Thành phố Hồ Chí Minh:

Nâng cao năng lực, trình độ cán bộ, công chức, viên chức làm công tác cải cách hành chính

Thứ năm, 25/05/2023 06:30
(ThanhtraVietNam) - UBND Thành phố vừa ban hành Kế hoạch triển khai Đề án nâng cao năng lực, trình độ đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức làm công tác cải cách hành chính ở các Sở - ngành, UBND các cấp trên địa bàn TPHCM giai đoạn 2022 - 2025.

Kế hoạch nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức thực hiện cải cách hành chính của Thành phố ổn định, có phẩm chất đạo đức, đủ năng lực đáp ứng yêu cầu chỉ đạo, tham mưu, triển khai cải cách hành chính nhà nước. Đồng thời, đáp ứng đi đầu trong việc thực hiện chuyển đổi số mang đến sự hài lòng cho người dân và tổ chức góp phần xây dựng chính quyền hành động, chính quyền thân thiện với Nhân dân.

Kế hoạch cũng nhằm thực hiện nghiêm túc nội dung khuyến khích và bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, năng động, sáng tạo vì lợi ích chung trong hoạt động chỉ đạo, điều hành và tham mưu công tác cải cách hành chính tại các cơ quan, đơn vị.

Cùng đó, xác định rõ chức năng, nhiệm vụ, trách nhiệm và thống nhất việc bố trí vị trí việc làm của công chức thực hiện công tác cải cách hành chính tại các cơ quan nhà nước trên địa bàn Thành phố đảm bảo tính ổn định và tính kế thừa cũng như thực hiện luân chuyển, điều động và bổ nhiệm công chức trực tiếp đang đảm nhiệm các vị trí việc làm ở các lĩnh vực cải cách hành chính…

Ngoài ra, kế hoạch cũng hướng đến mục tiêu thí điểm đổi mới phương pháp làm việc, sắp xếp nơi làm việc theo tiêu chuẩn thực hành 5S tại một số Sở - ngành, quận - huyện, phường, xã, thị trấn.

leftcenterrightdel
Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh - Võ Văn Hoan phát biểu chỉ đạo tại hội nghị tổng kết CCHC năm 2022 và triển khai phương hướng năm 2023 (Ảnh: TU.TPHCM)

Kế hoạch bao gồm 10 chỉ tiêu, cụ thể:

Chỉ tiêu số 1: Đến cuối năm 2023 đạt trên 80%, cuối năm 2024 đạt trên 90% và đến hết năm 2025 đạt 100% cơ quan chuyên môn thuộc UBND Thành phốvà 22 Phòng Nội vụ thuộc UBND quận, huyện, thành phố Thủ Đức ngoài việc thực hiện theo hướng dẫn tiêu chuẩn vị trí, việc làm chuyên ngành, phải bố trí, bổ sung trong bảng mô tả công việc làm công tác cải cách hành chính của cơ quan, đơn vị ít nhất 01 vị trí, việc làm. Khuyến khích xây dựng và bố trí vị trí, việc làm công tác cải cách hành chính tại các cơ quan, đơn vị để tham mưu các chức năng, nhiệm vụ liên quan đến các lĩnh vực công tác cải cách hành chính của các cơ quan, đơn vị.

Chỉ tiêu số 2: Đến cuối năm 2023 đạt trên 80%, cuối năm 2024 đạt trên 90% và đến hết năm 2025 đạt 100% cán bộ, công chức lãnh đạo các Sở - ngành, UBND cấp huyện và UBND các cấp trên địa bàn Thành phố được bồi dưỡng, tập huấn về công tác cải cách hành chính.

Chỉ tiêu số 3: Đến cuối năm 2024 đạt trên 80% và đến hết năm 2025 đạt 100% công chức, viên chức làm công tác cải cách hành chính được cung cấp các kiến thức, kỹ năng cần thiết phục vụ quá trình tham mưu, tổng hợp, hướng dẫn triển khai thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ cải cách hành chính.

Chỉ tiêu số 4: Đến cuối năm 2024 đạt trên 80% và đến hết năm 2025 đạt 100% công chức, viên chức làm công tác cải cách hành chính được tiếp cận các tài liệu, bài giảng điện tử về cải cách hành chính; được tiếp cận bằng tài liệu, trao đổi trực tiếp kinh nghiệm cải cách hành chính với các tỉnh, thành phố trong nước và các mô hình của các nước phát triển trên thế giới

Chỉ tiêu số 5: Mỗi năm phấn đấu ít nhất từ 10 công chức, viên chức làm công tác cải cách hành chính ở các Sở - ngành, UBND các cấp trên địa bàn Thành phố được quy hoạch chức danh lãnh đạo; 05 công chức, viên chức được luân chuyển, bổ nhiệm giữ chức vụ lãnh đạo.

Chỉ tiêu số 6: Phấn đấu đến năm 2025 đào tạo, bồi dưỡng ít nhất 50 cán bộ, công chức, viên chức làm công tác cải cách hành chính ở các Sở - ngành, UBND các cấp trên địa bàn Thành phố và từ các nguồn khác để trở thành các chuyên gia về cải cách hành chính.

Chỉ tiêu số 7: Mỗi năm tổ chức ít nhất 01 lớp bồi dưỡng ở nước ngoài về cải cách hành chính, tập trung nâng cao công tác quản trị công, chất lượng tham mưu các giải pháp, sáng kiến cải tiến trong hoạt động quản lý nhà nước của các cơ quan, đơn vị. Trong đó, ưu tiên công chức trực tiếp làm công tác cải cách hành chính không giữ chức vụ lãnh đạo tham gia.

Chỉ tiêu số 8: Mỗi năm tổ chức ít nhất 01 lớp bồi dưỡng về cải cách hành chính ở trong nước theo phương pháp trực tiếp kết hợp với trực tuyến, tập trung các kỹ năng.

Chỉ tiêu số 9: Hàng năm tổ chức tập huấn, trao đổi, hướng dẫn nghiệp vụ về cải cách hành chính.

Chỉ tiêu số 10: Mỗi năm tổ chức ít nhất 01 đoàn công tác nghiên cứu, trao đổi kinh nghiệm triển khai, thực hiện công tác cải cách hành chính ở các tỉnh, thành phố có các mô hình hay, hiệu quả, kết quả Chỉ số cải cách hành chính cấp tỉnh cao hơn Thành phố.

Nhằm đảm bảo lộ trình triển khai các chỉ tiêu của đề án, UBND Thành phố yêu cầu các Sở - ngành, UBND quận, huyện, thành phố Thủ Đức cùng các đơn vị liên quan phối hợp triển khai quán triệt nội dung, nhiệm vụ của Kế hoạch liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của từng đơn vị và đến toàn thể cán bộ, công chức, viên chức. Quá trình triển khai và tổ chức các nhiệm vụ phải đảm bảo tính hiệu quả, cụ thể hóa các nhiệm vụ vào Kế hoạch cải cách hành chính hàng năm./.

Đình Thuyết
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra