Kiểm toán nhà nước bồi dưỡng về IFRS trong lĩnh vực ngân hàng
Thứ ba, 15/04/2025 12:00 (GMT+7)
(ThanhtraVietNam) - Từ ngày 14-18/4/2025, Kiểm toán nhà nước đã tổ chức khóa bồi dưỡng “Chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế toàn diện và chia sẻ kinh nghiệm của Kiểm toán nhà nước trong lĩnh vực ngân hàng”.
    |
 |
Quang cảnh tại lớp học. Nguồn ảnh: KTNN |
Được biết, đây là khóa học đầu tiên Trường Đào tạo và Bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm toán hợp tác với ACCA tổ chức triển khai chương trình bồi dưỡng theo chuẩn quốc tế. Đây cũng là lớp học đầu tiên khai trương hệ thống lớp học thông minh và cơ sở vật chất vừa được cải tạo, nâng cấp toàn diện của Trường Đào tạo và Bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm toán.
Trong bối cảnh yêu cầu ngày càng cao về minh bạch, hiệu quả và trách nhiệm trong quản lý tài chính công và tài chính doanh nghiệp, việc trang bị cho cán bộ các kiến thức chuẩn mực quốc tế và thực tiễn chuyên sâu là yêu cầu thiết yếu.
    |
Nguồn ảnh: KTNN |
Các học viên chụp ảnh lưu niệm. Nguồn ảnh: KTNN |
Mục tiêu của chương trình bồi dưỡng này không chỉ đơn thuần là nâng cao trình độ chuyên môn, mà còn hướng tới việc hình thành một hệ sinh thái nghề nghiệp mà trong đó, kiểm toán viên, cán bộ tài chính - kế toán và cán bộ quản lý các đơn vị kiểm toán đều cùng chia sẻ một nền tảng chung về tư duy và chuẩn mực chuyên môn.
Thông qua Chương trình bồi dưỡng, Kiểm toán nhà nước mong muốn góp phần hỗ trợ các đơn vị được kiểm toán ngày càng hoàn thiện hơn về công tác kiểm soát nội bộ, tuân thủ pháp luật. Qua đó nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực, đảm bảo tính công khai, minh bạch và bền vững trong hoạt động tài chính, ngân hàng.
IFRS là chuẩn mực có tính bắt buộc trong thời gian tới, giúp nâng cao tính minh bạch và là công cụ phản ánh chính xác thực trạng tài chính, cũng như hỗ trợ cho việc dự báo tài chính trong tương lai.
Việc triển khai IFRS không đơn thuần là yêu cầu kỹ thuật mà còn là một bước chuyển đổi toàn diện về tư duy quản trị, minh bạch hóa thông tin và hội nhập.
Việc áp dụng IFRS mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho doanh nghiệp, cải thiện chất lượng và độ tin cậy báo cáo tài chính, nâng cao năng lực quản trị, uy tín thương hiệu doanh nghiệp, tăng cường niềm tin khách hàng, tạo thuận lợi hơn cho việc tiếp cận nguồn vốn quốc tế.
|
K. Dung