Nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật về phòng, chống thiên tai

Thứ ba, 09/11/2021 15:58
ThanhtraVietNam) - Trong bối cảnh ngày càng nhiều hình thái thời tiết cực đoan, mưa lũ bất thường ...do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, Hội nghị tuyên truyền phổ biến Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều do Tổng cục Phòng, chống thiên tai tổ chức ngày 9/11 kết nối trực tuyến tới 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và 700 huyện, gần 1000 điểm cầu đến các huyện là hết sức ý nghĩa và cần thiết.

leftcenterrightdel
Tổng cục Phòng chống thiên tai tại một hội nghị - Ảnh: phongchongthientai .mard.gov.vn

Luật Phòng, chống thiên tai được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 19/6/2013 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/5/2014. Luật Đê điều được Quốc hội khóa XI thông qua ngày 29 tháng 11 năm 2006 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2007. Luật Phòng, chống thiên tai, Luật Đê điều và các văn bản hướng dẫn các Luật này đã tạo hành lang pháp lý trong công tác phòng chống thiên tai, công tác quản lý đê điều, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước và từng địa phương. Tuy nhiên, trong quá trình thi hành các Luật qua 13 năm với Luật đê điều và 6 năm Luật Phòng chống thiên tai đã phát sinh một số bất cập, vướng mắc lớn, cần thiết phải sửa đổi, bổ sung để phù hợp với tình hình hiện nay.

Đồng thời, thực hiện Nghị quyết số 78/2019/QH14 về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh 2020, điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh 2019, Chính phủ đã tổ chức xây dựng dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều. Trong hai năm 2019 và 2020, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tiến hành xây dựng trình Chính phủ và Quốc hội dự thảo Luật. Ngày 17/06/2020, tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV đã thông qua Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Phòng chống thiên tai và Luật đê điều; Thực hiện Quyết định số 1109/QĐ-TTg ngày 24/7/2019 Ban hành danh mục và phân công cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản quy định chi tiết thi hành luật, nghị quyết đã được Quốc hội khóa XIV, kỳ họp thứ 9. Tổng cục PCTT, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tiến hành xây dựng 02 Nghị định, 02 Quyết định và 03 Thông tư.

Tại Hội nghị, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng, chống thiên tai Nguyễn Văn Tiến phát biểu, "nhằm tôn vinh, hưởng ứng Ngày pháp luật Việt Nam, đồng thời triển khai, hướng dẫn thi hành Luật và các văn bản quy định chi tiết được kịp thời, hiệu quả, hôm nay, Tổng cục Phòng, chống thiên tai tổ chức Hội nghị tuyên truyền, phổ biến Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều. Chúng tôi tin tưởng rằng, Hội nghị ngày hôm nay sẽ góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác triển khai, thực thi pháp luật; nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật về phòng, chống thiên tai của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thực hiện nhiệm vụ phòng chống thiên tai trên toàn quốc".

Trước đó, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng, chống thiên tai Nguyễn Văn Tiến cũng ôn lại kỷ niệm, cách đây 75 năm, ngày 09/11/1946 đã đi vào lịch sử, như là mốc son chói lọi trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta - ngày Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam mới ban hành bản Hiến pháp Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Đến năm 2013, Luật Phổ biến và giáo dục pháp luật ghi nhận ngày 09/11 hàng năm là Ngày Pháp luật Việt Nam.

Theo lãnh đạo Tổng cục Phòng, chống thiên tai, Ngày Pháp luật là sự kiện chính trị, pháp lý có ý nghĩa nhân văn, ý nghĩa xã hội sâu sắc, khơi dậy trong mọi công dân ý thức về trách nhiệm, bổn phận và quyền lợi của mình mà tham gia một cách tích cực vào các sinh hoạt của đời sống chính trị và đời sống xã hội. Ngày Pháp luật có ý nghĩa giáo dục sâu sắc trong việc đề cao giá trị của pháp luật trong Nhà nước pháp quyền, hướng mọi tổ chức, cá nhân tính tích cực tham gia với hành vi, thái độ xử sự pháp luật đúng đắn, đề cao quyền cũng như nghĩa vụ của công dân trong học tập, tìm hiểu pháp luật và tự giác chấp hành pháp luật. Qua đó, góp phần nâng cao ý thức và niềm tin pháp luật, từng bước xây dựng và củng cố các giá trị văn hóa pháp lý trong cuộc sống xã hội. Đây là mô hình hiệu quả để vận động, khuyến khích, kêu gọi toàn thể nhân dân chung sức, đồng lòng vì sự nghiệp xây dựng và hoàn thiện Nhà nước, phát huy triệt để tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc cùng tích cực hành động vì một Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh./.

Việt Anh

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra