Chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS&MN dần cụ thể hóa các mục tiêu

Thứ ba, 05/11/2024 16:36
(ThanhtraVietNam) - Có tỷ lệ giải ngân cao nhất, với tỷ lệ vốn tuyệt đối trên 8.798 tỷ đồng, Chương trình Mục tiêu quốc gia (MTQG) phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN) dần cụ thể hóa các mục tiêu.

Cơ cấu kinh tế vùng Dân tộc thiểu số và miền núi chuyển dịch tích cực

Theo kết quả thống kê, đến cuối năm 2023 dân số DTTS có 14,3 triệu người, 3,4 triệu hộ, chiếm 14,7% dân số cả nước. Trong đó có: 06 dân tộc có trên 1 triệu người (Tày, Thái, Mường, Khmer, Nùng và Mông); 14 dân tộc có dưới 10.000 người (Cống, Mảng, Pu Péo, Si La, Cờ Lao, Bố Y, La Ha, Ngái, Chứt, Ơ Đu, Brâu, Rơ Măm, Lô Lô, Lự, Pà Thẻn, La Hủ); 05 dân tộc có dân số dưới 1.000 người (Si La, Pu Péo, Rơ Măm, Brâu, Ơ Đu). Tuổi thọ trung bình của người DTTS hiện nay là 69,9 tuổi (thấp hơn so với tuổi thọ bình quân chung của cả nước 73,2 tuổi).

Theo đánh giá của Ủy ban Dân tộc, được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, cùng với sự nỗ lực, cố gắng vươn lên của đồng bào DTTS, tình hình KTXH vùng đồng bào DTTS & MN đã có bước phát triển rõ rệt; cơ cấu kinh tế có sự chuyển dịch tích cực, sinh kế của người dân ngày càng đa dạng, phong phú; thu nhập được nâng lên, đời sống vật chất và tinh thần không ngừng cải thiện; số hộ nghèo giảm nhanh; giáo dục, y tế được quan tâm; văn hóa, phong tục tập quán tốt đẹp từng bước được bảo tồn và phát huy; tình hình an ninh trật tự được giữ vững; khối đại đoàn kết các dân tộc được củng cố và tăng cường.

Những kết quả chủ yếu đạt được thể hiện rõ trên nhiều phương diện. Về cơ cấu kinh tế và tăng trưởng kinh tế, theo báo cáo của 51 tỉnh, thành phố vùng đồng bào DTTS & MN cho thấy: 15 tỉnh có cơ cấu kinh tế là: công nghiệp-dịch vụ-nông lâm nghiệp; 06 tỉnh có cơ cấu kinh tế là: nông lâm nghiệp-công nghiệp-dịch vụ; 30 tỉnh, cơ cấu kinh tế là: dịch vụ-công nghiệp-nông lâm nghiệp. Thế mạnh của các tỉnh vùng đồng bào DTTS & MN chủ yếu là kinh tế nông, lâm nghiệp, trong đó chủ yếu là chăn nuôi đại gia súc, trồng cây công nghiệp, cây dược liệu và phát triển kinh tế lâm nghiệp. Công nghiệp chủ yếu là chế biến nông, lâm sản; khai thác, chế biến khoáng sản; thủy điện. Phát triển du lịch chủ yếu là du lịch sinh thái, trải nghiệm gắn với văn hóa đặc sắc của cộng đồng các DTTS. Tốc độ tăng trưởng kinh tế các tỉnh vùng DTTS & MN khá cao, trong đó các tỉnh vùng Tây Bắc tăng bình quân 8,0%/năm, Tây Nguyên tăng bình quân 7,5%/năm, Tây Nam Bộ tăng bình quân 7,0%/năm. Một số địa phương đã bước đầu phát triển các vùng sản xuất nông, lâm nghiệp hàng hóa có giá trị gia tăng cao như: cà phê, chè, cao su, điều, tiêu, cây dược liệu, cây lấy gỗ và sản phẩm từ gỗ...

Về cơ sở hạ tầng thiết yếu, hiện nay, 98,4% xã vùng DTTS & MN có đường ô tô đến trung tâm; 96,7% hộ DTTS được sử dụng điện lưới quốc gia; 100% xã có trường lớp mầm non, trường tiểu học, trung học cơ sở; 99,3% xã có trạm y tế với 83,5% xã có trạm y tế đạt chuẩn, 69,1% số trạm y tế có bác sỹ, y tá khám chữa bệnh cho người dân; trên 90% xã được phủ sóng phát thanh, truyền hình; 100% xã có hạ tầng viễn thông và được phủ sóng di động đáp ứng nhu cầu thông tin liên lạc của người dân; hệ thống kênh mương nội đồng, các công trình thủy lợi nhỏ và vừa đáp ứng một phần nhu cầu phát triển sản xuất của người dân (bình quân đạt khoảng 23,4%);

leftcenterrightdel
 Những sản phẩm dịch vụ, du lịch được tạo ra bởi đồng bào các dân tộc thiểu số ngày càng được người tiêu dùng quan tâm, sử dụng. (Ảnh - TA)

Giảm tỷ lệ hộ nghèo, cải thiện không ngừng điều kiện sống của người dân

Về sinh kế của người dân vùng đồng bào DTTS & MN đặc biệt là đồng bào các DTTS hiện nay chủ yếu vẫn là sản xuất nông, lâm nghiệp. Thu nhập bình quân của các DTTS gần bằng ½ so với mức bình quân chung của cả nước.

Công tác giảm nghèo ở vùng đồng bào DTTS & MN đạt được kết quả tích cực, đến cuối năm 2023 tỷ lệ hộ nghèo ở 74 huyện nghèo giảm xuống còn 31,72% (giảm 6,9% so với năm 2022); ở các xã đặc biệt khó khăn giảm 3-4%/năm. Tính đến cuối năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo của vùng DTTS&MN cả nước là 16%, cận nghèo là 10,52% (còn 02 tỉnh có tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo lớn hơn 30% là: Hà Giang 36,03% và Điện Biên 32,91%). Điều kiện sống của người dân không ngừng được cải thiện: tỷ lệ hộ DTTS có nhà ở kiên cố và bán kiên cố đạt 88,5%; tỷ lệ hộ dân được sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 90,5% người DTTS; tỷ lệ hộ sử dụng hố xí hợp vệ sinh đạt 60,6%.

Tạo điều kiện cho KT-XH vùng đồng bào DTTS & MN  từng bước phát triển toàn diện

Chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I (Chương trình): từ năm 2021 đến năm 2025 là một trong những điểm nhấn, trọng tâm trong các chương trình, chính sách dân tộc.

Với 10 dự án thành phần Nội dung chủ yếu của Chương trình có tổng nguồn vốn thực hiện giai đoạn 2021 – 2025 là trên 137.664 tỷ đồng.

Ở Trung ương, sau khi cấp có thẩm quyền ban hành các Nghị quyết, văn bản để thực hiện Chương trình, công tác kiện toàn tổ chức cũng được hoàn thành, Trưởng ban Ban Chỉ đạo Trung ương đã ban hành Quy chế hoạt động và phê duyệt Chương trình công tác hằng năm của Ban Chỉ đạo Trung ương, trong đó phân công đôn đốc thực hiện các nội dung, nhiệm vụ cụ thể về quản lý, điều hành chương trình MTQG gắn với nhiệm vụ của từng thành viên Ban Chỉ đạo và bộ ngành, cơ quan thực hiện. Tổ trưởng Tổ công tác đã ban hành Quy chế hoạt động và Chương trình công tác năm về Chương trình MTQG DTTS và MN.

Với vai trò chủ Chương trình, Ủy ban Dân tộc đã tham mưu cho Ban chỉ đạo rà soát, tháo gỡ các khó khăn vướng mắc và ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện Chương trình. 74 văn bản đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Uỷ ban Dân tộc và các bộ, ngành trung ương ban hành để chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện Chương trình.

Ở địa phương: 49/49 địa phương triển khai thực hiện Chương trình đã hoàn thành công tác thành lập, kiện toàn Ban Chỉ đạo các chương trình MTQG giai đoạn 2021-2025 (Ban Chỉ đạo) cấp tỉnh; trong đó phân công nhiệm vụ cụ thể để triển khai. Sau đó, UBND cấp tỉnh và cấp huyện tại các tỉnh, thành phố vùng đồng bào DTTS và MN đã ban hành quy chế hoạt động, phân công nhiệm vụ cho các thành viên, sở, ngành (ở cấp tỉnh), phòng, ban, đơn vị (ở cấp huyện) tham gia thực hiện các dự án, tiểu dự án, nội dung của Chương trình MTQG DTTS và MN.

Thực tế, tính đến 9 tháng đầu năm 2024, tỷ lệ giải ngân Chương trình đạt khoảng trên 8.798 tỷ đồng bằng 56% kế hoạch. Vốn sự nghiệp: lũy kế giải ngân vốn sự nghiệp thực hiện Chương trình đến 31/8/2024 đạt khoảng trên 2.066 tỷ đồng, bằng 10,2% kế hoạch.

Trong 03 chương trình MTQG hiện nay, kết quả giải ngân vốn đầu tư công  của Chương trình MTQG DTTS và MN đã có sự thay đổi đáng kể. Từ vị trí đứng cuối cùng năm 2022 với kết quả giải ngân thấp nhất, lên đứng thứ 2 năm 2023 và hiện nay (tháng 9/2024) đã trở thành Chương trình MTQG có tỷ lệ giải ngân cao nhất, với tỷ lệ vốn tuyệt đối (8.798,632 tỷ đồng) cao hơn gần 1,2 lần so với tổng vốn của cả 2 CT MTQG xây dựng Nông thôn mới và Giảm nghèo bền vững.

Kết quả thực hiện Chiến lược công tác dân tộc (CLCTDT) đến năm 2030, định hướng đến năm 2045. Chương trình hành động thực hiện CLCTDT đề ra 22 chỉ tiêu; 25 nhiệm vụ, đề án giao cho UBDT và các bộ, ngành thực hiện.

Ủy ban Dân tộc đánh giá, kết quả bước đầu của các Chương trình mục tiêu quốc gia, nhất là Chương trình MTQG DTTS & MN và các chương trình chính sách dân tộc khác tác động lên nhiều mặt đời sống của đồng bào DTTS và vùng DTTS&MN, đã tạo điều kiện cho KT-XH của vùng từng bước phát triển toàn diện, đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào được cải thiện, an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội được giữ vững ổn định, khối đại đoàn kết dân tộc được củng cố và tăng cường, niềm tin của đồng bào DTTS đối với Đảng, Nhà nước được nâng lên.

leftcenterrightdel
 Bản sắc văn hóa của các dân tộc luôn được gìn giữ, bảo tồn, phát huy. (Ảnh - TA)

Tập trung xây dựng, hoàn thiện chính sách dân tộc

Kết luận tại cuộc làm việc mới đây với Ủy ban Dân tộc, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình ghi nhận, đánh giá cao nỗ lực và những kết quả đã đạt được của Ủy ban Dân tộc, của các bộ, ngành và địa phương trong việc thực hiện công tác dân tộc và chính sách dân tộc thời gian qua. Các bộ, cơ quan và các địa phương đã phối hợp tốt với Ủy ban Dân tộc; thể hiện tinh thần trách nhiệm cao và mang lại những hiệu ứng tốt đối với vùng DTTS&MN. 

Với vai trò chủ trì Chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021 - 2025, Ủy ban Dân tộc đã có nhiều nỗ lực, cố gắng trong triển khai thực hiện. Đến nay, đã cơ bản hoàn thành việc xây dựng cơ chế, chính sách quản lý, tổ chức thực hiện Chương trình; một số nhóm mục tiêu đã cơ bản hoàn thành; kết quả giải ngân vốn đầu tư công 9 tháng năm 2024 ước đạt 56% kế hoạch, cao nhất trong 03 chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 - 2025.

Phó Thủ tướng yêu cầu trong thời gian tới Ủy ban Dân tộc và các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục tập trung cho công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách về công tác dân tộc và chính sách dân tộc.

Trong công tác xây dựng cơ chế, chính sách cần quán triệt sâu sắc đặc điểm của vùng dân tộc thiểu số và miền núi; phù hợp với đối tượng thụ hưởng và đối tượng thực hiện (thủ tục phải đơn giản, dễ làm, dễ thực hiện...); bảo đảm tính kịp thời và đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

Rà soát, đề xuất với cấp có thẩm quyền chính sách đào tạo, phát triển nguồn nhân lực phù hợp cho vùng dân tộc thiểu số và miền núi (như tiếp tục áp dụng chế độ cử tuyển; quan tâm bố trí việc làm sau khi tốt nghiệp…).

Khẩn trương thực hiện các đề án, nhiệm vụ về công tác dân tộc và chính sách dân tộc trong Chương trình công tác năm 2024 và trong Chương trình hành động thực hiện Chiến lược công tác dân tộc giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2025; bảo đảm tiến độ và chất lượng.

Ủy ban Dân tộc cần chú trọng và có giải pháp cụ thể, khả thi để nâng cao năng lực thực hiện của cả hệ thống quản lý công tác dân tộc và chính sách dân tộc từ trung ương tới địa phương; củng cố đội ngũ cán bộ và tăng cường đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ, năng lực để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong gian đoạn tới...

Tràng An

TIN LIÊN QUAN

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra