Hàng trăm tập thể, cá nhân làm gương sáng thông tin cơ sở toàn quốc

Thứ tư, 09/10/2024 07:05
(ThanhtraVietNam) - Mười tập thể Sở Thông tin và Truyền thông cấp tỉnh; 48 tập thể Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao cấp huyện và 62 cá nhân là tuyên truyền viên cơ sở, người phụ trách đài truyền thanh cấp xã là những gương sáng trong hoạt động thông tin cơ sở toàn quốc năm 2024.

Tại Hội nghị biểu dương, tôn vinh điển hình tiên tiến toàn quốc trong hoạt động thông tin cơ sở năm 2024, diễn ra ngày 8 tháng 10, tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng đã trao tặng Bằng khen cho những tập thể, cá nhân trên.

Những năm qua, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, các cấp ủy, chính quyền, thông tin cơ sở đã có những bước phát triển mới, góp phần quan trọng vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, tạo sự đồng thuận trong xã hội, niềm tin của Nhân dân.

Thống kê cho thấy, cả nước hiện có 10.033 đài truyền thanh cấp xã, đạt 95%; 666 cơ sở truyền thanh - truyền hình cấp huyện, đạt 94,5%; 701 trang thông tin điện tử công cộng cấp huyện và 8.471 trang thông tin điện tử cấp xã; 870 bảng tin điện tử công cộng cấp huyện và 1.956 bảng tin điện tử công cộng cấp xã; khoảng hơn 200.000 tuyên truyền viên cơ sở.

Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, hoạt động thông tin cơ sở hiện nay được tổ chức bằng nhiều loại hình thông tin khác nhau. Trong thời đại công nghệ số phát triển, mạng xã hội lên ngôi, những người làm công tác thông tin cơ sở hơn lúc nào hết, cần tiếp tục khẳng định vai trò chủ thể cung cấp thông tin chính thống đến người dân ở từng thôn, bản, tổ dân phố, đồng thời là "cầu nối" giữa cấp ủy, chính quyền cơ sở với người dân.

Tại Hội nghị đã diễn ra cuộc tòa đàm chia sẻ nhiều nhân tố điển hình, cách làm sáng tạo về thông tin cơ sở. Trong đó, có thể kể đến các cá nhân như Anh Sùng A Tủa (sinh năm 1991, Phó Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc xã Phình Hồ, huyện Trạm Tấu, Yên Bái). Một cán bộ làm công tác thông tin cơ sở luôn "đi từng nhà, hỏi tâm tư, nguyện vọng của dân, đưa ra cách tuyên truyền nhanh hơn, dễ hiểu hơn về chính sách, pháp luật".

leftcenterrightdel
 Tọa đàm thu hút sự quan tâm của nhiều đại biểu và các cơ quan báo chí, truyền thông. (Ảnh - Minh Thanh)

Hay như chị Trần Thị Kim Quyên (sinh năm 1990), Bí thư Chi bộ thôn Hà Lệt, xã Tân Thành, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị nhiều năm phát huy tinh thần "Đảng viên đi trước, làng nước theo sau" nỗ lực bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc thiểu số.

Cách làm sáng tạo của Trung tâm Văn hoá, Thông tin và Thể thao huyện Quốc Oai (Hà Nội) đã đem lại hiệu quả thông tin cơ sở thực sự cho người dân thông qua các kênh thông tin chính thống bằng hình thức bản tin video được phát trên cổng thông tin của UBND huyện và và Fanpage của Trung tâm ở mọi lúc, mọi nơi mà không phụ thuộc vào giờ phát thanh như cách làm thông tin cơ sở trước đây...

Theo Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, ngành Thông tin và Truyền thông có sứ mệnh lớn lao, tạo ra đôi cánh cho Việt Nam bay lên với một bên là sức mạnh vật chất được tạo nên bởi công nghệ số và một bên là sức mạnh tinh thần - báo chí, truyền thông có vai trò quan trọng của thông tin cơ sở để khơi dậy khát vọng đất nước hùng cường, thịnh vượng, tạo niềm tin và sự đồng thuận xã hội.

leftcenterrightdel
 Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng chia sẻ trực tiếp với những người làm thông tin cơ sở tại Tọa đàm.  (Ảnh - BTC)

Chính phủ đã ban hành Nghị định số 49/2024/NĐ-CP, là cơ sở pháp lý nhà nước đầu tiên của lĩnh vực thông tin cơ sở, mở ra một trang mới cho thông tin cơ sở, khẳng định địa vị pháp lý của thông tin cơ sở bên cạnh báo chí xuất bản. Các cấp ủy đảng, chính quyền cần triển khai thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 07-CT/TW và Nghị định 49/2024/NĐ-CP coi thông tin cơ sở là nhiệm vụ thường xuyên và quan trọng.

Lắng nghe các chia sẻ của những điển hình tiên tiến trong công tác thông tin cơ sở tại cuộc tọa đàm trong khuôn khổ Hội nghị biểu dương, tôn vinh điển hình tiên tiến toàn quốc trong hoạt động thông tin cơ sở năm 2024, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng chia sẻ, thực tế nhiều người dân ở vùng sâu, vùng xa vẫn chưa có điện thoại thông minh, không biết về các chương trình đổi miễn phí sang điện thoại 4G khi Nhà nước triển khai tắt sóng 2G.

Do vậy, Cục Viễn thông và Cục Thông tin cơ sở cần sớm bàn bạc về việc truyền thông những chủ trương, chính sách này cho 200 nghìn người làm công tác thông tin cơ sở để từ đó cung cấp các thông tin này đến người dân, đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa. Quỹ Dịch vụ Viễn thông công ích đang triển khai phủ sóng vùng sâu vùng xa, do đó, để xác định vùng lõm sóng thì chỉ có cách dựa vào 200 nghìn người làm thông tin cơ sở.

Bộ trưởng chỉ đạo cần nhân rộng những người làm thông tin cơ sở thành công như anh Sùng A Tủa làm sao để trong 1-2 năm tới, 11 nghìn xã trên toàn quốc có 11 nghìn nhân tố điển hình này. Trong thời chuyển đổi số, sáng kiến thành công thì phải được phổ cập trên toàn quốc mới có ý nghĩa.

Bộ trưởng cũng chỉ đạo Cục Thông tin cơ sở cần tổng hợp các giải pháp công nghệ như loa thông minh, pin mặt trời giá rẻ … để những người làm thông tin cơ sở không chỉ truyền thông mà còn cung cấp thông tin về những công cụ số giá rẻ đến các hộ gia đình ở vùng sâu, vùng xa, giúp họ bán hàng, quảng bá sản phẩm, góp phần phát triển kinh tế.

Minh Thanh

TIN LIÊN QUAN

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra