Theo đó, ngày 10/6, Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái chủ trì cuộc họp về Dự thảo Nghị định về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị. Tham dự còn có Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Nguyễn Văn Thanh và đại diện một số bộ, ngành Trung ương.
Tại cuộc họp, đa số các đại biểu thống nhất với Tờ trình mà TTCP trình bày; đồng thời, nhấn mạnh: Việc TTCP xây dựng quy chế phối hợp trong việc kiểm soát tài sản, thu nhập đối với các đối tượng chịu sự kiểm soát tài sản, thu nhập của nhiều cơ quan khác nhau là cần thiết và là biện pháp hiệu quả để khai thông những vướng mắc đã làm chậm đáng kể tiến độ ban hành Nghị định thời gian qua mà không cần phải sửa đổi, bổ sung Luật PCTN.
Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Nguyễn Văn Thanh cho biết, TTCP đã có Tờ trình gửi Chính phủ về Dự thảo Nghị định về kiểm soát tài sản, thu nhập trong đó đề cập những ý kiến khác nhau cần xin ý kiến Chính phủ.
Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khai chủ trì cuộc họp. Ảnh: P.V
Cụ thể, Dự thảo Nghị định có quy định: “Cơ quan có thẩm quyền của Đảng Cộng sản Việt Nam quy định tại Khoản 8 Điều 30 của Luật PCTN chủ trì, phối hợp trong việc kiểm soát tài sản, thu nhập đối với các đối tượng chịu sự kiểm soát tài sản, thu nhập của nhiều cơ quan khác nhau". Việc quy định như trên nhận được sự đồng tình của đại đa số các cơ quan, bộ, ban, ngành, địa phương và cũng nhận được sự thống nhất cao của Hội đồng Thẩm định do Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan, coi đây là biện pháp để bảo đảm thi hành Luật PCTN. Tuy nhiên, vẫn còn có ý kiến cho rằng quy định như vậy là mở rộng phạm vi điều chỉnh của Nghị định và nội dung này của Chính phủ không được Luật PCTN giao quy định chi tiết.
TTCP đưa quan điểm, giữ nguyên quy định của Dự thảo dựa trên những căn cứ: Theo Điều 30 của Luật PCTN năm 2018, người có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập nếu công tác trong hệ thống cơ quan, tổ chức của Đảng thì chịu sự kiểm soát về tài sản, thu nhập của cơ quan có thẩm quyền của Đảng; nếu công tác tại cơ quan Nhà nước, doanh nghiệp Nhà nước thì chịu sự kiểm soát cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập thuộc Nhà nước; nếu công tác tại tổ chức chính trị - xã hội thì chịu sự kiểm soát của cơ quan Trung ương của tổ chức đó. Mặt khác, hiện nay, các cơ quan Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội, doanh nghiệp của Nhà nước… có nhiều cán bộ giữ nhiều chức vụ cả về Đảng, Nhà nước, do đó, sẽ là đối tượng kiểm soát của nhiều cơ quan kiểm soát tài sản thu nhập khác nhau.
Để thực hiện đúng Luật PCTN và quy định của Đảng, Dự thảo Nghị định quy định “TTCP chủ trì, phối hợp với cơ quan có thẩm quyền của Đảng Cộng sản Việt Nam quy định tại Khoản 8, Điều 30 của Luật PCTN xây dựng quy chế phối hợp trong việc kiểm soát tài sản, thu nhập đối với các đối tượng chịu sự kiểm soát tài sản, thu nhập của nhiều cơ quan khác nhau".
Toàn cảnh cuộc họp. Ảnh: P.V
“Theo Luật PCTN, các cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập đều có thẩm quyền xác minh tài sản, thu nhập của cán bộ diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư, cấp ủy các cấp quản lý công tác trong hệ thống của mình và như vậy sẽ không phù hợp với nguyên tắc quản lý cán bộ và quy định hiện hành của Đảng. Việc quy định xây dựng quy chế phối hợp là biện pháp để bảo đảm thi hành Luật PCTN và Nghị định này”, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Nguyễn Văn Thanh nhấn mạnh.
Đối với việc công khai bản kê khai tài sản thu nhập, Dự thảo Nghị định đã quy định việc công khai bản kê khai trong cơ quan, tổ chức, đơn vị bằng một trong hai hình thức: Niêm yết tại trụ sở cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi người có nghĩa vụ kê khai thường xuyên làm việc; công khai tại các cuộc họp cơ quan, tổ chức, đơn vị.
Về việc xác minh ngẫu nhiên theo kế hoach hàng năm, Dự thảo hiện nay quy định tỷ lệ cơ quan, tổ chức, đơn vị đưa vào kế hoạch xác minh tối thiểu là 20%. Số lượng người được xác minh tùy theo tình hình thực hiện, năng lực mà cơ quan kiểm sát tài sản, thu nhập sẽ quyết định, nhưng phải đảm bảo tối thiếu 10% số người thuộc diện xác minh, trong đó có người đứng đầu hoặc cấp phó của người đứng đầu. Việc quy định tỷ lệ 20% cơ quan, tổ chức, đơn vị nhằm bảo đảm trong một nhiệm kỳ bổ nhiệm, bất cứ cán bộ nào thuộc diện kê khai tài sản, thu nhập hằng năm đều có khả năng được xác minh ngẫu nhiên.
Đối với các Bộ: Quốc phòng, Công an, Ngoại giao có số lượng cơ quan, đơn vị trực thuộc quá lớn và có những lĩnh vực công tác đặc thù, do đó, Dự thảo Nghị định đã quy định các bộ nêu trên được phép xác minh tối thiểu 10% số cơ quan, tổ chức đơn vị.
Tuy nhiên, vẫn còn có ý kiến đề nghị không quy định tỷ lệ số cơ quan, tổ chức, đơn vị phải đưa vào xác minh hằng năm mà giao cơ quan kiểm soát tài sản thu nhập quyết định theo tình hình thực tế khi phê duyệt kế hoạch xác minh hằng năm của cơ quan mình. TTCP nhận thấy nếu theo phương án này thì rất khó bảo đảm việc xác minh được thực thi nghiêm túc và khó khắc phục được tình trạng quản lý hình thức thời gian vừa qua, giảm hiệu quả phòng ngừa tham nhũng của chế định kiểm soát tài sản, thu nhập.
Phát biểu kết luận cuộc họp, Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái đánh giá cao ý kiến đóng góp của các đại diện bộ, ngành đối với Dự thảo Nghị định về kiểm soát tài sản, thu nhập. Đồng thời, đề nghị các cơ quan liên quan thống nhất ý kiến để trình Chính phủ thông qua Nghị định trong tháng 6./.
Lan Anh