luận số 80-KL/TW ngày 20/6/2020 của Ban Bí thư, Quyết định số 1521/QĐ-TTg ngày 06/10/2020 của Thủ tướng Chính phủ về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, Nhân dân. Yếu tố chú trọng phát huy vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền các cấp trong lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện công tác TTCS, PBGDPL nói chung và TTCS, PBGDPL cho đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi nói riêng sẽ lan toả về mặt nhận thức đối với toàn thể xã hội, sẽ biểu hiện dưới những quyết định và hành vi quản lý cụ thể của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức các cấp. Các chuyên gia cũng cho rằng, cần nâng cao vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội (CTXH) trong TTCS, PBGDPL cho đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi. Các tổ chức chính trị-xã hội có vai trò quan trọng trong việc vận động người dân tham gia, là tổ chức gắn liền với việc đại diện và bảo vệ quyền lợi, họp pháp, chính đáng của người dân, thúc đẩy sự tham gia của người dân trong quá trình xây dựng chính sách. Bên cạnh đó, các tổ chức CTXH đại diện và bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân, tăng cường sự đồng thuận xã hội. Vì vậy, tiếng nói của các tổ chức CTXH mang tính đại diện, thúc đẩy quyền lợi chính sách cho người dân.

Thứ tư, yếu tố kinh tế, tài chính, cơ sở vật chất: Đây cũng là nhân tố quan trọng ảnh hưởng đến hiệu quả TTCS, PBGDPL cho đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi. Bởi lẽ, tất cả các hoạt động TTCS, PBGDPL cho đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi để có thể triển khai được trên cơ sở chi phí về tài chính, cơ sở vật chất đây đủ. Đặc biệt với đặc thù khu vực biên giới, vị trí địa lý xa, khó khăn trong việc giao thông đi lại; phương tiện truyền thông công nghệ lạc hậu. Chính vì thế TTCS, PBGDPL cho đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi thường chi phí cao hơn ở các khu vực đô thị và đồng bằng. Mặt khác, khu vực này việc kêu gọi tài trợ, thu hút đầu tư của xã hội khó khăn hơn, trong khi ngân sách nhà nước lại hạn hẹp. Vì thế đây cũng là yếu tố tác động đến hiệu quả TTCS, PBGDPL cho đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi. Chính vì vậy, Bộ Tư pháp triển khai Thông tư số 56/2023/TT-BTC của Bộ Tài chính quy định việc lập dự toán, quản lý, sử dụng, quyết toán kinh phí bảo đảm cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL), chuẩn tiếp cận pháp luật và hòa giải ở cơ sở. Về nội dung chi, mức chi, bên cạnh việc kế thừa những nội dung chi, mức chi còn phù hợp, Thông tư 56/2023/TT-BTC đã sửa đổi, bổ sung những nội dung chi, mức chi để phù hợp và đáp ứng yêu cầu triển khai các công tác này trong tình hình mới.

Thứ năm, yếu tố thuộc về phẩm chất, năng lực của chủ thể hoạt động TTCS, PBGDPL cho đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi. Con người là nhân tố quan trọng, quyết định đến thành công của mọi việc. “Cán bộ là nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng, gắn liền với vận mệnh của Đảng, của đất nước và chế độ, là khâu then chốt trong công tác xây dựng Đảng”[2]. Do đó, về số lượng và chất lượng cán bộ tư pháp địa phương cũng là vấn đề thực sự có ý nghĩa tác động đến chất lượng hoạt động TTCS, PBGDPL cho đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi trong thời gian tới. Qua một vài con số thống kê của các địa phương cho thấy, trình độ văn hoá nói chung và trình độ về luật học nói riêng của cán bộ tư pháp còn rất nhiều hạn chế. Chính vì thế nếu các chủ thể hoạt động TTCS, PBGDPL cho đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi có trình độ, năng lực, phẩm chất, kỹ năng nghề nghiệp am hiểu kiến thức pháp lý chung cũng như phong tục tập quán, ngôn ngữ của đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi tốt thì sẽ lựa chọn những nội dung, hình thức phù hợp với các đối tượng; từ đó đổi mới nâng cao hiệu quả công tác này và ngược lại./.



[1] Bộ Tư pháp (2022), Báo cáo số 45/BC-BTP về tổng kết thực hiện Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật, Hà Nội

[2] Nghị quyết số 03-NQ/TW, ngày 18/6/1997 của Hội nghị lần thứ 3 Ban Chấp hành Trung ương (khóa VIII) về Chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

TS. Trần Văn Duy - Bộ Tư pháp
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra