Kiểm tra, thanh tra, xử lý nghiêm mọi trường hợp vi phạm quy định về sử dụng điện

Thứ sáu, 08/05/2020 17:30
(ThanhtraVietNam) – Đó là yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị 20/CT-TTg ngày 07/5/2020 về việc tăng cường tiết kiệm điện giai đoạn 2020-2025. Chỉ thị này thay thế Chỉ thị số 34/CT-TTg ngày 07 tháng 8 năm 2017.

Chỉ thị nêu rõ, trong nhiều năm qua, việc cung ứng điện cho nền kinh tế luôn được đảm bảo, làm nền tảng vững chắc cho phát triển kinh tế, thu hút đầu tư, giữ vững an ninh quốc phòng, ổn định xã hội. Tuy nhiên, xét bối cảnh nguồn cung ứng điện giai đoạn 2020 - 2025 gặp nhiều thách thức do nhiều lý. Trong khi đó, nhu cầu điện vẫn tiếp tục tăng ở mức cao, bình quân 10%/năm, cao hơn tốc độ tăng trưởng kinh tế, thì việc sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả phải được coi là giải pháp quan trọng, cấp bách nhằm tiếp tục duy trì ổn định an ninh năng lượng, phát triển bền vững, tăng trưởng kinh tế đất nước trong 05 năm tới.

Trước đó, thực hiện Chỉ thị số 34/CT-TTg ngày 07/8/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường tiết kiệm điện, cả nước đã có nhiều chuyển biến tích cực trong ý thức sử dụng điện theo hướng tiết kiệm và hiệu quả. Kết quả là, đã tiết kiệm được trên 9 tỷ kWh, tương đương 15.000 tỷ đồng, với mức tiết kiệm bình quân đạt 1,5% tổng điện năng tiêu thụ hằng năm. Đây là tiền đề quan trọng cho phép cả nước cần phải tiếp tục đẩy nhanh, mạnh việc cải thiện chất lượng sử dụng điện, coi tiết kiệm điện là một giải pháp then chốt để giảm thiểu nguy cơ thiếu điện trong giai đoạn 2020 - 2025.

leftcenterrightdel
 Trung tâm thương mại là cơ sở sử dụng điện lớn cần được áp dụng các biện pháp công nghệ để tiết kiệm điện. Ảnh: PV

Trong giai đoạn 2020 - 2025, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu, cả nước phải phấn đấu hằng năm tiết kiệm tối thiểu 2,0% tổng điện năng tiêu thụ. Để đạt được mục tiêu này, yêu cầu mọi tổ chức, cá nhân nghiêm túc thực hiện việc tiết kiệm điện, cụ thể: Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, các doanh nghiệp và các tổ chức đoàn thể - xã hội thực hiện tiết kiệm điện tại cơ quan, công sở. Bên cạnh đó, yêu cầu các cơ sở kinh doanh thương mại và dịch vụ; các doanh nghiệp sản xuất; các cơ sở kinh doanh thương mại và dịch vụ xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện hiệu quả các nội quy tiết kiệm điện của đơn vị; đồng thời, phối hợp với cơ sở cung ứng điện thực hiện việc giảm nhu cầu sử dụng điện khi có yêu cầu. Ngoài ra, cần tiết kiệm điện trong chiếu sáng công cộng, chiếu sáng cho mục đích quảng cáo, trang trí ngoài trời.

Riêng tại các hộ gia đình, cần thường xuyên thực hành hành vi sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả như: tắt các thiết bị điện khi ra khỏi phòng, cắt hẳn nguồn điện nếu không sử dụng các thiết bị điện; chỉ sử dụng điều hòa nhiệt độ khi thật cần thiết; ưu tiên mua sắm các phương tiện, thiết bị điện hiệu suất cao hoặc thiết bị điện có dán nhãn tiết kiệm năng lượng; hạn chế tối đa sử dụng bóng đèn sợi đốt; lắp đặt và sử dụng hệ thống điện mặt trời trên mái nhà, hệ thống đun nước nóng từ năng lượng mặt trời.

Chỉ thị cũng nhấn mạnh về yêu cầu UBND các tỉnh thành phố trực thuộc trung ương phải có trách nhiệm xây dựng và đưa các chỉ tiêu sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hằng năm và giai đoạn; chỉ đạo các đài phát thanh - truyền hình, các cơ quan truyền thông trực thuộc liên tục tuyên truyền về tiết kiệm điện đối nhân dân trên địa bàn.

Đặc biệt, đẩy mạnh công tác kiểm tra, thanh tra, xử lý nghiêm mọi trường hợp vi phạm quy định hiện hành về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; yêu cầu các cơ quan điện lực địa phương phối hợp với các doanh nghiệp, tổ chức đóng trên địa bàn xây dựng kế hoạch tiết kiệm điện. Hỗ trợ UBND các cấp thống kê kết quả thực hiện kế hoạch tiết kiệm điện của doanh nghiệp, tổ chức thuộc địa bàn cung cấp điện. Cần tổ chức khen thưởng và đề xuất cơ quan nhà nước có thẩm quyền để khen thưởng các cơ quan, đơn vị, tổ chức và cá nhân có thành tích trong công tác tiết kiệm điện.

“Các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương, UBND các cấp có trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra, giám sát, phê duyệt và rà soát các dự án đầu tư, mua sắm công, triệt để tuân thủ quy định”, Chỉ thị nêu rõ.

Tập đoàn Điện lực Việt Nam có trách nhiệm vận hành tối ưu các nhà máy điện và lưới điện truyền tải, phân phối nhằm sử dụng hiệu quả nguồn năng lượng sơ cấp và giảm tổn thất điện năng trên toàn hệ thống. Huy động một cách hợp lý công suất và điện năng các nhà máy thủy điện, các nguồn điện mua của các nhà máy điện độc lập và các nguồn điện dự phòng của khách hàng. Bên cạnh đó, phối hợp chặt chẽ với Trung tâm Khí tượng - Thủy văn quốc gia, cập nhật dự báo về thời tiết và nguồn nước, chủ động thực hiện các phương án vận hành hiệu quả, sử dụng tiết kiệm nguồn nước để phát điện./.

Lan Anh

 

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra