Bên cạnh đó, kịp thời nắm bắt thông tin, phản ánh về Kỳ thi giúp cơ quan quản lý, tổ chức, cá nhân tham gia Kỳ thi thực hiện đúng Quy chế thi, các văn bản liên quan đến việc tổ chức Kỳ thi và chỉ đạo của Bộ GDĐT. Đồng thời, phòng ngừa, phát hiện những hạn chế, bất cập để xử lý hoặc kiến nghị xử lý vi phạm (nếu có); kiến nghị cơ quan có thẩm quyền hoàn thiện các quy định về Kỳ thi trong những năm tiếp theo.
Thẩm quyền quyết định thanh tra, kiểm tra
Đoàn thanh tra, kiểm tra của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) thực hiện thanh tra, kiểm tra việc ban hành văn bản, công tác chỉ đạo, tổ chức Kỳ thi của Ban chỉ đạo thi cấp tỉnh, Sở GDĐT, Hội đồng thi (HĐT), Điểm thi và công tác tổ chức thanh tra, kiểm tra thi của Sở GDĐT. Bên cạnh đó, Đoàn thanh tra, kiểm tra của Sở GDĐT thực hiện thanh tra, kiểm tra công tác tổ chức thi của HĐT, các Ban của HĐT và Điểm thi.
Đoàn thanh tra, kiểm tra làm việc với đối tượng thanh tra, kiểm tra, công bố quyết định thanh tra hoặc thông báo quyết định kiểm tra; nghe, nhận báo cáo (bằng văn bản hoặc báo cáo trực tiếp); thu nhận và kiểm tra, đối chiếu các văn bản chỉ đạo, phối hợp, văn bản triển khai công tác tổ chức Kỳ thi; kiểm tra, xác minh thực tế việc thực hiện nhiệm vụ của các thành phần thuộc đối tượng thanh tra, kiểm tra và các đối tượng có liên quan; xử lý hoặc kiến nghị xử lý những hạn chế, thiếu sót, vi phạm (nếu có); lập biên bản thanh tra, kiểm tra với đối tượng thanh tra, kiểm tra.
Chánh Thanh tra Bộ GDĐT quyết định thành lập các đoàn thanh tra, kiểm tra công tác chỉ đạo, tổ chức kỳ thi và công tác thanh tra, kiểm tra các khâu của Kỳ thi tại các địa phương; trường hợp cần thiết, Bộ trưởng Bộ GDĐT quyết định thành lập đoàn kiểm tra.
Chánh Thanh tra Sở GDĐT quyết định thành lập các đoàn thanh tra, kiểm tra công tác chuẩn bị thi, coi thi, chấm thi, phúc khảo và xét công nhận tốt nghiệp THPT của Sở GDĐT; trường hợp cần thiết, Giám đốc Sở GDĐT quyết định thành lập đoàn kiểm tra.
Cục trưởng Cục Nhà trường xây dựng kế hoạch kiểm tra và ban hành quyết định thành lập các đoàn kiểm tra công tác chuẩn bị thi và xét công nhận tốt nghiệp THPT đối với cơ sở giáo dục thuộc thẩm quyền quản lý.
Những người không được tham gia đoàn thanh tra, kiểm tra
Những người có vợ, chồng, cha, mẹ, con, anh ruột, chị ruột, em ruột; cha, mẹ, anh ruột, chị ruột, em ruột của vợ hoặc chồng; người giám hộ; người được giám hộ (gọi chung là người thân) dự thi trong năm tổ chức Kỳ thi không được tham gia công tác thanh tra, kiểm tra: Tại Điểm thi nơi có người thân dự thi hoặc làm nhiệm vụ thi; công tác Chấm thi, Phúc khảo nơi có người thân làm nhiệm vụ tại Ban Làm phách bài thi tự luận, Ban Chấm thi tự luận, Ban Chấm thi trắc nghiệm, Ban Phúc khảo; công tác Xét công nhận tốt nghiệp nơi có người thân làm nhiệm vụ tại Hội đồng xét công nhận tốt nghiệp THPT;
Người đang trong thời gian bị xem xét xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; người có hành vi vi phạm bị xử lý kỷ luật hoặc đã bị kết án mà chưa hết thời hạn xóa kỷ luật, xóa án tích; người không đủ các điều kiện khác để tham gia đoàn thanh tra, kiểm tra theo quy định của pháp luật.
Thanh tra Bộ GDĐT chủ trì, phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ, các Sở GDĐT và cơ sở đào tạo, thành lập đoàn thanh tra, kiểm tra hoặc tham mưu Lãnh đạo Bộ thành lập các đoàn kiểm tra các khâu của Kỳ thi theo phương án và kế hoạch đã được phê duyệt.
Đồng thời, chỉ đạo hoạt động các đoàn thanh tra, kiểm tra thi theo Quy chế thi và các quy định của pháp luật hiện hành về thanh tra, kiểm tra; chỉ đạo các đoàn kiểm tra coi thi của Bộ GDĐT bố trí số lượng cán bộ kiểm tra tối thiểu tại một Điểm thi theo nguyên tắc: Dưới 20 phòng thi: 02 người; từ 20 đến 40 phòng thi: 03 người; từ 41 phòng thi trở lên: 04 người.
Đối với các Điểm thi có các phòng thi bố trí phân tán hoặc nhiều tầng khác nhau thì số lượng cán bộ kiểm tra tại Điểm thi có thể lớn hơn tùy theo tình hình thực tế do Trưởng đoàn kiểm tra quyết định./.