Túi nilon - thảm họa gây ô nhiễm môi trường

Thứ năm, 13/06/2019 14:49
(ThanhtraVietNam) - Túi nilon xuất hiện cách đây khoảng 150 năm - do nhà hóa học Anh Alexander Parkes phát minh. Sự ra đời của túi nilon đã mang lại nhiều tiện lợi, nhất là trong việc bao gói hàng hóa, song đến thời điểm này túi nilon đang là một vấn nạn môi trường và nhiều quốc gia đang tìm mọi cách để loại bỏ. Vì thế việc đưa túi nilon vào diện chịu thuế cao nhất trong biểu khung thuế BVMT là chủ trương hợp lý.
Người ta tính rằng, vứt bỏ một túi nilon chỉ tốn 1 giây, nhưng nếu không có sự tác động bởi nhiệt độ cao của ánh sáng mặt trời thì phải mất từ 500 năm đến 1.000 năm mới có thể phân hủy được. Ước tính, mỗi năm nhân loại xài khoảng 500 - 1.000 tỉ túi nhựa. Vì thế, chính phủ đang c chủ trương đưa túi nilon vào diện chịu thuế cao nhất trong biểu khung thuế bảo vệ môi trường.

Tại Việt Nam Túi nilon đã trở thành vật dụng khó có thể thiếu trong cuộc sống thường ngày. Nó gắn với thói quen cố hữu của không ít người dân. Với ưu điểm bền, chắc, tiện dụng và giá thành thấp, túi nilon được sử dụng phổ biến và hầu như có mặt ở mọi nơi, từ cửa hàng nhỏ lẻ đến các siêu thị và những trung tâm thương mại lớn. Như vậy hàng triệu túi nilon được sử dụng và thải ra môi trường hàng ngày.

Tác hại nguy hiểm nhất của túi nilon tới môi trường chính là tính chất rất khó phân hủy trong điều kiện tự nhiên. Chiếc túi nilon nhỏ bé và mỏng manh như vậy nhưng lại có quá trình phân hủy có thể kéo dài từ 500 đến 1.000 năm nếu không bị tác động của ánh sáng mặt trời.

Sự tồn tại của nó trong môi trường sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới đất và nước, bởi túi nilon lẫn vào đất sẽ làm thay đổi tính chất vật lý của đất gây xói mòn đất, làm cho đất không giữ được nước, dinh dưỡng, ngăn cản ôxy đi qua đất ảnh hưởng đến sinh trưởng của cây trồng. Nếu túi nilon bị vứt xuống ao, hồ, sông ngòi sẽ làm tắc nghẽn cống, rãnh, kênh, rạch, gây ứ đọng nước thải và ngập úng dẫn đến sản sinh ra nhiều vi khuẩn gây bệnh.

Nghiêm trọng hơn, môi trường đất và nước bị ô nhiễm bởi túi nilon sẽ ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp tới sức khỏe con người. Thực tế nhiều loại túi nilon được làm từ dầu mỏ nguyên chất khi chôn lấp sẽ ảnh hưởng tới môi trường đất và nước, còn đốt chúng sẽ tạo ra khí thải có chất độc dioxin và furan gây ngộ độc, ảnh hưởng tuyến nội tiết, gây ung thư, giảm khả năng miễn dịch,…

Theo thống kê của Ủy ban Châu Âu, lục địa này sản xuất 3,4 triệu tấn túi nilon trong năm 2008, tương đương khối lượng của hai triệu xe hơi. Mỗi người dân châu Âu dùng 500 túi nilon mỗi năm. Ủy ban Châu Âu hiện đang xem xét việc cấm sử dụng túi nilon hoặc áp đặt thuế đối với người dùng chúng để giảm mức độ ô nhiễm môi trường. Một số nước thuộc EU đã cấm sử dụng túi nilon trong các cửa hàng, siêu thị. Nếu người dân muốn sử dụng chúng, họ phải trả tiền thuế.

Ngay một số quốc gia ở châu Phi như Uganda, Kenya, Tanzania... cũng đang có những động thái cấm nhập khẩu, sản xuất, tăng thuế đối với mặt hàng túi nhựa nhằm hạn chế tối đa những ảnh hưởng tiêu cực đối với môi trường.

Ở nước ta, việc nghiên cứu và sản xuất túi nilon tự phân hủy gần đây mới bắt đầu. Sản phẩm của chủ yếu mới dừng lại ở những đơn đặt hàng của các bệnh viện lớn để đựng rác thải y tế, vì loại túi nilon này khi đốt cùng với rác thải sẽ không sinh ra khí CO2 , CH4 và chất dioxin độc hại. Nhưng túi nilon tự phân hủy có những hạn chế nhất định như giá cao (gấp 3-4 lần túi nilon bình thường), túi không để lâu được... Nhà nước nên tạo điều kiện, đầu tư vốn với lãi suất bằng không cho doanh nghiệp sản xuất thí điểm túi nilon tự hủy với giá thành hợp lý. Cơ quan chức năng cần xử phạt hoặc đánh thuế cao những cơ sở làm túi nilon; thanh tra, kiểm tra dừng hoạt động đối với những đơn vị không đạt tiêu chuẩn quy định... 

Bên cạnh đó, việc tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân cũng phải được phối hợp đồng bộ, thường xuyên để không rơi vào tình trạng bùng lên thành đợt, rồi lại “im thin thít, lặn mất tăm” một thời gian dài sau đó. Bộ Tài nguyên và Môi trường cần chấn chỉnh công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm ô nhiễm môi trường

Hiện nay mỗi ngày, người dân Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung đang sử dụng cũng như thải ra một lượng túi nylon khổng lồ. Mặc dù tiện sử dụng, nhưng phải mất hàng trăm năm, một chiếc túi nylon mới được phân hủy hoàn toàn. Do đó, việc thay đổi thói quen sử dụng túi nylon của đại đa số người dân Việt Nam hiện nay là rất cần thiết. Và trước mắt mỗi người hãy tập thói quen hạn chế sử dụng túi nilon khi không thật cần thiết, góp phần hạn chế số lượng túi nilon thải ra môi trường hằng ngày. Và việc tăng thuế đối với túi nilon cũng là một giải pháp cần thiết./.

Dương Thái




Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra