Chứng chỉ nhiều người muốn có - nhưng phải hợp lệ!
Những ngày qua, sau khi Kết luận thanh tra số 18/KL-TTr ngày 24/4/2024 của Thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo đươc công bố, dư luận dành nhiều sự quan tâm về 56.230 chứng chỉ Tiếng anh IELTS đã được Công ty Trách nhiệm hữu hạn Giáo dục IDP (Việt Nam) (sau đây gọi tắt là Công ty) cấp trong giai đoạn 01/01/2022 đến 16/11/2022 - mà theo Kết luận thanh tra, hơn 56.000 chứng này đã được cấp trái phép!
Các bậc phụ huynh và con em họ, những đối tượng được cấp chứng chỉ IELTS như ngồi trên “đống lửa”, tâm trạng hoang mang, lo sợ rằng khi những chứng chỉ này không được công nhận thì những kết quả liên quan đến việc xét tuyển, thi tuyển,… dựa vào chứng chỉ này có còn hợp lệ, có bị hủy bỏ không? Và chứng chỉ này có còn giá trị sử dụng tại Việt Nam hay không? Rất nhiều câu hỏi, băn khoăn, lo lắng được phụ huynh và học sinh quan tâm trong suốt những ngày qua.
Phải thẳng thắn thừa nhận rằng, việc sở hữu 1 chứng chỉ IELTS hợp lệ là một sự khẳng định và đánh giá về trình độ, năng lực Tiếng anh của các em học sinh - với một mức phí không hề rẻ: 4,664 triệu đồng cho một lần thi trên máy hoặc trên giấy (tham khảo tại ielts.idp.com/vietnam/ielts-fees). Với quá trình tổ chức thi đạt chuẩn, từ khâu ra đề, tổ chức thi, chấm thi và các điều kiện đảm bảo chất lượng luôn được duy trì của các tổ chức được Bộ Giáo dục và Đào tạo cấp phép thì việc tham gia thi và được cấp chứng chỉ IELTS là một sự “tự hào” của các em học sinh, đây là yếu tố quan trong để các em được xét tuyển, thi tuyển và các trường đại học theo nguyện vọng, nối tiếp chương trình học của các em.
Đến chiều ngày 9/5, lo lắng của các bậc phụ huynh và các em học sinh phần nào được cởi bỏ khi Cổng Thông tin của Bộ Giáo dục và Đào tạo phát đi thông báo với nội dung:
“Năm 2023, Cục Quản lý chất lượng đã ban hành Công văn số 889/QLCL-QLVBCC ngày 09/6/2023 về việc hướng dẫn xác minh chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài và Công văn số 999/QLCL-QLVBCC ngày 15/6/2023 về việc sử dụng chứng chỉ để miễn bài thi ngoại ngữ trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023.
Như vậy, các chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài do các đơn vị liên kết tổ chức thi cấp, khi đáp ứng các điều kiện bảo đảm chất lượng, sẽ tiếp tục được sử dụng bình thường theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo về thi, tuyển sinh và đào tạo, không ảnh hưởng tới quyền lợi của người được cấp chứng chỉ.”
Quả thật đây như là một sự “giải thoát” về tâm lý đã bị đè nặng bấy lâu nay của những em học sinh và phụ huynh các em, đã có thể “thở phào”…! và các em có thể yên tâm tiếp tục với con đường học tập của mình. 56.230 trường hợp - một con số không hề nhỏ - không biết hệ lụy xã hội sẽ như thế nào nếu hơn 56.000 chứng chỉ này không được công nhận?
Về phía những người được cấp chứng chỉ, câu chuyện chứng chỉ IELTS nóng những ngày qua đã có một cái kết có hậu, yên lòng các em học sinh và phụ huynh.
Nhưng về phía các cơ quan quản lý nhà nước, về công tác quản lý nhà nước không phải không có những băn khoăn?
Kết luận của Thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo nêu rõ, giai đoạn từ 01/01/2022 đến 09/9/2022, Công ty tổ chức 458 đợt thi và cấp tổng số 46.643 chứng chỉ khi Công ty chưa được phép liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài.
Tiếp đó, giai đoạn từ 10/9/2022 đến 16/11/2022, Công ty chưa được phép tổ chức liên kết thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài trên lãnh thổ Việt Nam nhưng đã tổ chức 97 đợt thi và đã cấp 9.587 chứng chỉ. Tổng cộng từ ngày 01/01/2022 đến 16/22/2022 Công ty đã cấp 56.230 chứng chỉ!
Xử lý số lượng chứng chỉ ngoại ngữ mà IDP đã cấp
Thanh tra Bộ kiến nghị Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo giao Cục Quản lý chất lượng hướng dẫn Công ty thực hiện xử lý đối với số lượng chứng chỉ ngoại ngữ mà Công ty đã liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài trên lãnh thổ Việt Nam khi chưa được phép của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền.
Đáng chú ý, trong Thông báo số 879/TB-QLCL ngày 08/6/2023 của Cục Quản lý chất lượng, tính đến thời điểm 17/11/2022, tại Quyết định 3730/QĐ-BGDĐT, Công ty TNHH Giáo dục IDP (Việt Nam) mới được phê duyệt liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài tại Việt Nam - với vỏn vẹn 4 địa điểm (TP Hà Nội: 2, Đà Nẵng: 1, TP Hồ Chí Minh: 1) - Trong khi đó, từ 01/01/2022 - 09/09/2022, Công ty đã tổ chức thi ở 28 tỉnh, thành phố - Phải chăng như dân gian hay nói” “tiền trảm, hậu tấu”, “vừa chạy, vừa xếp hàng”!
Có thể thấy, thanh tra là một chức năng thiết yếu của cơ quan quản lý nhà nước, là việc xem xét, đánh giá, xử lý của cơ quan nhà nước đối với việc thực hiện chính sách, pháp luật, nhiệm vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân.
Thanh tra là nội dung không thể thiếu của quản lý nhà nước, là giai đoạn cuối cùng trong chu trình quản lý, có vai trò kiểm định, đánh giá hiệu quả của quản lý nhà nước. Qua thanh tra để có các kiến nghị khắc phục những sơ hở, yếu kém, đề xuất những biện pháp đổi mới và nâng cao hiệu quả quản lý, sửa đổi cơ chế, chính sách nhằm quản lý tốt hơn, hiệu quả hơn.
Chính vì vậy, trong hoạt động quản lý nhà nước phải có thanh tra và thanh tra phải phục vụ cho yêu cầu quản lý nhà nước. Ở đâu có quản lý nhà nước thì ở đó phải có thanh tra. Quản lý nhà nước mà không có thanh tra sẽ dẫn tới quan liêu và xa rời thực tiễn.
Thanh tra làm cho chu trình quản lý nhà nước được khép kín, các hoạt động ban hành và tổ chức thực hiện quyết định quản lý được gắn bó chặt chẽ hơn, từ việc xem xét, đánh giá, kiểm chứng việc thực hiện các chủ trương, chính sách của đối tượng bị quản lý, đến việc đề xuất các biện pháp hoàn thiện chủ trương, chính sách, nâng cao hiệu quả quản lý của chủ thể.
Quay trở lại vấn đề chứng chỉ IELTS “nóng” trong những ngày qua, thiết nghĩ để không có những trường hợp như Công ty IDP thứ hai, để không đặt các em học sinh và các bậc phụ huynh và tình trạng lo âu, và để dư luận không “hoài nghi” về việc “tiền trảm, hậu tấu”, hay “hợp thức hóa” thì cần thiết phải tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo, mà nhãn tiền là thực hiện một trong những khâu quan trọng của công tác quản lý nhà nước đó chính là hoạt động thanh tra - bắt đầu từ việc thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các kết luận thanh tra.
Nội dung Công văn 889/QLCL-QLVBCC ngày 09/6/2023 và 999/QLCL-QLVBCC ngày 15/6/2023 có gì?
- Trong Công văn 889/QLCL-QLVBCC gửi Sở Giáo dục và Đào tạo, Cục Quản lý chất lượng hướng dẫn xác định chứng chỉ hợp pháp gồm:
a) Chứng chỉ được cấp cho người dự thi tại Việt Nam trước ngày 10/9/2022 (ngày Thông tư số 11/2022/TT-BGDĐT ngày 26/7/2022 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định về liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài có hiệu lực thi hành); chứng chỉ được cấp cho người dự thi tại các địa điểm thi ghi trong quyết định của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ ngoại ngữ của nước ngoài tại Việt Nam sau ngày phê duyệt (Danh sách cơ sở được phê duyệt liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ được công bố trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Giáo dục và Đào tạo http://moet.gov.vn và trang thông tin điện tử của Cục Quản lý chất lượng http://vqa.moet.gov.vn).
b) Chứng chỉ cấp cho người dự thi trực tiếp ở nước ngoài.
c) Chứng chỉ cấp cho người dự thi theo hình thức Home Edition trước ngày 10/9/2022.
- Trong Công văn 999/QLCL-QLVBCC, Cục Quản lý chất lượng nêu, tiếp theo Công văn số 889/QLCL-QLVBCC ngày 09 tháng 6 năm 2023 của Cục Quản lý chất lượng về việc hướng dẫn xác minh chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài; để bảo đảm quyền lợi chính đáng cho người học trong Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2023, Cục Quản lý chất lượng hướng dẫn bổ sung như sau:Thí sinh đã đăng ký dự thi Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2023 được sử dụng chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài thi và cấp sau ngày 10 tháng 9 năm 2022 để xét miễn thi bài thi ngoại ngữ theo quy định.
|