Gói hỗ trợ 62.000 tỷ: Phải biết phát huy dân chủ để người dân phản ánh

Thứ năm, 07/05/2020 14:00
(ThanhtraVietNam) – Gói hỗ trợ an sinh xã hội 62.000 tỷ cho người dân và doanh nghiệp bị ảnh hưởng sâu bởi dịch Covid-19 đang được các tỉnh, thành phố trên cả nước tích cực triển khai. Điều đáng lưu ý là việc triển khai đến mỗi người dân, doanh nghiệp cần đảm bảo nghiêm túc, công bằng, công khai, minh bạch.

Quy định đúng, minh bạch và triển khai khẩn trương

Ngay sau khi gói hỗ trợ an sinh xã hội 62.000 tỷ được thông qua, thực hiện Nghị quyết 42/NQ-CP ngày 09/4/2020 của Chính phủ về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn trong đại dịch Covid-19 và Quyết định 15/2020/QĐ-TTG ngày 24/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ quy định về việc thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, các địa phương, các bộ, ngành đã triển khai thực hiện một cách quyết liệt.

Đặc biệt, để gói hỗ trợ trên thực sự phát huy ý nghĩa, hiệu quả, chiều ngày 27/4/2020, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TBXH) đã phối hợp với Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc (UBTƯ MTTQ) Việt Nam tổ chức Hội nghị trực tuyến với 63 tỉnh, thành phố nhằm triển khai và giám sát thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 với 123 điểm cầu trực tuyến trên toàn quốc, 3.400 người tham gia ở các địa phương.

Tại Hội nghị, ông Trần Thanh Mẫn, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam đề nghị, MTTQ các tỉnh, thành phố, phối hợp chặt chẽ với ngành LĐ-TBXH, các sở, ngành, tổ chức chính trị - xã hội để đảm bảo tính chặt chẽ, chính xác ngay từ đầu trong việc xác định đối tượng được thụ hưởng chính sách, không để xảy ra tình trạng trục lợi chính sách. Chia sẻ về kinh nghiệm rút ra từ Chương trình phối hợp Tổng rà soát chính sách đối với người có công với cách mạng năm 2014-2015, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn khẳng định: “Vai trò giám sát của nhân dân là rất quan trọng vì ở cơ sở, làm đúng, làm sai, nhân dân biết cả, vấn đề là phải biết phát huy dân chủ để người dân phản ánh”.

Đồng thời, cần xác định rõ trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, MTTQ, nhất là ngành LĐ-TBXH các cấp, của Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn, Tổ trưởng Tổ dân phố, Trưởng Ban công tác Mặt trận, Công đoàn, Hội Nông dân, Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh trong việc thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 gây ra.

leftcenterrightdel
 Tiền từ gói hỗ trợ 62.000 tỷ đến tay người dân (ảnh internet)

Liên quan tới quá trình giám sát, Bộ trưởng Bộ LĐ-TBXH Đào Ngọc Dung đề nghị Ủy ban Mặt trận các cấp, đoàn thể xã hội các cấp tham gia ngay từ đầu trong việc rà soát lên danh sách, chứ không chờ lập xong danh sách mới giám sát.

Về việc xác định đối tượng, nhóm người có công, đối tượng bảo trợ xã hội, hộ nghèo và hộ cận nghèo, thì thủ tục đơn giản, địa phương tiến hành rà soát và Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt danh sách… Điểm đặc biệt ở đây là đối tượng được hỗ trợ bao gồm cả người lao động tự do, không có hợp đồng lao động bị mất việc. Đây là nhóm rất khó xác định cần sự tham gia của cả hệ thống chính trị, nhất là chính quyền địa phương nơi quản lý, theo dõi, gần gũi dân cư để thực hiện hỗ trợ đúng đối tượng bảo đảm sự công bằng xã hội. Với đối tượng này, chỉ hỗ trợ những người do mất việc nên thu nhập bị giảm sâu và thấp hơn mức sống tối thiểu, tức chuẩn nghèo; những người làm nghề lao động tự do nhưng có thu nhập tốt hoặc có mức sống mà ở địa phương thấy rằng trên chuẩn nghèo thì cũng không hỗ trợ.

Thực tế triển khai trên địa bàn thành phố Hà Nội cho thấy, các cấp chính quyền đã rất sốt sắng, khẩn trương bắt tay vào thực hiện để có thể giúp người khó khăn bớt đi phần nào “gánh nặng cơm áo, gạo, tiền”, đảm bảo cuộc sống. Tại phường Minh Khai, quận Hai Bà Trưng, bà Nguyễn Thị Hòa, Tổ trưởng Tổ dân phố số 4 cho biết, thực hiện chủ trương của phường, bà đã đi đến từng hộ gia đình để hỏi thăm, đồng thời rà soát những người thuộc các nhóm đối tượng được thụ hưởng, nhất là những người đặc biệt khó khăn. Theo bà Hòa, việc làm như vậy vừa thể hiện được sự quan tâm của chính quyền, tổ dân phố tới người dân, vừa tránh bị bỏ sót đối tượng được hỗ trợ.

Chưa phát hiện, chưa nhận được bất cứ phản ánh tiêu cực nào từ địa phương

Mặc dù, không trực tiếp triển khai gói hỗ trợ 62.000 tỷ nhưng về tổng thể quy mô trên cả nước, Bộ LĐ-TBXH là cơ quan chủ trì triển khai, do đó, Bộ đã có những việc làm khẩn trương, quyết liệt ngay từ đầu.

