Chiếm dụng để cho thuê?
Thực tế, đến thời điểm hiện tại vẫn còn 294 hộ dân, tổ chức nằm trong khuôn viên DA Công viên lịch sử - Văn hóa dân tộc không thực hiện bàn giao mặt bằng. Trong đó, có nhiều mặt bằng bị lấn chiếm hoặc tái chiếm sau khi có Kết luận thanh tra số số 25/KL-TTTP-P5. Ngay đối với 19 hợp đồng cho doanh nghiệp thuê đất thì cũng chỉ có năm hợp đồng được thanh lý và bàn giao mặt bằng; hai hợp đồng thanh lý và thống nhất bàn giao mặt bằng gồm Công ty Sài Gòn Đông Dương và Công ty Sỹ Đăng; Tám hợp đồng thanh lý chưa bàn giao mặt bằng; bốn trường hợp không chấp hành thanh lý hợp đồng và bàn giao mặt bằng. Có những trường hợp nhiều lần được Ban quản lý DA, UBND phường Long Bình, UBND quận 9 mời lên làm việc nhưng vẫn không chịu trả mặt bằng. Ngay như trường hợp ông Lê Hoài Sơn lấn chiếm 2.000 m2 đất tại vị trí một phần thửa đất số 6, tờ bản đồ số 46, thuộc Công viên lịch sử - Văn hóa dân tộc đã bị UBND phường lập biên bản xử phạt hành chính nhưng vẫn không nộp phạt mà vẫn tái chiếm sử dụng.
Một vấn đề đặt ra là: Những tổ chức, cá nhân là ai mà ngang nhiêm chiếm dụng đất công tại Công viên lịch sử - Văn hóa dân tộc?. Trong vai những người đi thuê lại mặt bằng để kinh doanh trong khuôn viên Công viên lịch sử - Văn hóa dân tộc, chúng tôi nhận thấy, nhiều mặt bằng đang bị các doanh nghiệp, cá nhân lấn chiếm (kể cả mặt bằng chấm dứt hợp đồng thuê từ cuối năm 2018) vẫn hoạt động kinh doanh bình thường. Nhiều điểm hoạt động kinh doanh trong các nhóm ngành hoạt động có điều kiện như kinh doanh gỗ, bãi cát và đá xây dựng… Trong đó, trường hợp Công ty CP tiếp vận Mê Kông với diện tích cho thuê là 2,6 ha, thời hạn trong vòng một năm (hết hạn hợp đồng thuê ngày 31/12/2018) và năm 2019 các cấp chính quyền bốn lần mời lên làm việc nhưng đến nay vẫn cố tình trì hoãn, kéo dài thời gian bàn giao mặt bằng. Thậm chí, đơn vị này còn đang tiếp tục tìm kiếm đối tác để cho thuê lại mặt bằng kinh doanh tại vị trí đất đang lấn chiếm. Theo quan sát của chúng tôi, tại thời điểm giữa tháng 5/2020 tại kho bãi của Công ty CP tiếp vận Mê Kông đang chứa hàng nghìn m2 khối gỗ lớn. Tương tự, trường hợp trong khuôn viên đất của ông Lê Hoài Sơn lấn chiếm vẫn còn hàng chục container phơi bầy công khai với các loại cây gỗ lớn được tập kết ở đây.
Cần kiểm soát chặt chẽ hàng hóa tại các bãi chiếm dụng đất công
Ở đây, có thể dễ dàng nhận thấy là với những điều kiện hoạt động theo dạng lấn chiếm mặt bằng thì chắc chắn thiếu các điều kiện để kinh doanh như giấy phép đăng ký kinh doanh, nhưng các cơ sở tư nhân, doanh nghiệp này vẫn đang tồn tại và công khai hoạt động trong một thời gian dài. Vậy những loại hàng hóa tại các kho bãi nêu trên liệu có phải là hàng buôn lậu, hàng gian…và chỉ có cơ quan chức năng vào cuộc kiểm tra mới có thể thấy rõ (?).
Trong khi đó, nhiều trường hợp đang thể hiện sự cố tình bất hợp tác và có biểu hiện chống đối trong thực hiện theo Kết luận của Thanh tra. Cụ thể, như Công ty TNHH Đầu tư sản xuất thương mại Ngọc Thành với diện tích thuê là 2,2 ha, thời hạn thuê sáu tháng (hết hạn hợp đồng ngày 31/12/2018), cơ quan chức năng đã bốn lần mời lên làm việc nhưng đều vắng mặt và không có phản hổi, không chịu bàn giao mặt bằng. Đây là doanh nghiệp hoạt động kinh doanh bến thủy nội địa và liên quan trực tiếp đến giấy phép hoạt động kinh doanh của Công ty TNHH Lê Vũ có địa chỉ số 34B ấp cầu Ông Tám, phường Long Bình, quận 9.
Ngày 2008/2019, Sở Giao thông Vận tải TP Hồ Chí Minh đã có Quyết định số 3833/QĐ-SGTVT về việc đình chỉ hoạt động bến thủy nội địa Long Phú 1 trên sông Đồng Nai thuộc phường Long Bình quận 9 của Công ty TNHH Long Vũ. Với lý do: Giấy phép hoạt động bến thủy nội địa đã hết hạn; Ý kiến không cấp lại giấy phép bến thủy nội địa Ngọc Thành của UBND quận 9 tại Công văn số 651/UBND-QLĐT ngày 15-03-2019. Theo điều 2 của Quyết định này: Xóa tên bến thủy nội địa Long Phú 1 thuộc phường Long Bình của Công ty TNHH Lê Vũ trong danh mục cảng, bến thủy nội địa lưu giữ tại bộ phận quản lý cảng, bến thủy nội địa của Sở Giao thông vận tải. Tuy vậy, đến nay bến thủy nội địa Long Phú 1 vẫn ngang nhiên hoạt động.
Thiên Ân