<div><b>Vừa tiện cho mẹ vừa dễ cho con</b><br></div><div><br></div><div>Chiều nào cũng vậy, hơn 16 giờ, con tan học là chị H.Y chờ đón sẵn ở cổng Trường tiểu học Lương Thế Vinh (Q.1, TP.HCM) với đồ ăn lót dạ cho bé rồi chở luôn đến nhà cô giáo chủ nhiệm học thêm.</div><div><br></div><div>Trong một lần tâm sự, chị nói: “Cháu mới lớp 1, không muốn cho đi học thêm đâu nhưng giờ con tan học mà mẹ thì chưa thể tan làm. Cũng mấy lần đón cháu về cơ quan để chờ về chung nhưng thấy phiền đồng nghiệp quá. Nhưng điều làm mình đi đến quyết định này là buổi tối cháu không tập trung cho việc học. 19 giờ phải ngồi kèm và thúc giục cho đến lúc ngủ mới xong trong khi bây giờ học với cô giáo thì 18 giờ 30 là xong hết, về nhà chỉ việc ăn cơm rồi nghỉ ngơi. Vừa tiện việc làm của mẹ mà việc học cũng giải quyết ổn thỏa”.</div><div><br></div><p>Đây cũng là tình trạng của nhiều gia đình. Trong buổi họp phụ huynh mới đây ở Trường tiểu học Nguyễn Văn Trỗi, Q.4, TP.HCM, cô giáo lớp 1 cho rằng với sức học của các bé trong lớp, cô nghĩ không cần phải học thêm. Hơn nữa, theo giáo viên, buổi tối trẻ thích học với cha mẹ hơn. Thế nhưng cô vừa dứt lời, một phụ huynh đã phát biểu rằng 17 giờ mới hết giờ làm trong khi 16 giờ 30 con đã xong giờ học. Con vật vờ đợi mẹ, về nhà cơm nước đến tối 19 giờ bắt đầu cho con học, loay hoay cũng đến 22 giờ. Cả mẹ và con đều mệt mỏi nên nhờ cô xin phép hiệu trưởng mở lớp dạy thêm sau giờ học để vừa gửi con vừa nhờ cô giúp con giải quyết bài về nhà.</p><p>Ông Từ Quốc Tuấn, Hiệu trưởng Trường tiểu học Lương Định Của, Q.3, TP.HCM, thừa nhận thực trạng này. Ông cho biết: “Công chức cũng phải hơn 17 giờ mới tan sở trong khi đó ở trường tiểu học, thường 16 giờ là học sinh ra về. Thời gian không có, nên phụ huynh đưa con vội đến nhà giáo viên học thêm rồi đi làm tiếp. Đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng dạy thêm, học thêm”.</p><p><div style="text-align: center;"><img alt="" src="http://file.thanhtravietnam.vn/data/old_img/Portals/0/NEWS_IMAGES/huyentt/2014_9/khatnd2.jpg" width="500px"></div><p style="color: #666666;font-size: 11px;line-height: 18px;text-align: center;font-style:italic;">Ảnh minh họa</p><p style="color: rgb(102, 102, 102); font-size: 11px; line-height: 18px; text-align: left;"><b style="text-align: left; color: black;">Kiến thức quá nặng cho một học sinh tiểu học</b></p></p><div>Cũng cố gắng cầm cự không cho con đi học thêm trong 2 năm đầu bậc tiểu học nhưng đến khi con vào lớp 3, chị T.T (có con học Trường tiểu học Phan Văn Trị, Q.1) đành phải “xé rào”. Lý giải cho quyết định này, phụ huynh nói: “Một lần hướng dẫn cháu làm bài tập toán lớp 3 nhưng cháu không chịu và nói con chưa học kiểu này. Do vậy tôi chủ động đề nghị với giáo viên chủ nhiệm và cùng một số phụ huynh khác thành lập nhóm học thêm”. Đến bây giờ con của chị T.T đã lên lớp 4 và chị quả quyết: “Cũng may là cho cháu đi học từ lớp 3 để lấy đà chứ kiến thức lớp 4 tôi thấy quá nặng cho một học sinh tiểu học. Ví dụ, yêu cầu học sinh làm bài tập làm văn có độ dài 3 trang giấy tôi thấy không phù hợp”.<br></div><div><br></div><p>Qua nhiều lần tiếp xúc với phụ huynh học sinh các trường tiểu học: Chu Văn An (Q.1), Nguyễn Văn Trỗi (Q.4)..., chúng tôi nhận thấy việc phụ huynh cho con đi học thêm là rất phổ biến.