Giải quyết đơn thuộc thẩm quyền đạt 51%
Đồng Nai là tỉnh có nền kinh tế phát triển theo hướng công nghiệp - dịch vụ, cùng với sự phát triển kinh tế thì công tác thu hồi đất, thực hiện chính sách bồi thường ít nhiều ảnh hưởng đến đời sống của người dân có đất bị thu hồi, mặc dù địa phương đã chủ động áp dụng nhiều chính sách có lợi cho người dân, nhưng vẫn không tránh khỏi việc khiếu nại, phản ánh, kiến nghị của người dân.
Trong quý I/2025, toàn tỉnh đã nhận mới số lượng đơn khiếu nại, tố cáo, phản ánh, kiến nghị là 2.813; giảm 354 đơn, tương đương giảm 11% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm trước tiếp nhận mới 3.167). Về đơn khiếu nại thuộc thẩm quyền tiếp nhận mới trong kỳ là 197 đơn, tăng 40 đơn, tương đương tăng 25% so với cùng kỳ năm. Đơn tố cáo thuộc thẩm quyền tiếp nhận mới trong kỳ là 09 đơn, giảm 05 đơn, tương đương giảm 36% so với cùng kỳ năm trước.
Trong kỳ, toàn tỉnh đã tiếp 2.513 lượt với số người được tiếp là 3.445 người của 2.480 vụ việc; giảm 572 lượt, giảm 409 người so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, có 11 lượt đoàn đông người, với 472 người; giảm 21 lượt, giảm 244 người so với cùng kỳ.
    |
 |
Hình ảnh Thanh tra tỉnh Đồng Nai tổ chức hội nghị triển khai nhiệm vụ 2025 (Ảnh: ĐT) |
Về giải quyết đơn thuộc thẩm quyền, trong kỳ, toàn tỉnh đã giải quyết đã giải quyết 1.019/1.999 đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh thuộc thẩm quyền, đạt tỷ lệ 51%. Trong đó, đơn 148 khiếu nại, 09 đơn tố cáo, 862 đơn kiến nghị, phản ánh.
Nguyên nhân phát sinh đơn
Theo Thanh tra tỉnh, nguyên nhân phát sinh đơn thư là do mức giá áp dụng bồi thường cho dân khi Nhà nước thu hồi đất được tính theo từng dự án, tuy nhiên mức giá bồi thường vẫn chưa được một số người dân vừa ý cho rằng mức giá bồi thường chưa bảo đảm quyền lợi chính đáng của người dân. Bên cạnh đó, giá đất trên thị trường liên tục biến động tăng lên, nên có sự chênh lệch giữa giá bồi thường với giá thị trường dẫn đến khiếu nại.
Bên cạnh đó, chính sách bồi thường, hỗ trợ về đất đai quy định ngày càng có lợi cho người dân, dẫn đến một số trường hợp trước đây đã được bồi thường nay tiếp tục yêu cầu được áp dụng chính sách mới có lợi hơn, làm cho khiếu nại kéo dài.
Nhận thức của một bộ phận người dân về chính sách, pháp luật còn hạn chế; một số trường hợp hiểu rõ các quy định của pháp luật, song cố tình không chấp hành.
Ngoài ra, công tác quản lý, sử dụng đất đai tại một số địa phương chưa chặt chẽ; một số ít cán bộ, công chức làm công tác bồi thường còn hạn chế về nghiệp vụ…
Nhiêm vụ trọng tâm trong thời gian tới
Từ những kết quả đạt được nêu trên, Thanh tra tỉnh cũng đề ra phương hướng nhiệm vụ trong thời gian tới, đó là:
Tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 35-CT/TW ngày 26/5/2014 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo; Chỉ thị số 22-CT/TU ngày 29/4/2014 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân trên địa bàn tỉnh.
Bên cạnh đó, tập trung tham mưu cho lãnh đạo cùng cấp giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền theo đúng quy định pháp luật; tiếp tục theo dõi, đôn đốc việc thi hành quyết định giải quyết khiếu nại và kết luận nội dung tố cáo có hiệu lực pháp luật. Tiếp tục rà soát, triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp xử lý, giải quyết các vụ việc theo các kế hoạch số của Thanh tra Chính phủ và các kế hoạch, kết luận của Tỉnh ủy.
Ngoài ra, thực hiện tốt Kế hoạch số 23/KH-UBND ngày 26/01/2022 của Chủ tịch UBND tỉnh về khắc phục, chấn chỉnh các hạn chế, thiếu sót trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo đã được Thanh tra Chính phủ chỉ ra tại kết luận số 1739/KL-TTCP ngày 30/9/2021.
Về giải pháp cụ thể, lãnh đạo các cấp, các ngành phải quan tâm chỉ đạo cơ quan tham mưu chọn những vụ việc phức tạp đề xuất lãnh đạo mời dân để tiếp, nắm bắt nội dung vụ việc để có hướng xử lý dứt điểm vụ việc hoặc xin ý kiến cấp trên nếu trong trường hợp vượt thẩm quyền của mình; gắn công tác tiếp công dân với giải quyết khiếu nại, tố cáo để qua đó, giải thích, vận động, thuyết phục người dân thực hiện theo chủ trương Đảng và chính sách của Nhà nước.
Quá trình giải quyết đơn thư phải có sự tham gia phối hợp của nhiều cấp, nhiều ngành để có sự thống nhất hướng xử lý, giải quyết vụ việc đúng pháp luật, hợp tình hợp lý; nếu có vướng mắc, khó khăn, đơn vị, địa phương phải có văn bản xin ý kiến cơ quan chuyên môn có chức năng tham mưu các lĩnh vực liên quan đến nội dung khiếu nại, tố cáo để đảm bảo việc giải quyết khiếu nại, tố cáo đúng quy định của pháp luật; đồng thời, cơ quan chuyên môn phải kịp thời phản hồi, không để kéo dài làm ảnh hưởng đến tiến độ giải quyết đơn của đơn vị, địa phương.
Song song với đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động tranh thủ các chức sắc và giáo dân để họ đồng thuận với chủ trương giải quyết của chính quyền, nhất là các vụ việc khiếu kiện đông người, phức tạp, kéo dài.
Thường xuyên tự giám sát công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo tại cơ quan; kịp thời chỉ đạo xử lý các tình huống phát sinh để hạn chế vụ việc phức tạp, kéo dài; siết chặt kỷ cương, kỷ luật của cán bộ, công chức, viên chức trong thực hiện nhiệm vụ, công vụ; các vụ việc liên quan đến việc thực hiện chức năng quản lý nhà nước phải được giải quyết theo trình tự, thủ tục pháp luật quy định; không để xảy ra vi phạm dẫn đến phát sinh đơn.
Lựa chọn, bố trí công chức thực hiện tiếp công dân có phẩm chất đạo đức tốt, vững về pháp luật, nghiệp vụ, có khả năng “dân vận tốt”; hướng dẫn, giải thích, thuyết phục để công dân hiểu và chấp hành đúng pháp luật về khiếu nại, tố cáo.