Thanh tra, điều tra, xử lý hành vi thao túng giúp minh bạch thị trường chứng khoán

Thứ hai, 20/09/2021 17:54
(ThanhtraVietnam) - Hơn 20 năm hình thành, thị trường chứng khoán Việt Nam đã phát triển mạnh, trở thành kênh dẫn vốn quan trọng cho nền kinh tế. Các hành vi vi phạm trong lĩnh vực chứng khoán xảy ra gần đây như: tạo cung cầu giả để thao túng thị trường, cung cấp thông tin sai sự thật, chậm hoặc không báo cáo thông tin giao dịch…đang làm ảnh hưởng không nhỏ đến niềm tin, lợi ích các nhà đầu tư, đến tính công khai, minh bạch của thị trường. Do đó việc thanh tra, điều tra và xử lý các vi phạm sẽ góp phần củng cố niềm tin của nhà đầu tư, ý thức tuân thủ pháp luật trong hoạt động chứng khoán.

Phạt tù đối tượng thao túng thị trường chứng khoán

Cuối tháng 8 vừa qua, Công an TP Hà Nội cho biết, các phòng nghiệp vụ của cơ quan này đã phối hợp chặt chẽ với UBCK trong xác minh, điều tra, làm rõ một số vụ việc có dấu hiệu giao dịch thao túng TTCK giúp thực hiện xử phạt vi phạm hành chính đối với các đối tượng trong vụ việc chưa đến mức xử lý hình sự với mức phạt tiền cao. Đồng thời, tiếp tục phối hợp, trao đổi thông tin với UBCK trong xử lý các vụ việc trên thị trường chứng khoán.

Dựa trên kết quả xác minh của cơ quan công an, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) đã ban hành 2 quyết định xử phạt với tổng số tiền là 1,2 tỷ đồng đối với 2 cá nhân cư trú tại TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh do đã có hành vi sử dụng 50 tài khoản để giao dịch nhằm tạo cung cầu giả, thao túng cổ phiếu FTM của Công ty Cổ phần Đầu tư và phát triển Đức Quân. Hành vi của 2 người này được cơ quan công an xác định không có số lợi bất hợp pháp từ hành vi vi phạm, chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.

Cũng trong tháng 8/2021, Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông TP Hà Nội đã ban hành quyết định xử phạt số tiền 15 triệu đồng đối với 1 cá nhân do đã có hành vị cung cấp thông tin sai sự thật, cung cấp văn bản giả mạo của Sở Giao dịch chứng khoán TP Hồ Chí Minh thông qua nhóm Zalo “Room SSI – Cổ phiếu”. Vụ việc này được xử lý dựa trên kết quả xác minh của Phòng An ninh mạng và chống tội phạm sử dụng công nghệ cao thuộc Công an TP Hà Nội.

Theo UBCK, năm 2020, qua công tác thanh tra, giám sát, cơ quan này đã ra quyết định xử phạt đối với 380 tổ chức, cá nhân với tổng số tiền phạt và buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp hơn 22 tỷ đồng; có 02 vụ án liên quan đến thao túng TTCK đã được đưa ra xét xử. Điển hình như vụ án Phạm Thị Hinh - Chủ tịch HĐQT Công ty Công nghiệp và Khoáng sản Bình Thuận và Công ty Chứng khoán VSM cấu kết với người ngoài, chỉ đạo nhân viên tạo ra cung cầu giả để hưởng lợi gần 9 tỷ đồng đã bị phạt 18 tháng tù về tội thao túng TTCK. Ba đồng phạm, mỗi bị cáo bị phạt 15 tháng tù treo.

Sáu tháng đầu năm nay, dù dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, gây nhiều khó khăn nhưng UBCK đã luôn sát sao trong công tác giám sát thị trường chứng khoán (TTCK); đã triển khai 7 đoàn kiểm tra đột xuất giao dịch của nhà đầu tư đối với 7 mã cổ phiếu; đã ban hành tổng cộng 190 quyết định xử phạt hành chính đối với 156 cá nhân và 34 tổ chức với tổng số tiền phạt là 5,66 tỷ đồng.

Thống kê của phóng viên cho thấy, chỉ trong 2 tháng 7 và 8/2021, thông qua công tác thanh tra giám sát, UBCK đã ban hành hơn 40 quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với nhiều cá nhân, tổ chức (kể cả tổ chức nước ngoài) đã có hành vi không báo cáo về việc dự kiến giao dịch, công bố thông tin không đúng thời hạn, không công bố thông tin khi khi sở hữu 5% trở lên, không còn là cổ đông lớn…và cả hành vi thao túng chứng khoán với mức phạt tiền hàng chục triệu đồng đến hàng trăm triệu đồng cho mỗi trường hợp, thậm chí có trường hợp phải chịu hình phạt bổ sung là đình chỉ giao dịch chứng khoán như vụ việc một cá nhân bị phạt số tiền hơn 940 triệu đồng do đã có hành vi không công bố thông tin về việc dự kiến giao dịch cổ phiếu của một ngân hàng.

Phải cung cấp thông tin tín dụng, viễn thông cho thanh tra chứng khoán

Mặc dù hoạt động thanh tra, giám sát, xử lý vi phạm đã được đẩy mạnh nhưng các hành vi vi phạm trong lĩnh vực chứng khoán vẫn đang diễn ra với mức độ ngày càng tinh vi, phức tạp hơn. Vậy việc thanh tra, giám sát các hành vi vi phạm pháp luật trong giao dịch chứng khoán được quy định thế nào?

Thanh tra chứng khoán có nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về chứng khoán và TTCK; xử phạt vi phạm hành chính theo thẩm quyền hoặc kiến nghị Chủ tịch UBCK quyết định về việc xử phạt vi phạm hành chính; phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan trong việc phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, xử lý hành vi vi phạm pháp luật về chứng khoán và TTCK.