</p><div>Trong quá trình khảo sát về tình hình dạy thêm, học thêm ở nhiều trường tiểu học tại TP.HCM, phóng viên Thanh Niên đã ghi nhận được rất nhiều ý kiến từ phía phụ huynh. Anh Nguyễn Văn Nam, phụ huynh có con học lớp 4 tại Trường tiểu học Nguyễn Văn Trỗi (Q.4) cho biết: “Các chuyên gia nói chương trình giảm tải, không nặng. Nhưng đứng từ phía phụ huynh sẽ thấy có những bài toán lớp 4 mà người có trình độ trên lớp 12 như tôi cũng không thể nào dạy con được. Mặt khác, có những bài toán tôi dạy con ra kết quả đúng, nhưng theo phương pháp của nhà trường thì cách chỉ của tôi không được chấp nhận. Vậy thì thử hỏi, làm sao không cho con đi học thêm được”.</div><div><br></div><div>Vì thế, có thể nói dù Bộ GD-ĐT cấm nhưng rất nhiều phụ huynh vẫn cho con học thêm từ bậc tiểu học. Có người cho rằng để con học thêm sẽ yên tâm hơn vì kiến thức chương trình nặng quá. Cũng có người nói: “Mục đích cho con học thêm là để đạt thành tích cao, dễ xét tuyển cho con vào cấp 2 ở những trường tốt”…</div><div><br></div><div>Một giáo viên ở Q.Bình Tân (TP.HCM) cho biết: “Phụ huynh học sinh của tôi phần đông là cán bộ công nhân viên, họ ít ra cũng đều tốt nghiệp đại học. Họ năn nỉ tôi dạy là vì họ không thể chỉ con học bài hoặc làm bài được, nhất là ở môn toán”. Nói về vấn đề này, bà Phạm Thúy Hà, Hiệu trưởng Trường tiểu học Nguyễn Văn Trỗi (Q.4), nhận định: “Với phụ huynh, họ thường dạy con giải theo cách miễn ra đáp số là được. Trong khi đó, giáo viên yêu cầu học sinh phải giải theo phương pháp của sách giáo khoa. Nghĩa là đưa bài toán về dạng mà sách giáo khoa yêu cầu: dạng tổng - tỉ hoặc hiệu - tỉ chẳng hạn”.</div><div><br></div><div><b>Sợ giáo viên… đì</b></div><div><br></div><div>Bên cạnh đó, vẫn có những phụ huynh phản ánh, bằng nhiều cách, nhiều giáo viên luôn gợi ý để phụ huynh cho con em đi học thêm.</div><div><br></div><div>Năm học nào, phóng viên Thanh Niên cũng tiếp nhận rất nhiều cuộc gọi của phụ huynh phản ánh con em họ bị giáo viên ép phải học thêm. Có phụ huynh khóc trong điện thoại khi phản ánh tình trạng một giáo viên đã cho bài kiểm tra và nói với học sinh: “Chỉ có ai đi học thêm mới làm được”. Hoặc giáo viên gửi thư ngỏ về cho phụ huynh thông báo mở lớp dạy thêm ngay tại trường dù học sinh chỉ mới vào lớp 1.</div><div><br></div><p>Nguyên Trưởng phòng Giáo dục Q.Tân Bình (TP.HCM) cho rằng có nhiều nguyên nhân dẫn đến dạy thêm, học thêm ngay từ bậc tiểu học. Vị này nói: “Cha mẹ nào cũng muốn con học giỏi, sợ thua kém con người khác nên không còn cách nào khác là cho con đi học thêm. Bên cạnh đó, cũng có gia đình không muốn nhưng do tâm lý muốn lấy lòng giáo viên, sợ giáo viên “đì” nên bắt buộc cho con đi. Vì vậy dạy thêm, học thêm trở thành phong trào, hiện tượng xã hội”.</p><p>Còn nguyên hiệu trưởng một trường THPT chuyên thì cho rằng: “Gốc vẫn là chương trình và cách đánh giá. Dựa trên chương trình, giáo viên thường đặt yêu cầu quá cao cho một học sinh trong khi lẽ ra chỉ cần trong một chừng mực chính. Vì vậy dẫn đến học sinh, phụ huynh sợ sệt rồi một số giáo viên đưa ra hình thức trấn áp”.</p><div style="text-align: right;"><i>Theo Thanh Niên</i></div>