Phấn đấu 100% người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo được hỗ trợ BHYT

Thứ ba, 28/03/2023 09:54
(ThanhtraVietNam) - UBND tỉnh Hà Nam vừa ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh. Theo đó, phấn đấu có 100% người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo được hỗ trợ tham gia BHYT; tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều duy trì mức giảm 0,53%/năm, đến cuối năm 2025 giảm còn 1,56%.

Theo kết quả Tổng rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo cuối năm 2021 (chuẩn nghèo đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2021-2025), tỉnh Hà Nam có 10.327 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 3,69% với 20.631 nhân khẩu; 9.875 hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ 3,53% với 25.513 nhân khẩu. Các nguyên nhân nghèo chủ yếu là do ốm đau bệnh nặng; cao tuổi, không có sức lao động (số hộ nghèo không có khả năng lao động là 6.300 hộ, chiếm 61,01% tổng số hộ nghèo toàn tỉnh).

leftcenterrightdel
 Ảnh minh họa

Tỉnh cũng có 4.464 hộ nghèo thiếu hụt về việc làm, 5.047 hộ thiếu hụt về người phụ thuộc trong hộ gia đình, 368 hộ thiếu hụt về dinh dưỡng, 4.028 hộ thiếu hụt về BHYT, 1.056 hộ thiếu hụt về trình độ giáo dục của người lớn, 262 hộ thiếu hụt về tình trạng đi học của trẻ em, 2.523 hộ thiếu hụt về chất lượng nhà ở, 1.273 hộ thiếu hụt về diện tích nhà ở bình quân đầu người, 707 hộ thiếu hụt về nguồn nước sinh hoạt, 2.201 hộ thiếu hụt về nhà tiêu hợp vệ sinh, 6.297 hộ thiếu hụt về sử dụng dịch vụ viễn thông và 3.544 hộ thiếu hụt về phương tiện phục vụ tiếp cận thông tin.

Để thực hiện mục tiêu giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững, hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo, hỗ trợ người nghèo, hộ nghèo vượt lên mức sống tối thiểu, ngày 17/3/2022, UBND tỉnh Hà Nam ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh. Theo đó, tỉnh đặt mục tiêu tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều duy trì mức giảm 0,53%/năm, phấn đấu đến cuối năm 2025 giảm còn 1,56%.

Cụ thể, tỉnh Hà Nam sẽ tập trung hỗ trợ xây dựng, nhân rộng mô hình, dự án giảm nghèo hỗ trợ phát triển sản xuất kinh doanh, dịch vụ, du lịch, khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh nhằm tạo sinh kế, việc làm, thu nhập bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu, dịch bệnh cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo. Phấn đấu 80% người có khả năng lao động, có nhu cầu thuộc hộ nghèo trên địa bàn tỉnh được hỗ trợ nâng cao năng lực sản xuất nông-lâm-ngư nghiệp, nhằm đổi mới phương thức, kỹ thuật sản xuất, bảo đảm an ninh lương thực, đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng, tăng thu nhập. Triển khai các giải pháp hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo có ít nhất một thành viên trong độ tuổi lao động có việc làm bền vững.

leftcenterrightdel
Ảnh minh họa 

Đối với việc giải quyết mức độ thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản, tỉnh phấn đấu 100% NLĐ thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo có nhu cầu được hỗ trợ kết nối, tư vấn, định hướng nghề nghiệp, cung cấp thông tin thị trường lao động, hỗ trợ tìm việc làm. Tối thiểu 5.000 NLĐ thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo được hỗ trợ kết nối việc làm thành công.

Bên cạnh đó, phấn đấu có 100% người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo được hỗ trợ tham gia BHYT; tỷ lệ trẻ em thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo đi học đúng độ tuổi đạt 100%. Tỷ lệ NLĐ thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo qua đào tạo đạt 60%, trong đó có bằng cấp chứng chỉ đạt 25%; 100% NLĐ thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, NLĐ có thu nhập thấp có nhu cầu được hỗ trợ đào tạo kỹ năng nghề phù hợp.

Để đạt các mục tiêu đề ra, tỉnh sẽ tập trung hỗ trợ đa dạng hóa sinh kế, xây dựng, phát triển và nhân rộng các mô hình, dự án giảm nghèo hỗ trợ phát triển sản xuất kinh doanh, dịch vụ, du lịch, khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh nhằm tạo việc làm, sinh kế bền vững, thu nhập tốt. Đồng thời, nâng cao chất lượng cuộc sống và thích ứng với biến đổi khí hậu, dịch bệnh cho người nghèo; góp phần thực hiện mục tiêu chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, phát huy các giá trị văn hóa của dân tộc, bảo vệ môi trường, tăng trưởng kinh tế và mục tiêu giảm nghèo bền vững.

Hỗ trợ nâng cao năng lực sản xuất nông-lâm-ngư nghiệp; đẩy mạnh phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị, ứng dụng công nghệ cao nhằm đổi mới phương thức, kỹ thuật sản xuất, bảo đảm an ninh lương thực, đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng, tăng thu nhập. Gắn với quy hoạch sản xuất, đề án chuyển đổi cơ cấu sản xuất của địa phương theo hướng sản xuất hàng hóa, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất, phát triển các sản phẩm có tiềm năng, thế mạnh tại địa phương, tạo giá trị gia tăng cho người sản xuất, thoát nghèo bền vững.

Cung cấp thông tin thị trường lao động, đa dạng hóa các hoạt động giao dịch việc làm, kết nối cung cầu lao động, hỗ trợ tạo việc làm bền vững cho NLĐ, ưu tiên NLĐ thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo. Hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo sử dụng dịch vụ viễn thông, tiếp cận thông tin, giảm nghèo về thông tin; nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống thông tin cơ sở; tăng cường tiếp cận thông tin thiết yếu cho cộng đồng dân cư.

PV
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra