Đẩy mạnh quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ
Thứ năm, 15/03/2018 08:36 (GMT+7)
(ThanhtraVietNam) - Với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ, ông Đinh Hữu Phí, Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết: Cục đã đề ra những giải pháp cụ thể đẩy mạnh hoạt động đổi mới sáng tạo liên quan đến sở hữu trí tuệ, giải quyết tình trạng tồn đọng đơn liên quan đến quyền sở hữu công nghiệp... phục vụ phát triển công nghệ, đổi mới sáng tạo và phát triển kinh tế - xã hội.
Đối với vấn đề tồn đọng trong xử lý đơn sở hữu công nghiệp, Cơ quan Sáng chế Nhật Bản (JPO) sẽ hỗ trợ Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam thực hiện Dự án nâng cao toàn diện năng lực trong việc xử lý đơn sở hữu công nghiệp. Ông Đinh Hữu Phí, Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ nhấn mạnh: Cuối tháng 2 vừa qua, Cục đã đề nghị JPO tiếp tục hỗ trợ Dự án nâng cao toàn diện năng lực của Cục Sở hữu trí tuệ trong việc xử lý đơn sở hữu công nghiệp thông qua Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật bản (JICA) và Dự án hồi cố dữ liệu sở hữu công nghiệp thông qua Quỹ Tín thác WIPO – Nhật Bản.
Theo đó, Việt Nam và Nhật Bản thành lập Nhóm công tác chung để thảo luận các Chương trình hợp tác về thẩm định nhanh đơn sáng chế, phát triển nguồn nhân lực và quản lý chất lượng thẩm định sáng chế. JPO sẽ cử chuyên gia sang làm việc với Cục Sở hữu trí tuệ để bàn các nội dung cụ thể trước khi trình Chính phủ Nhật Bản phê duyệt. Liên quan đến hồi cố dữ liệu sở hữu công nghiệp, JPO sẽ làm việc với Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) và các đối tác liên quan để hỗ trợ Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam trong thời gian sớm nhất.
Hiện, hệ thống sở hữu trí tuệ Việt Nam được thụ hưởng nhiều sự trợ giúp từ Quỹ tín thác WIPO - Nhật Bản, qua đó, năng lực cũng như hạ tầng công nghệ thông tin của Cục Sở hữu trí tuệ từng bước được hoàn thiện và nâng cao, giúp Cục Sở hữu trí tuệ nói riêng và hệ thống sở hữu trí tuệ Việt Nam nói chung hoạt động hiệu quả hơn. Đặc biệt, nhiều thế hệ cán bộ Việt Nam trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ đã được đào tạo dưới sự hỗ trợ của Quỹ.
Theo ông Đinh Hữu Phí, JPO sẽ hỗ trợ Cục Sở hữu trí tuệ trong việc hoàn thiện chính sách để nâng cao hiệu quả bảo hộ và khai thác tài sản trí tuệ; nâng cao năng lực thẩm định đơn sở hữu công nghiệp; đẩy mạnh quá trình tự động hóa hệ thống quản trị đơn sở hữu công nghiệp; nâng cao nhân thức của công chúng và phát triển nguồn nhân lực cũng như thúc đẩy các chương trình hợp tác về chia sẻ công việc...
Hiện nay, lượng đơn sở hữu công nghiệp nộp vào Cục ngày càng tăng trong khi các điều kiện để xử lý đơn chưa được cải thiện dẫn đến lượng đơn tồn ngày càng tăng. Năm 2017, Cục Sở hữu trí tuệ tiếp nhận hơn 102.000 đơn các loại, trong đó hơn 58.800 đơn đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp (tăng 1,1% so với năm 2016). Cục đã xử lý hơn 80.000 đơn các loại, trong đó có hơn 39.000 đơn đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp (tăng 1,0% so với năm 2016), theo đó chấp nhận bảo hộ hơn 30.000 đối tượng sở hữu công nghiệp, từ chối bảo hộ hơn 9.000 đối tượng sở hữu công nghiệp. Ngoài ra, Cục cấp văn bằng bảo hộ cho hơn 28.000 đối tượng sở hữu công (tăng 9,4% so với năm 2016), gồm 1.745 Bằng độc quyền sáng chế, 146 Bằng độc quyền giải pháp hữu ích, 2.267 Bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp, 19.401 Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu quốc gia và chấp nhận bảo hộ 4.745 nhãn hiệu quốc tế; 6 Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý và 4 Giấy chứng nhận đăng ký thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn..../.
Dương Thái