Chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả "không vùng cấm"

Thứ năm, 22/06/2023 14:51
(ThanhtraVietNam) - Ban Chỉ đạo 389 quốc gia đã chỉ đạo, đôn đốc, theo dõi việc thực hiện nhiệm vụ của các bộ, ngành, địa phương và cơ quan liên quan trong đẩy mạnh công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong suốt thời gian qua cũng như trong tình hình mới với nhiều giải pháp đồng bộ. Quan điểm và tinh thần quyết liệt được nhấn mạnh: “Không có vùng cấm, không có ngoại lệ trong đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả”.

Vi phạm về hàng giả, hàng kém chất lượng giảm nhưng vẫn còn tồn tại

Theo Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, công tác buôn lậu, sản xuất kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng xâm phạm sở hữu đối với nhóm mặt hàng dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩn chức năng và thuốc y học cổ truyền đã có những chuyển biến rất rõ ràng qua các năm từ khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 17/CT-TTg thể hiện qua sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của cấp ủy, chính quyền các cấp từ  Trung ương xuống địa phương; sự vào cuộc của lực lượng chức năng; sự đồng thuận, ủng hộ cao của người tiêu dùng đối với hàng giả, hàng kém chất lượng. Nhận thức trong cộng đồng doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân kinh doanh hợp pháp về bảo vệ thương hiệu và trách nhiệm đấu tranh phòng chống hàng giả, hàng kém chất lượng đối với nhóm mặt hàng này có những thay đổi tích cực so với trước đây.

Chuyển biến còn được thể hiện qua kết quả chủ động rà soát, sửa đổi bổ sung ngày càng hoàn thiện chính sách pháp luật của các bộ, ngành, địa phương đối với số vụ việc vi phạm được phát hiện, xử lý đều giảm rõ năm sau thấp hơn năm trước, đặc biệt không còn tình trạng bày bán công khai mỹ phẩm, thực phẩm chức năng là hàng giả, hàng kém chất lượng trong các khu chợ, các tuyến phố, cửa hàng xách tay như trước; hoạt động buôn bán hàng giả hàng kém chất lượng, hàng hóa bất hợp pháp trên không gian mạng từng bước được kiểm soát, xử lý hiệu quả.

Tuy vậy, việc chấp hành thông tin báo cáo của một số bộ, ngành, địa phương chưa nghiêm túc; công tác phối hợp giữa các ngành, lực lượng chức năng, các địa phương chưa thường xuyên, liên tục, đặc biệt trong chia sẻ trao đổi thông tin xử lý vi phạm... Đây là những tồn tại cùng với một số khó khăn, vướng mắc khác cần khắc phục trong thời gian tới.

Tăng cường quản lý thương mại điện tử,  xử lý vi phạm và chống thất thu thuế

Cũng liên quan đến hoạt động đấu tranh chống hàng giả, hàng kèm chất lượng đối với lĩnh vực thương mại điện tử (TMĐT), mới đây, cấp có thẩm quyền đã ban hành Chỉ thị về đẩy mạnh kết nối, chia sẻ dữ liệu phục vụ phát triển TMĐT, chống thất thu thuế, bảo đảm an ninh tiền tệ.

Theo đó, trong bối cảnh thị trường TMĐT phát triển nhanh chóng và bùng nổ, đã đặt ra những thách thức không nhỏ trong công tác quản lý đối với hoạt động kinh doanh TMĐT, quản lý thuế, bảo đảm nguyên tắc công bằng, quản lý rủi ro dựa trên nền tảng cơ sở dữ liệu lớn,... thích ứng với sự thay đổi của môi trường kinh doanh trên nền tảng số và đặc biệt là phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành để quản lý đầy đủ các chủ thể tham gia, kiểm soát các giao dịch thanh toán, xác thực thông tin của tổ chức, cá nhân kinh doanh, người nộp thuế. Việc tuân thủ các nguyên tắc này cũng góp phần bảo đảm môi trường kinh doanh bình đẳng, thân thiện, cùng phát triển và phát huy những giá trị to lớn mà lĩnh vực TMĐT mang lại cho từng cá nhân, doanh nghiệp và nền kinh tế Việt Nam, đóng góp tương xứng vào ngân sách nhà nước.

leftcenterrightdel
 Lực lượng chức năng kiểm tra hàng hóa. Ảnh: Bcd389

Để tăng cường hiệu lực, hiệu quả và tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số trong công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động TMĐT, hoạt động kinh doanh trên nền tảng số, kinh doanh xuyên biên giới, kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các bộ, ngành phục vụ phát triển TMĐT, chống thất thu thuế, bảo đảm an ninh tiền tệ, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu thực hiện các giải pháp đồng bộ với các bộ, ngành có liên quan. Trong đó, Bộ Tài chính cần chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành trong việc hoàn thiện việc sửa đổi chính sách, pháp luật thuế liên quan đến TMĐT, cắt giảm thủ tục hành chính, thu gọn đầu mối kê khai, tăng cường triển khai các giải pháp thu thuế tại nguồn, chống thất thu thuế, thực hiện nghiêm các chế tài xử lý vi phạm về thuế, hải quan. Chỉ đạo Tổng cục Thuế xây dựng cơ sở dữ liệu quản lý thuế đối với TMĐT, kinh doanh trên nền tảng số để áp dụng quản lý rủi ro trong quản lý thuế trên cơ sở dữ liệu lớn. Thời hạn hoàn thành chậm nhất trong năm 2023.

Đồng thời, chủ trì xây dựng kế hoạch chi tiết về việc kết nối, chia sẻ dữ liệu với Bộ Công Thương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các cơ quan liên quan để tăng cường công tác quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh TMĐT, hoạt động cung cấp sản phẩm, dịch vụ số xuyên biên giới; xây dựng quy chuẩn, tiêu chuẩn kết nối, chia sẻ dữ liệu. Thời hạn hoàn thành chậm nhất trong quý III năm 2023. Chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các cơ quan liên quan thực hiện chuẩn hóa, số hóa, kết nối, chia sẻ dữ liệu về TMĐT theo lộ trình cụ thể của từng bộ, ngành…

Không vùng cấm, không ngoại lệ trong chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả

Mới đây, theo chỉ đạo của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, Ban Chỉ đạo 389 các bộ, ngành, các cơ quan, đơn vị, lực lượng trung ương và Ban Chỉ đạo 389 các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ đạo các ngành, lực lượng chức năng, các đơn vị, địa phương các cấp quán triệt, tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Công điện số 426 và Quyết định số 172 trên địa bàn, lĩnh vực đơn vị mình phụ trách, quản lý. Đồng thời, tăng cường công tác nắm tình hình; phối hợp tổ chức triển khai lực lượng tuần tra, kiểm soát, kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm hành vi tập kết, buôn lậu, vận chuyển trái phép gia cầm, sản phẩm gia cầm từ nước ngoài qua biên giới, cửa khẩu, vùng biển vào Việt Nam và các hành vi giết mổ, kinh doanh, buôn bán, vận chuyển, tàng trữ trái phép gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập lậu, không rõ nguồn gốc, xuất xứ, chưa qua kiểm dịch trên thị trường nội địa.

Giải pháp rất quan trọng khác, các cơ quan chức năng phải tập trung tổ chức kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn triển khai đồng bộ các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn hành vi tập kết, buôn lậu, vận chuyển trái phép gia cầm, sản phẩm gia cầm từ nước ngoài qua khu vực biên giới, cửa khẩu, vùng biển vào Việt Nam và các hành vi giết mổ, kinh doanh, buôn bán, vận chuyển, tàng trữ trái phép gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập lậu, không rõ nguồn gốc, xuất xứ, chưa qua kiểm dịch trên thị trường.

Tiếp đó, chủ động phối hợp, cung cấp, chia sẻ thông tin, dữ liệu về các hoạt động vi phạm nêu trên với cơ quan thú y các cấp; phối hợp chỉ đạo tổ chức triển khai đồng bộ các biện pháp phòng, chống các hoạt động tập kết, buôn lậu, giết mổ, kinh doanh, vận chuyển, tàng trữ trái phép gia cầm, sản phẩm gia cầm và các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Cúm gia cầm theo quy định.

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang, Trưởng ban Ban Chỉ đạo 389 quốc gia tại công văn số 179/TB-VPCP ngày 17/5/2023, Ban Chỉ đạo 389 Bộ Tài chính yêu cầu các đơn vị trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ tiếp tục triển khai đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp nêu tại Nghị quyết số 41/NQ-CP ngày 09/6/2016 của Chính phủ về đẩy mạnh công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong tình hình mới, trong đó tập trung làm tốt những nội dung: Thực hiện nghiêm các Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước nhằm đấu tranh, ngăn chặn đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; xác định công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả là nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên của đơn vị, cương quyết đẩy lùi tệ nạn buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hoá qua biên giới với tinh thần “không có vùng cấm, không có ngoại lệ trong đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả”.

Đề cao, gắn trách nhiệm của người đứng đầu các cấp trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao. Trong đó, giao Thủ trưởng các đơn vị tổ chức quán triệt, chỉ đạo công chức, viên chức, người lao động nắm vững, thực hiện đúng, đầy đủ các quy định pháp luật, quy trình nghiệp vụ; đồng thời triển khai các biện pháp phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ngay trong các đơn vị làm công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại… xử lý nghiêm các tập thể, cá nhân vi phạm pháp luật.

Tiếp đó, Tổng cục Hải quan, Tổng cục Thuế, Thanh tra Bộ Tài chính có trách nhiệm triển khai quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các biện pháp nghiệp vụ, bảo đảm phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Tăng cường công tác nắm tình hình, đánh giá thực trạng, nhận diện, chỉ rõ những vấn đề nổi cộm, phức tạp về đối tượng, tuyến, địa bàn, lĩnh vực, mặt hàng trọng điểm (nhất là các mặt hàng ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng) về buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả nhằm kịp thời tham mưu đề xuất, xây dựng kế hoạch, tổ chức thanh tra, kiểm tra, điều tra xác minh. Tập trung lực lượng, phương tiện, biện pháp đánh trúng, đánh đúng đối tượng chủ mưu cầm đầu, đường dây ổ nhóm, tụ điểm phức tạp nhằm răn đe, phòng ngừa chung…

Đẩy mạnh công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong hoạt động TMĐT, tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát việc chấp hành các quy định pháp luật của các thương nhân, tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động TMĐT trên lãnh thổ Việt Nam, phát hiện, xử lý kịp thời các đối tượng lợi dụng hoạt động TMĐT để thực hiện hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

Tràng An
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra