Tọa đàm khoa học:

Giới thiệu “Phần mềm hỗ trợ lập kế hoạch và xử lý chồng chéo trong hoạt động thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp”

Thứ bảy, 20/06/2020 22:19
(ThanhtraVietNam) - Ngày 19/6/2020, Viện Chiến lược và Khoa học thanh tra (CL&KHTT) tổ chức buổi Tọa đàm khoa học với nội dung giới thiệu “Phần mềm hỗ trợ lập kế hoạch và xử lý chồng chéo trong hoạt động thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp”. TS. Nguyễn Quốc Văn, Viện trưởng Viện CL&KHTT chủ trì buổi Tọa đàm.

Theo TS. Nguyễn Quốc Văn tình trạng chồng chéo, trùng lắp về nội dung, phạm vi và đối tượng thanh tra vẫn còn tiếp diễn, phần nào gây phiền hà, ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của doanh nghiệp. Ngày 17/5/2017, Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị 20/CT-TTg về việc chấn chỉnh hoạt động thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp (Chỉ thị 20/CT-TTg). Xuất phát từ thực tiễn đó, Thanh tra tỉnh Khánh Hòa đã xây dựng thành công “Phần mềm hỗ trợ lập kế hoạch và xử lý chồng chéo trong hoạt động thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp”. Trên cơ sở kết quả nghiên cứu đã được ứng dụng thực tiễn, Viện CL&KHTT phối hợp với Thanh tra tỉnh Khánh Hòa tổ chức Tọa đàm giới thiệu về phần mềm này.

Theo ông Lê Hữu Trí - Chánh Thanh tra tỉnh Khánh Hòa, Chủ nhiệm đề tài, phần mềm là kết quả nghiên cứu của đề tài “Xây dựng phần mềm hỗ trợ lập kế hoạch thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa” do UBND tỉnh Khánh Hòa đặt hàng Thanh tra tỉnh thực hiện. Đề tài đã được Hội đồng Khoa học tỉnh Khánh Hòa nghiệm thu xếp loại “xuất sắc” và sản phẩm của đề tài là “Phần mềm hỗ trợ lập kế hoạch và xử lý chồng chéo trong hoạt động thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp” đã được Cục bản quyền tác giả - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cấp Giấy chứng nhận bản quyền tác giả. Với những kết quả đạt được, Ông Lê Hữu Trí cũng đề cập đến khả năng ứng dụng của phần mềm trên phạm vi toàn quốc.

leftcenterrightdel
Giao diện phần mềm hỗ trợ lập kế hoạch thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa. 

Thay mặt nhóm nghiên cứu, ông Trương Thanh Phong - Chánh Văn phòng, Thanh tra tỉnh Khánh Hòa, giới thiệu khái quát một số nội dung chính của Phần mềm. Theo đó, Phần mềm có một số tính năng chính như sau: Tự động cập nhật cơ sở dữ liệu thông tin doanh nghiệp; hình thành cơ sở dữ liệu tập trung phục vụ cho hoạt động thanh tra; công cụ hỗ trợ lập kế hoạch và xử lý chồng chéo, trùng lắp trong hoạt động thanh tra, kiểm tra (doanh nghiệp, đơn vị hành chính sự nghiệp) trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa; công cụ quản lý nghiệp vụ thanh tra: hỗ trợ hoạt động nghiệp vụ, theo dõi tiến độ cuộc thanh tra, báo cáo thống kê. Bên cạnh đó, ông Phong cũng hướng dẫn chi tiết tính năng xây dựng kế hoạch thanh tra doanh nghiệp, phê duyệt kế hoạch và tiến hành thanh tra…

Tại buổi Tọa đàm, đa số các đại biểu đều đánh giá cao kết quả nghiên cứu và có chung nhận xét rằng, phần mềm có tính ứng dụng thực tiễn cao trong hoạt động thanh tra. Không chỉ hỗ trợ việc lập kế hoạch và xử lý chồng chéo trùng lắp trong hoạt động thanh tra, mà còn hỗ trợ hoạt động nghiệp vụ, quá trình thanh tra, kết quả thanh tra, thống kê, báo cáo… Bên cạnh đó, nhiều đại biểu cũng đề xuất việc nghiên cứu nâng cấp, phát triển phần mềm để ứng dụng trên phạm vi toàn quốc.

Tuy nhiên, các đại biểu cũng cho rằng, khi đề xuất việc áp dụng phần mềm trên phạm vi toàn quốc, nhóm nghiên cứu cần có báo cáo đánh giá hiệu quả việc sử dụng phần mềm đã triển khai trên thực tế; cần đưa ra những điều kiện đảm bảo thực hiện như việc bổ sung các trường nội dung mới; sự đảm bảo về cơ chế ở cấp quốc gia, sự chỉ đạo của người đứng đầu đơn vị, bảo đảm về mặt pháp lý, tài chính, nhân sự… Ngoài ra, nhóm nghiên cứu cũng cần có những đánh giá về khó khăn, thách thức hiện nay khi áp dụng ở phạm vi toàn tỉnh và dự liệu những khó khăn, thách thức khi đề xuất áp dụng ở phạm vi toàn quốc…

Thay mặt nhóm nghiên cứu, ông Lê Hữu Trí cũng nhấn mạnh đến vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của người đứng đầu và sự phối hợp của các cấp, các ngành khi triển khai Phần mềm trên thực tiễn./.

Lan Anh

 

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra