 |
Đường lên Tam quan ở chùa Phật Tích |
Sách cổ kể về câu chuyện nhà sư Ấn Độ Khâu Đà La vào thế kỷ thứ II sau Công nguyên tới lập am tu hành tại núi Phật Tích, dùng mật chú cầu mưa thuận gió hòa cho người Việt, cho thấy ngay từ đầu Công nguyên Phật Tích đã nằm trong địa bàn diễn ra cuộc gặp gỡ của Phật giáo Ấn Độ và tín ngưỡng bản địa.
Phật Tích – trung tâm giáo dục Phật giáo lớn
Lịch sử Phật giáo Việt Nam cũng ghi lại rằng từ thế kỷ thứ V đến thế kỷ thứ VI sau Công nguyên, tại khu vực núi Tiên Du – Phật Tích đã là một trung tâm Phật giáo lớn – nơi hội tụ của nhiều dòng Thiền Phật giáo như Tỳ ni đa lưu chi, Vô Ngôn Thông, Thảo Đường – Đời Tùy (589 – 617) có Thiền sư Pháp hiền thuộc Tỳ ni đa lưu chi, tu tập thiền định tại đây. Theo sách “Đại Nam thiền uyển truyền đăng” thì đệ tử của Vô Ngôn Thông là Cảm Thành thiền sư trụ trì trên núi Tiên Du đã hỏa thiêu xá lị thầy và dựng tháp trên núi năm 826.
 |
Những linh vật hai bên cửa Tam quan chùa Phật Tích |
Từ thời Lý (1010 – 1225) đời vua Lý Thái Tông (1028 – 1054) có Thiền Lão thiền sư cùng với thiền tăng là Cứu Chỉ cùng thuộc phái Vô Ngôn Thông khổ hạnh trên núi Tiên Du suốt 6 năm không xuống núi. Tiếng đồn tới kinh thành Thăng Long, nhà vua Thái Tông mấy lần tới thăm chùa. Năm 1041, vua Lý Thánh Tông đã cho xây Viện Từ thị Diên Phúc trên núi Tiên Du thờ Phật Di Lặc. Đến năm Long Thụy Thái Bình thứ tư (1057), Lý Thánh Tông đã cho xây dựng ở sườn núi phía nam núi Tiên Du một ngọn bảo tháp cao mười trượng, bên trong thờ một pho tượng phật bằng đá ngồi trên tòa sen cao 5 thước (2m10). Nhà vua đặt pháp hiệu cho chùa là “Vạn Phúc tự”. Đến đời vua Lý Thần Tông (1129), vua khánh thành 8 vạn 4 ngàn bảo tháp bằng đất nung đặt xung quanh Phật Tích.
Chùa Phật Tích không những là trung tâm Phật giáo lớn mà sang thời Trần (1225 – 1400), Phật Tích còn là một trung tâm văn hóa – chính trị của Đại Việt. Vua đã cho xây một thư viện lớn gọi là Viện Lạn Kha tại Phật Tích. Năm Quý Hợi, niên hiệu Xương Phù (1383), Thượng hòa Trần Nghệ Tông đã tập hợp và sáng tác tác phẩm “Bảo Hoa dư bút” tại cung Bảo Hoa ở chùa. Năm Giáp Tý (1384), ngài đã cho tổ chức thi Thái học sinh (thi Tiến sĩ) trên quy mô toàn quốc tại chùa Phật Tích.
Phật Tích – sự linh thiêng và chứng nghiệm tâm linh
Về địa thế, Phật Tích được coi là nơi thắng địa với cảnh núi non sông nước tiên trần hư ảo. Sách Đại Nam thống nhất chí chép rằng: núi Tiên Du là một trong những núi thiêng của xứ An Nam và đã được tế tại giao đàn cùng với núi sông của Trung Quốc. Núi thiêng được tô vẽ bằng những Ao Rồng (Long trì) và Đầu Rồng tại giếng ngọc (Long tỉnh), càng làm cho vị trí địa lý phong thủy của Phật Tích – Tiên Du trở thành nơi đắc địa, hội tụ các danh tăng và hiền tài. Các danh tăng từ đời thứ 10, phái Vô Ngôn Thông như: Tín học Thiền sư, Tinh không Thiền sư, Đại xã Thiển sư, Tĩnh lực Thiền sư, Trí bảo Thiền sư đều đến chùa núi Tiên Du theo học cao tăng Đạo Tuệ. Thiền phái Tỳ ni đa lưu chi có thiền sư là Thiền Nhan đời thứ 13.
Phật Tích cũng là trụ sở của Thiền phái Trúc Lâm, các vua Trần thường đến tụ tập và du ngoạn. Hàng năm đãi yến tiệc và tết Trùng Dương tại chùa.
Đặc biệt, chùa Phật Tích ngày nay còn giữ được di hài xá lợi của Thánh tổ Chuyết Công hòa thượng. Vào đầu thế kỷ XVII, ngài cùng học trò xuất sắc của mình là Minh Hành thiền sư đến lập am thiền và trụ trì tại chùa Phật Tích. Vì vậy, Phật Tích là trụ sở đầu tiên của phái Lâm Tế tại Việt Nam.
Trải qua nhiều thăng trầm lịch sử
Trong cuộc kháng chiến chống Pháp, năm 1948 chùa Phật Tích bị phá hủy hoàn toàn chỉ còn pho tượng A di đà bằng đá xanh ngàn năm tuổi hiện nay vẫn là một báu vật quốc gia. Hai hàng linh thú bằng đá gốm sứ: sư tử, voi, tê giác, trâu, ngựa… và những trạm khắc trên chân tảng, những di vật còn lại của ngôi chùa cổ xưa cho thấy dáng dấp của văn hóa cung đình ở đất địa linh. Vườn tháp đá cổ xưa với hơn 40 ngọn tháp ghi lại dấu ấn của tổ tổ truyền thừa, của một trốn trùng lâm phật đạo.
Ngày nay, trong không khí đổi của quê hương đất nước mới đất nước, nhân dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, xác định di tích chùa Phật Tích là một công trình nghệ thuật nổi tiếng, một di tích quan trọng có giá trị nhiều về mặt lịch sử, văn hóa, kiến trúc, tín ngưỡng, cảnh quan và tiềm năng du lịch. Vì vậy, năm 2008 Nhà nước ta đã phê duyệt dự án phục hồi, tôn tạo chùa Phật Tích; ngoài ra các hạng mục khác trong di tích cũng được tôn tạo như: nhà Tổ đệ nhất, nhà mẫu, nhà tăng, xây tượng phật A di đà trên đỉnh núi. Đặc biệt trong quá trình trùng tu tôn tạo chùa Phật Tích đã làm xuất lộ móng tháp thời Lý được xây bằng gạch tại nền cấp 2.
 |
Móng nền tháp chùa Phật Tích |
Móng nền tháp chùa Phật Tích là một trong những di tích thời Lý rất quý hiếm còn lại trong tổng thể di tích thời Lý. Tư liệu về móng tháp đóng góp cho việc tìm hiểu kỹ thuật xây dựng tháp thời Lý như: kỹ thuật xây gạch không có vôi vữa, kỹ thuật gia cố xung quanh móng bằng sỏi xen kẽ đất đồi Lateris, kỹ thuật tạo độ cong ở các vòm tháp. Kỹ thuật xây xếp gạch đã thấy ở nhiều nơi nhưng kỹ thuật xây móng tháp kiên cố như vậy thì lần đầu tiên mới chỉ thấy ở Phật Tích.
Tổng thể di tích tháp và chùa Phật Tích phô bày rất nhiều nét chung của nghệ thuật Lý, đỉnh cao của sự tinh mỹ, chặt chẽ, cân đối và hoành tráng trong lịch sử nghệ thuật dân tộc.
Di tích nền móng tháp Phật Tích nói riêng, tổng thể chùa Phật Tích nói chung cung cấp nguồn tư liệu về niên đại chuẩn xác để nghiên cứu khu di tích Hoàng Thành Thăng Long cũng như di tích thời Lý ở các nơi khác.
Ngày nay, chùa Phật Tích vẫn còn nguyên giá trị về văn hóa kiến trúc cũng như Phật giáo. Để mỗi khi đến nơi đây, du khách luôn cảm thấy thanh thản, tĩnh tâm, và tìm lại được chính mình sau những ồn ào, bon chen của cuộc sống hiện đại./.
Hoàng Minh