Tăng cường kiểm tra, ngăn chặn kịp thời vi phạm về đê điều từ khi mới phát sinh

Thứ năm, 09/12/2021 14:53
(ThanhtraVietNam) - Đó là một trong những giải pháp quan trọng, nhằm quản lý đê điều, phòng chống lụt bão năm 2022 được xác định tại Hội nghị trực tuyến tập huấn kỹ thuật hộ đê, phòng, chống lụt bão cho lực lượng chuyên trách quản lý đê điều các tỉnh, thành phố có đê từ cấp III đến cấp đặc biệt, do Tổng cục Phòng, chống thiên tai (PCTT) mới tổ chức.
leftcenterrightdel
Hội nghị trực tuyến tập huấn kỹ thuật hộ đê, phòng, chống lụt, bão cho lực lượng chuyên trách quản lý đê điều các tỉnh - Ảnh: Việt Anh.

Theo Tổng cục PCTT, từ đầu năm 2021 đến nay, mặc dù không xảy ra lũ lớn trên hệ thống sông có đê từ cấp III đến cấp đặc biệt, tuy nhiên, hệ thống đê điều tiếp tục xảy ra 73 sự cố tại nhiều địa phương. Cùng với đó, hiện nay, công tác đảm bảo an toàn đê điều vẫn còn rất nhiều khó khăn, thách thức. Tình hình vi phạm pháp luật về đê điều vẫn diễn ra hết sức phức tạp trong khi việc ngăn chặn, xử lý còn hạn chế. Đặc biệt là tình trạng lấn chiếm sử dụng trái phép bãi sông để xây nhà ở, nhà xưởng, công trình, xe quá tải trọng được phép đi trên đê làm hư hỏng mặt đê. Nhiều địa phương triển khai các dự án xây dựng công trình, nhà ở phục vụ phát triển kinh tế - xã hội ở bãi sông trong khi quy hoạch tỉnh chưa được phê duyệt...

Để khắc phục những tồn tại nêu trên, theo Tổng Cục PCTT, trong năm 2022 sẽ tập trung vào đánh giá hiện trạng hệ thống đê điều; xác định trọng điểm xung yếu đê điều; xây dựng, phê duyệt và triển khai trên thực tế phương án bảo vệ trọng điểm. Đồng thời, Tổng cục cũng phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức phát quang mái, chân đê; phát hiện, xử lý kịp thời các sự cố đê điều. Đối với lực lượng chuyên trách quản lý đê điều phải tăng cường tuần tra, bám tuyến, bám sát địa bàn để kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý vi phạm ngay từ khi mới phát sinh. 

leftcenterrightdel
Một số kết quả công tác quản lý đê điều - Ảnh chụp màn hình: Việt Anh.

Tại Hội nghị, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục PCTT Phạm Đức Luận cho biết, mặc dù năm 2021 không có lũ lớn trên các tuyến sông có đê, nhưng hệ thống đê điều cũng đã xảy ra nhiều sự cố. Trong đó, có những sự cố nghiêm trọng uy hiếp đến an toàn đê như: sự cố sạt lở đê tả Thao, tỉnh Phú Thọ; sạt lở kè Nghi Xuyên, đê tả Hồng, tỉnh Hưng Yên; nứt đê nghiêm trọng tại tuyến đê tả Đáy, thành phố Hà Nội; sụt lún đê hữu Đáy, tỉnh Ninh Bình… 

leftcenterrightdel
Quang cảnh Hội nghị - Ảnh: Việt Anh.

Qua thực tế công tác chỉ đạo, điều hành phòng, chống lụt, bão và khắc phục hậu quả lụt, bão gây ra nhiều năm qua đã cho thấy nhiệm vụ của lực lượng quản lý đê có vai trò rất quan trọng. Đây là lực lượng trực tiếp chỉ đạo triển khai xử lý sự cố đê ngay từ giờ đầu, hạn chế được thiệt hại do lũ, bão gây ra; kiểm tra ngăn chặn, xử lý vi phạm pháp luật về đê điều. Do vậy công tác tập huấn kỹ thuật hộ đê cho lực lượng này để chủ động, sẵn sàng ứng phó với thiên tai, lũ bão, đảm bảo an toàn hệ thống đê điều là rất quan trọng và cần thiết./.

Việt Anh.

 

 

 

 

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra