Trong đó có nhiệm vụ trọng tâm là giải quyết các thủ tục hành chính (TTHC) nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân, doanh nghiệp và các nhà đầu tư thực hiện các TTHC. UBND tỉnh Vĩnh Phúc đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền về công tác cải cách, kiểm soát TTHC, cơ chế một cửa, một cửa liên thông.
Tỉnh Vĩnh Phúc trong những năm gần đây đã vươn lên khẳng định vị thế top đầu so với các tỉnh, thành phố của cả nước về thu hút đầu tư, tăng trưởng kinh thế, thu ngân sách... Đặc biệt, Vĩnh Phúc được đánh giá có những đột phá trong CCHC, tinh gọn hiệu quả bộ máy, thể hiện sự mạnh dạn, quyết tâm, thống nhất trên phạm vi toàn tỉnh.
Với sự vào cuộc tích cực của các cấp, các ngành cùng việc ưu tiên đầu tư cơ sở vật chất, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành. Vĩnh Phúc đang nỗ lực triển khai đồng bộ các giải pháp xây dựng nền hành chính hiện đại, thông thoáng.
Vĩnh Phúc đẩy mạnh cải cách hành chính
Công tác chỉ đạo, điều hành các nội dung về CCHC; thẩm định và công bố Chỉ số đánh giá CCHC đối với các cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh, các Sở, ban, ngành, UBND cấp huyện, UBND cấp xã đã tạo một bước chuyển mới trong công tác CCHC của các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh.
Điểm nổi bật của Vĩnh Phúc trong công tác cải cách thủ tục hành chính về lĩnh vực thi đua khen thưởng. Theo quy định của Bộ Nội vụ thì thủ tục cấp tỉnh là 25 ngày, cấp huyện xã là 20 ngày làm việc, Vĩnh Phúc đã quy định 9 thủ tục cấp tỉnh chỉ còn 12 ngày (giảm 13 ngày), 8 thủ tục cấp huyện và 5 thủ tục cấp xã đều giảm 8 ngày; Thủ tục cấp giấy chứng nhận đầu tư, thời gian theo quy định của Trung ương là 15 ngày, Vĩnh Phúc còn 11 ngày; Thủ tục thẩm tra cấp giấy chứng nhận đầu tư theo Trung ương quy định là 40 ngày, Vĩnh Phúc còn 36 ngày,.
Công chức "một cửa" Thị trấn Thanh Lãng (Bình Xuyên) hướng dẫn người dân đến giao dịch
Một trong những giải pháp quan trọng được tỉnh chú trọng triển khai là thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trên cả 3 cấp, (20/20 sở, ngành; 9/9 UBND huyện, thành phố và 137/137 xã, phường, thị trấn). Hiện nay, Vĩnh Phúc đã triển khai xong 42 TTHC trực tuyến mức độ 3, mức độ 4, năm 2019, tỉnh Vĩnh Phúc tiếp tục triển khai 446 TTHC trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 trên địa bàn tỉnh theo chỉ đạo của Chính phủ. Phần mềm Trung tâm hành chính công, Phần mềm dùng chung cho Bộ phận một cửa các cấp được áp dụng trong giải quyết TTHC tại 168 cơ quan, đơn vị với với hơn 18.856 quy trình giải quyết khác nhau phù hợp với đặc điểm, tính chất của từng cơ quan, đơn vị. Kết quả việc giải quyết TTHC 6 tháng đầu năm 2019 của các cơ quan đơn vị cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã đạt trên 95% đúng hạn và trước hạn.
Cán bộ văn phòng đăng ký đất đai thành phố Phúc Yên hướng dẫn người dân nộp hồ sơ theo đúng quy định
“Vĩnh Phúc là tỉnh đầu tiên triển khai được phần mềm đồng bộ tại các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện, UBND cấp xã, bảo đảm liên thông theo "chiều ngang", "chiều dọc", giữa các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh thuận tiện trong phối hợp giải quyết các TTHC.
Được sự quan, tâm chỉ đạo kịp thời của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh và Bộ Nội vụ đến nay, công tác CCHC của tỉnh Vĩnh Phúc luôn bám sát mục đích, yêu cầu, nội dung theo quy định của Trung ương. Công tác CCHC đã đi vào nề nếp; cơ chế một cửa, một cửa liên thông được tiếp nhận và trả hồ sơ tại Trung tâm Hành chính công tỉnh, huyện theo hướng hiện đại hóa, chuyên môn hóa; Trên nền tảng công nghệ mới, hiện đại, tích hợp cổng thanh toán, chữ ký số trên Cổng thông tin điện tử tỉnh, các dịch vụ công trực tuyến đã giúp cho người dân và doanh nghiệp đến giao dịch về TTHC với các cơ quan hành chính Nhà nước bảo đảm minh bạch, nhanh chóng, thuận tiện, chính xác, tiết kiệm được nhiều thời gian, công sức và kinh phí. Từ đó góp phần nâng cao chỉ số CCHC và xây dựng chính quyền điện tử của tỉnh, từng bước cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.