Trong thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật về chứng khoán và TTCK, UBCK có quyền yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân giải trình, đến làm việc, cung cấp thông tin, tài liệu, dữ liệu liên quan đến nội dung thanh tra, kiểm tra; yêu cầu tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cung cấp thông tin liên quan đến giao dịch trên tài khoản của khách hàng đối với các trường hợp có dấu hiệu thực hiện hành vi bị nghiêm cấm; yêu cầu doanh nghiệp viễn thông cung cấp tên, địa chỉ, số máy gọi, số máy được gọi, thời gian gọi để xác minh, xử lý hành vi bị nghiêm cấm.

Luật Chứng khoán năm 2019 (có hiệu lực từ 1/1/2021) đã quy định nhiều hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động chứng khoán và TTCK như: Trực tiếp hoặc gián tiếp thực hiện hành vi gian lận, lừa đảo, làm giả tài liệu, tạo dựng thông tin sai sự thật hoặc công bố thông tin sai lệch hoặc che giấu thông tin hoặc bỏ sót thông tin cần thiết gây hiểu nhầm nghiêm trọng làm ảnh hưởng đến hoạt động chào bán, niêm yết, giao dịch, kinh doanh, đầu tư chứng khoán, cung cấp dịch vụ về chứng khoán; Sử dụng thông tin nội bộ để mua, bán chứng khoán cho chính mình hoặc cho người khác; tiết lộ, cung cấp thông tin nội bộ hoặc tư vấn cho người khác mua, bán chứng khoán trên cơ sở thông tin nội bộ; Sử dụng một hoặc nhiều tài khoản giao dịch của mình hoặc của người khác hoặc thông đồng để thực hiện việc mua, bán chứng khoán nhằm tạo ra cung, cầu giả tạo; giao dịch chứng khoán bằng hình thức cấu kết, lôi kéo người khác mua, bán để thao túng giá chứng khoán; kết hợp hoặc sử dụng các phương pháp giao dịch khác hoặc kết hợp tung tin đồn sai sự thật, cung cấp thông tin sai lệch ra công chúng để thao túng giá chứng khoán…

Nghị định số 156/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và TTCK quy định thao túng TTCK là hành vi bị nghiêm cấm, gồm các hành vi: Sử dụng một hoặc nhiều tài khoản giao dịch của mình hoặc của người khác hoặc thông đồng liên tục mua, bán chứng khoán nhằm tạo ra cung, cầu giả tạo; Đặt lệnh mua và bán cùng loại chứng khoán trong cùng ngày giao dịch hoặc thông đồng với nhau giao dịch mua, bán chứng khoán mà không dẫn đến chuyển nhượng thực sự quyền sở hữu hoặc quyền sở hữu chỉ luân chuyển giữa các thành viên trong nhóm nhằm tạo giá chứng khoán, cung cầu giả tạo; Liên tục mua hoặc bán chứng khoán với khối lượng chi phối vào thời điểm mở cửa hoặc đóng cửa thị trường nhằm tạo ra mức giá đóng cửa hoặc giá mở cửa mới cho loại chứng khoán đó trên thị trường; Giao dịch chứng khoán bằng hình thức cấu kết, lôi kéo người khác liên tục đặt lệnh mua, bán chứng khoán gây ảnh hưởng lớn đến cung cầu và giá chứng khoán, thao túng giá chứng khoán; Đưa ra ý kiến một cách trực tiếp hoặc gián tiếp thông qua phương tiện thông tin đại chúng về một loại chứng khoán, về tổ chức phát hành chứng khoán nhằm tạo ảnh hưởng đến giá của loại chứng khoán đó sau khi đã thực hiện giao dịch và nắm giữ vị thế đối với loại chứng khoán đó; Sử dụng các phương thức hoặc thực hiện các hành vi giao dịch khác hoặc kết hợp tung tin đồn sai sự thật, cung cấp thông tin sai lệch ra công chúng để tạo cung cầu giả tạo, thao túng giá chứng khoán.

Cũng theo Nghị định này, hành vi thao túng TTCK sẽ bị phạt tiền 10 lần khoản thu trái pháp luật nhưng không thấp hơn mức phạt tiền tối đa quy định tại Khoản 2 Điều 5 Nghị định này đối với hành vi chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Trường hợp không có khoản thu trái pháp luật hoặc mức phạt tính theo khoản thu trái pháp luật thấp hơn mức phạt tiền tối đa quy định tại Khoản 2 Điều 5 Nghị định này thì áp dụng mức phạt tiền tối đa quy định tại Khoản 2 Điều 5 Nghị định này để xử phạt. Khoản 2 Điều 5 Nghị định này quy định, mức phạt tiền tối đa trong xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi vi phạm khác trong lĩnh vực chứng khoán là 3 tỷ đồng đối với tổ chức và 1,5 tỷ đồng đối với cá nhân. Hình thức xử phạt bổ sung đối với hành vi vi phạm trên là đình chỉ hoạt động kinh doanh, dịch vụ chứng khoán; tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề chứng khoán và biện pháp khắc phục hậu quả là buộc nộp lại khoản thu trái pháp luật có được do thực hiện hành vi vi phạm.

 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định về tội thao túng TTCK bị phạt tiền lên lên tới 4 tỷ đồng hoặc phạt tù lên tới 7 năm. Pháp nhân thương mại phạm tội, ngoài hình thức phạt tiền còn có thể bị cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định từ 01 năm đến 3 năm, cấm huy động vốn từ 01 năm đến 3 năm hoặc bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn.


Đăng Tân

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra