Emily Ratajkowski sinh năm 1991, là nữ siêu mẫu nổi tiếng người Mĩ. Bắt đầu bước chân vào giới giải trí từ năm 14 tuổi, cô đã khẳng định mình là một tài năng đa diện khi gặt hái được nhiều thành công trên các lĩnh vực người mẫu, phim ảnh và kinh doanh. Hiện cô sở hữu hơn 30 triệu người theo dõi trên Instagram cá nhân và thương hiệu thời trang @inamoratawoman; thường xuyên xuất hiện trên trang bìa của nhiều tạp chí; đại diện cho các hãng thời trang cao cấp như Versace, Marc Jacobs, Dolce and Gabbana,… cũng như tham gia vào những dự án phim ảnh nổi danh như Cô gái mất tích.
Emily Ratajkowski lần đầu ra mắt cuốn hồi kí của mình vào năm 2021, khi phong trào #MeToo đang gây sốt trên mạng xã hội, thôi thúc cộng đồng tái xem xét văn hoá lạm dụng, tấn công tình dục và hiếp dâm. Ratajkowski đã thêm tên mình vào vô số câu chuyện của những người phụ nữ có trải nghiệm bạo lực giới. Hồi kí của nữ siêu mẫu người Mĩ đã nhanh chóng lọt vào danh sách sách bán chạy nhất của Thời báo New York.
|
|
Cuốn sách Thân em được dịch giả, ThS Lan Võ dịch từ hồi kí của Emily Ratajkowski. Ảnh minh họa: Bìa cuốn sách. |
Trước đó, năm 2020, bài luận “Chuộc lại chính mình” của cô trên tạp chí New York đã mở ra một cuộc tranh luận rộng rãi trong công chúng về quyền sở hữu hình ảnh, trở thành tác phẩm được đọc nhiều nhất trong năm của tạp chí này.
Theo lời dịch giả, ThS Lan Võ, trong cuốn sách Thân em, Ratajkowski đã lấy sự nghiệp người mẫu, diễn viên và doanh nhân của mình làm tiền đề cho cuộc thảo luận về việc phụ nữ kinh doanh hình ảnh cơ thể mình. Thân em sẽ là người bạn đồng hành cho những ai mong muốn nhìn lại mối quan hệ của bản thân với cơ thể, giới và tình dục, cũng như cách chúng ta định vị bản thân trong xã hội. Không ai trong chúng ta sinh ra đã có nhận thức hoàn hảo, hoàn thiện về bản thân, về giới hay quyền lực.
Những trải nghiệm cá nhân này chính là cách Ratajkowski đưa độc giả của mình tới những “vùng xám” của ngành thời trang, giải trí nơi cô đang hoạt động. Không dừng lại ở đó, Ratajkowski còn đặt ra một loạt câu hỏi có tính bản chất, như: Liệu việc một người phụ nữ sử dụng vẻ đẹp cơ thể của mình để kiếm tiền là tốt hay xấu? Cô đang trao quyền cho bản thân, hay cũng đang tham gia vào công cuộc hạ thấp, vật hoá và tình dục hoá cơ thể phụ nữ? Khi bán hình ảnh cơ thể, cô là một nữ doanh nhân hay là nạn nhân của chính chế độ đang nuôi sống cô?
Nhìn rộng ra, Thân em bàn về sự giao thoa giữa các định kiến trong xã hội tư bản gia trưởng với quyền lực, giới và tình dục, cũng như vị trí và vai trò của người nữ trong xã hội ấy.
Với tư cách là dịch giả của cuốn sách Thân em của NXB Phụ nữ, Ths Lan Võ muốn giới thiệu đến độc giả Việt Nam cuốn sách này thông qua một cái tên thân thuộc: một cái tên đã đi vào lòng biết bao thế hệ người Việt, một cái tên gắn liền với sự táo bạo, cất lên tiếng nói trao quyền cho phụ nữ Việt giờ đây đã trở thành một biểu tượng trong giới văn học nói riêng và đại chúng nói chung.
“Lựa chọn dịch tiêu đề là “Thân em” thay vì “Thân tôi” là một quyết định không mấy dễ dàng. Một mặt, tôi muốn nhấn mạnh lập trường, quyền tự quyết và quyền sở hữu của Ratajkowski đối với cơ thể mình qua đại từ nhân xưng “tôi”. Mong rằng cuốn sách sẽ đem lại một trải nghiệm đọc thú vị cho độc giả”, dịch giả chia sẻ./.