Để xây dựng nền hành chính hiện đại, văn minh, tỉnh đã xây dựng và triển khai đồng bộ 4 ứng dụng dùng chung quan trọng gồm: Phần mềm quản lý văn bản và điều hành, hệ thống thư điện tử công vụ, cổng thông tin điện tử và phần mềm ứng dụng tại bộ phận một cửa. Toàn tỉnh hiện có 34 đơn vị, địa phương triển khai phần mềm quản lý văn bản và điều hành.
Công tác Thanh tra, kiểm tra công tác ngành Nội vụ tiếp tục có trọng tâm, trọng điểm, tăng cường kiểm tra trách nhiệm thực thi công vụ tại các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh, kịp thời chấn chỉnh, siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, nâng cao ý thức trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị; thái độ phục vụ nhân dân của cán bộ, công chức, viên chức trong thực hiện nhiệm vụ, xây dựng nền hành chính chuyên nghiệp, hiện đại. Bên cạnh đó, Vĩnh Phúc là một trong những tỉnh đi tiên phong và sáng tạo trong công tác sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy và tinh giản biên chế từ cấp tỉnh đến cấp cơ sở.
Kết quả đạt được CCHC tỉnh Vĩnh Phúc
Từ những nỗ lực trên, tỉnh Vĩnh Phúc đã có những chuyển biến tích cực về vị trí xếp hạng: Chỉ số CCHC năm 2018 của tỉnh được tổng điểm là 79,05/100điểm, xếp vị trí thứ 14/63 tỉnh, thành phố, tăng 06 bậc so với năm 2017. Điểm Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước của tỉnh được 10,64 điểm, đạt 88,20%, xếp thứ 13/63 tỉnh, thành phố. Năm 2018, Chỉ số CCHC của tỉnh đã đạt mục tiêu đề ra, nằm trong tốp 15 tỉnh, thành phố có chỉ số cao nhất cả nước.
Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh năm 2018, tỉnh Vĩnh Phúc đạt 45,07 điểm là tỉnh được xếp vào Nhóm có số điểm cao nhất và xếp thứ 16/63 tỉnh, thành phố, tăng 22 bậc so với năm 2017 (Năm 2017 xếp thứ 38/63 tỉnh, thành phố);
Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh do Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam đánh giá, Vĩnh Phúc luôn đứng trong tốp đầu của cả nước (năm 2018 Vĩnh Phúc đứng thứ 13/63 tỉnh, thành phố về chỉ số PCI năm 2018.
Giải pháp, tầm nhìn, chiến lược trong năm tiếp theo
Để tiếp tục phát huy những kết quả đạt được - Trong thời gian tới, tỉnh Vĩnh Phúc tiếp tục triển khai thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ CCHC theo kế hoạch CCHC giai đoạn 2016 - 2020 của tỉnh mà trọng tâm là cải cách TTHC; tổ chức có hiệu quả Bộ phận một cửa các cấp; thực hiện tốt cải cách chế độ công vụ, công chức; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, đặc biệt là trong giải quyết TTHC; Tiếp tục mở rộng cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 trên địa bàn tỉnh; Phối hợp với các cơ quan, đơn vị tiến hành thanh tra, kiểm tra công tác CCHC và tình hình tổ chức, hoạt động của các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã theo quy định; Nâng cao tinh thần, thái độ, trách nhiệm của đội ngũ CB, CCVC, đặc biệt đối với đội ngũ CB, CCVC làm việc tại Bộ phận một cửa và Trung tâm Hành chính công; tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính của đội ngũ CB, CCVC và trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị nhằm góp phần nâng cao Chỉ số CCHC và Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh trong những năm tới.
Với cách làm quyết liệt, quyết tâm cao hy vọng tỉnh Vĩnh Phúc sẽ trở thành địa phương tiếp tục là điển hình trong CCHC, có bộ máy hoạt động tinh gọn và hiệu quả, phù hợp với tình hình thực tế của tỉnh và đất nước trong xu thế hội nhập quốc tế./.
Kim Dung