Cho đến nay, chưa có số liệu thống kê tình hình bệnh tật của học sinh trên phạm vi toàn quốc. Nhưng qua kết quả nghiên cứu của các đề tài khoa học tiến hành ở các địa phương, tỷ lệ mắc tật cận thị ở học sinh Việt Nam tăng lên ở mức báo động.
 |
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet |
Tật khúc xạ
Trong thời gian 10 năm (từ năm 1998 đến 2009), tỷ lệ học sinh mắc tật khúc xạ ở các bậc học tăng khoảng 2 lần. Đặc biệt, ở các trường chuyên, lớp chọn tỷ lệ học sinh bị cận thị xấp xỉ 60%.
Một thống kê cho thấy: số người mắc tật khúc xạ tại Bệnh viện Mắt thành phố Hồ Chí Minh chiếm hơn 30% trong tổng số bệnh nhân đến khám; tỷ lệ bệnh và mức độ cận cũng tăng lên theo cấp học của học sinh, tỷ lệ cận thị ở học sinh đầu cấp là 18%. Nguyên nhân chủ yếu là do thời gian học sinh học thêm, học tối, sử dụng vi tính quá nhiều… khiến mắt làm việc nhiều, thị lực giảm.
Cong vẹo cột sống (CVCS)
Theo kết quả nghiên cứu về bệnh CVCS ở học sinh phổ thông Hà Nội thì tỷ lệ mắc CVCS ở HS Hà Nội. là 18.9%. Đáng lưu ý, HS càng lớp trên càng bị CVCS nhiều hơn, cụ thể khối 1 là 17%, khối 5 là 17,6%, khối 9 là 22,2%. Nguyên nhân là do nhiều trường học hiện nay bàn ghế không đạt chuẩn kích thước bàn ghế không phù hợp với chiều cao học sinh,
Ngoài vấn đề kích thước bàn ghế không phù hợp với tầm vóc học sinh, tư thế ngồi học sai như: Nghiêng, vẹo đầu, xoay vặn người, ngồi lệch một bên, do lao động nặng quá sớm, tư thế bị gò bó như gánh, vác, đội, cõng hoặc bế nách em nhỏ, đeo cặp sách quá nặng, không đều hai bên... cũng là những nguyên nhân khiến trẻ cong vẹo cột sống. Hiện nay, học sinh tiểu học phải mang quá nhiều sách. Trong khi quy định với 40 kg trọng lượng cơ thể, thì chỉ nên mang tương đương 1/10, thì nhiều học sinh tiểu học nặng 25kg phải đeo cặp tới 4kg.
Ngoài ra, trẻ thường thích xem tivi, chơi máy tính... sau giờ học nên không có thời gian vui chơi giải trí, hoạt động cơ bắp thể dục, thể thao, gây quá tải cho hệ cơ xương kéo dài dẫn đến cong vẹo cột sống.
Bệnh rối loạn cảm xúc
Rối loạn tâm thần xếp hàng thứ 10 trong mô hình bệnh tật ở trẻ em Việt Nam. Do áp lực của chương trình trong các nhà trường cũng như những kỳ vọng của gia đình, học sinh phải dành phần lớn thời gian trong ngày cho học tập: Học chính khoá, ngoại khoá ở trường, học thêm, học và làm bài tập ở nhà.
Thời gian học tập kéo dài kết hợp với những hoạt động vui chơi giải trí ít vận động khiến cho học sinh không còn nhiều thời gian cho hoạt động rèn luyện thể lực, hoạt động giao tiếp, thư giãn tinh thần, điều này gây ảnh hưởng xấu tới hệ thần kinh của trẻ.
“Trẻ em hôm nay, thế giới ngày mai”, sức khoẻ trẻ em hôm nay phản ánh khuynh hướng sức khoẻ của mỗi dân tộc trong tương lai. Với tình hình bệnh tật học đường ngày một ra tăng, chúng ta không khó để hình dung sức khoẻ của dân tộc ta trong thời gian tới như thế nào. Vì vậy, phòng chống bệnh tật học đường luôn được coi là một vấn đề cấp bách.
D.Trang