Cần kiểm soát hoạt động mua, bán sữa mẹ trái phép
Thứ hai, 04/11/2024 21:07 (GMT+7)
(ThanhtraVietNam) - Trước thực trạng sữa mẹ được rao bán công khai một cách trá hình dưới hình thức cho, tặng và trao đổi sữa mẹ trên các nhóm mạng xã hội, theo Đại biểu Nguyễn Tri Thức - Đoàn ĐBQH TP. Hồ Chí Minh, cần kiểm soát hoạt động mua, bán sữa mẹ trái phép.
Quốc hội thảo luận phiên toàn thể về tình hình kinh tế - xã hội chiều ngày 4/11 với nhiều nội dung đáng chú ý.
Trong đó, phản ánh về vấn đề còn nhiều bất cập trong thực tiễn hàng ngày đó là hoạt động của các ngân hàng sữa mẹ và nguồn sữa mẹ hiến tặng, Đại biểu Nguyễn Tri Thức - Đoàn ĐBQH TP. Hồ Chí Minh cho rằng, sự công nhận ngày càng tăng về lợi ích của sữa mẹ hiến tặng đã dẫn đến sự quan tâm, tạo ra và duy trì các ngân hàng sữa mẹ để đáp ứng nhu cầu về sữa mẹ hiến tặng.
|
|
Đại biểu Nguyễn Trí Thức - Đoàn ĐBQH TP. Hồ Chí Minh nêu vấn đề về kiểm soát hoạt động mua bán sữa mẹ. (Ảnh: Quochoi.vn) |
Việt Nam hiện có 4 ngân hàng sữa mẹ hoạt động đúng tiêu chuẩn, với quy trình vận hành ngân hàng sữa mẹ nghiêm ngặt. Tuy nhiên, có các hội nhóm thiện nguyện có hoạt động thu gom sữa mẹ để chuyển đến các mái nhà mở cho trẻ em mồ côi – đây là hoạt động tốt, xuất phát từ tấm lòng. Nhưng các quy trình thu gom, vận chuyển, xử lý còn nhiều vấn đề cần phải bàn.
Đại biểu nêu thực trạng, sữa mẹ được rao bán công khai một cách trá hình dưới hình thức cho, tặng và trao đổi sữa mẹ trên các nhóm mạng xã hội; các nhóm này hoạt động tự phát nên chất lượng sữa mẹ không được đảm bảo. Bảo quản sữa mẹ không đúng cách đưa đến trẻ sơ sinh sử dụng sẽ bị ngộ độc, viêm ruột, nhiễm khuẩn huyết, thậm chí tử vong; trẻ có thể bị lây truyền các bệnh lý qua sữa mẹ… Do vậy, đại biểu đề nghị Chính phủ quan tâm quản lý các trang thông tin trên mạng xã hội, các phương tiện truyền thông để kiểm soát các hoạt động mua bán sữa mẹ trái phép và cần có các chính sách để vận động hiến tặng sữa mẹ giống chính sách vận động hiến máu tình nguyện.
Cùng với đó là vấn đề phân phối sữa mẹ đến trẻ sơ sinh chưa hợp lý và sự quan tâm của Bộ Y tế đến ngân hàng sữa mẹ cũng chưa đúng mức. Bảo hiểm y tế chưa thanh toán cho các nguồn sữa mẹ hiến tặng từ các ngân hàng sữa mẹ. Đại biểu đề nghị Bảo hiểm y tế thanh toán sữa mẹ từ các ngân hàng sữa mẹ cho các trường hợp trẻ sơ sinh bệnh lý, trẻ sinh non viêm phổi, hoặc các trường hợp đặc biệt mà mẹ phải cách ly với con đang nằm điều trị hồi sức tích cực hoặc phải điều trị ở chuyên khoa khác bệnh viện khác, mà không thể cho con bú. Bảo hiểm y tế thanh toán sữa mẹ cho tất cả các bé sau sinh trong vòng 3 ngày đầu nếu có nhu cầu, vì thời gian này mẹ chưa lên sữa, nên có nhiều trường hợp không đủ sữa phải dùng sữa công thức…
T.A