Ngày 29/4/2020 Bộ trưởng Bộ LĐ-TBXH đã ký Quyết định số 474/QĐ-LĐTBXH thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Trưởng Ban Chỉ đạo là Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, các Phó Trưởng ban là các Thứ trưởng của Bộ. Ban Chỉ đạo có nhiệm vụ đôn đốc, kiểm tra các đơn vị, địa phương trong việc thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19; đánh giá tình hình, kết quả triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ được giao.

Đồng thời, Bộ chính thức công bố đường dây nóng qua Tổng đài 111 tiếp nhận giải đáp những vấn đề vướng mắc khi thực hiện chính sách hỗ trợ các đối tượng trong Quyết định 15/2020/QĐ-TTg. Tổng đài 111 bắt đầu tiếp nhận thông tin từ ngày 01/5/2020, với các số điện thoại tiếp nhận phản ánh kiến nghị của người dân, bao gồm: 0913.049.567; 0977.976.686 và 0913.378.816. Bên cạnh đó, MTTQ Việt Nam cũng có các số điện thoại đường dây nóng.

Cùng ngày 29/4/2020, Bộ LĐ-TBXH đã khởi động Chuyên trang giải đáp và tiếp nhận phản hồi ý kiến của nhân dân về công tác thực hiện gói hỗ trợ an sinh xã hội 62.000 tỷ đồng theo đường link: http://bovoinddn.molisa.gov.vn/trang-chu/ho-tro-covid-19.

Tại phiên họp thường kỳ tháng 4/2020 của Chính phủ diễn ra ngày 5/5, báo cáo về việc triển khai thực hiện gói hỗ trợ an sinh xã hội 62.000 tỷ cho người dân và doanh nghiệp bị ảnh hưởng sâu bởi dịch Covid-19, Bộ trưởng Bộ LĐ-TBXH Đào Ngọc Dung khẳng định: “Gói hỗ trợ đang được triển khai thực hiện đảm bảo nghiêm túc, công khai, minh bạch và cho đến giờ này chưa phát hiện và chưa nhận được bất cứ phản ánh tiêu cực nào từ các địa phương”.

Ông Đào Ngọc Dung cho biết thêm, qua 5 ngày (từ ngày 01/5/2020) đã có hơn 46.000 lượt gọi tới các số điện thoại đường dây nóng của Bộ LĐ-TBXH và của MTTQ Việt Nam. Trong 4 ngày nghỉ Lễ 30/4, 01/5 và cuối tuần, tất cả các ngành, các địa phương hầu như không nghỉ để tập trung triển khai đưa tiền đến nhân dân và đến người lao động. Tính đến nay, 63/63 tỉnh đã triển khai, trong đó 3 đối tượng cơ bản như người có công, người nghèo, cận nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội đã được hỗ trợ 12.400 tỷ đồng. Từ ngày 10/5, các đơn vị tập trung cao độ giải quyết cho lao động tự do và lao động mất việc.

Bộ trưởng Bộ LĐ-TBXH đề nghị các địa phương tiếp tục quan tâm triển khai khẩn trương, nghiêm túc các chủ trương của lãnh đạo Đảng, Nhà nước tăng cường công tác kiểm tra, giám sát để việc triển khai tiếp tục nhanh nhất và kịp thời nhất. Đồng thời, đảm bảo đúng các nguyên tắc công khai, minh bạch và đúng đối tượng.

Trao đổi với phóng viên Tạp chí Thanh tra, ông Nguyễn Tiến Tùng, Chánh Thanh tra Bộ LĐ-TBXH cho biết, về công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện triển khai gói hỗ trợ 62.000 tỷ đến người dân Bộ chưa tiến hành kiểm tra trực tiếp tại địa phương. Hiện nay, Bộ đã thành lập chuyên trang giải đáp, tiếp nhận ý kiến của người dân về gói hỗ trợ; tiếp nhận phản ánh, thắc mắc qua đường dây nóng và thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện chính sách hỗ trợ.

Cũng theo Chánh Thanh tra Bộ LĐ-TBXH, dựa trên những quy định, hướng dẫn cụ thể, trước ngày 08/5/2020, Bộ LĐ-TBXH sẽ tạo điều kiện tối đa để địa phương triển khai gói hỗ trợ nêu trên. Sau đó, từ ngày 08/5 đến ngày 15/5, Bộ sẽ yêu cầu các địa phương báo cáo về tình hình triển khai thực hiện. Trên cơ sở tổng hợp số liệu báo cáo của các địa phương, Bộ mới tiến hành thanh tra, kiểm tra trực tiếp tại địa phương và đôn đốc địa phương thực hiện theo đúng quy định đã ban hành.

Có thể khẳng định rằng, gói hỗ trợ an sinh - xã hội 62.000 tỷ Chính phủ hỗ trợ người dân và doanh nghiệp gặp khó khăn trong đại dịch Covid-19 là hành động rất kịp thời và rất ý nghĩa, nhân văn. Trong khi đó, bài học quý giá về mua máy xét nghiệm tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội là một hồi chuông cảnh tỉnh đối với những đối tượng đang có ý định trục lợi bất chính từ tiền hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp trong dịch bệnh Covid-19 này.

Chính vì vậy, các ngành, các cấp, các địa phương phải kịp thời tuyên truyền, hướng dẫn và tổ chức triển khai thực hiện đúng theo quy định; thống kê, tổng hợp công khai minh bạch; đặc biệt là phải tổng hợp đúng đối tượng, tránh trùng lắp, hoặc bỏ sót; phải đề cao sự giám sát của MTTQ, các đoàn thể chính trị để bảo đảm chính xác, công bằng, tạo sự đồng thuận cao và thực hiện đúng mục tiêu an sinh xã hội, không để trục lợi, lạm dụng chính sách. Đặc biệt, phải tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm minh các trương hợp vi phạm./.

Hoàng Minh

 

 

 

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra