|
Nghị định số 156/2020/NĐ-CP quy định, phạt tiền từ 100 đến 150 triệu đồng đối với công ty đại chúng thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau:
a) Không đảm bảo số lượng thành viên Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát; không đảm bảo tối thiểu 1/3 tổng số thành viên Hội đồng quản trị là thành viên không điều hành; không đảm bảo cơ cấu, số lượng thành viên Hội đồng quản trị độc lập; không đảm bảo thành viên Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát, Ủy ban kiểm toán đáp ứng tiêu chuẩn, điều kiện và không thuộc các trường hợp pháp luật quy định; không đảm bảo cơ cấu có Ủy ban kiểm toán trực thuộc Hội đồng quản trị hoặc không đảm bảo cơ cấu, số lượng thành viên Ủy ban kiểm toán;
b) Không mời đại diện tổ chức kiểm toán được chấp thuận thực hiện kiểm toán báo cáo tài chính năm của công ty dự họp Đại hội đồng cổ đông thường niên trong trường hợp Báo cáo kiểm toán báo cáo tài chính năm của công ty có khoản ngoại trừ trọng yếu, ý kiến kiểm toán trái ngược hoặc từ chối;
c) Vi phạm quy định về giao dịch với cổ đông, người quản lý doanh nghiệp và người có liên quan của các đối tượng này;
d) Không ký kết hợp đồng bằng văn bản khi tiến hành giao dịch với người có liên quan.
|
Ngày 25/4/2025, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) đã ban hành Quyết định số 131 về việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán đối với Công ty Cổ phần Xây dựng và Năng lượng VCP (trụ sở chính tại tòa nhà Vinaconex, Láng Hạ, Đống Đa, Hà Nội).
Theo Quyết định, Công ty bị xử phạt tổng cộng 270 triệu đồng với các hành vi vi phạm sau:
Một là, phạt 85 triệu đồng do không công bố thông tin bắt buộc trên hệ thống chuyên trang thông tin trái phiếu doanh nghiệp của Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) và hệ thống công bố thông tin của UBCK.
VCP đã không công bố đúng hạn hàng loạt tài liệu như: Báo cáo tình hình sử dụng vốn từ đợt phát hành trái phiếu, báo cáo tình hình thực hiện cam kết đối với trái chủ, báo cáo tài chính bán niên, báo cáo tài chính kiểm toán, báo cáo tình hình thanh toán lãi, gốc trái phiếu và các nghị quyết của Hội đồng quản trị liên quan đến mua lại trái phiếu trước hạn.
Công ty không công bố kịp thời danh sách ứng viên Hội đồng quản trị và Ban kiểm soát tại các kỳ Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023, 2024.
Hai là, phạt 60 triệu đồng vì hành vi công bố thông tin thiếu nội dung theo quy định.
Trong Báo cáo tình hình quản trị năm 2023 và 2024, công ty không trình bày đầy đủ các giao dịch với người có liên quan, không nêu rõ quyết định họp Hội đồng quản trị trong quý 4/2024 và thiếu thông tin về thành viên HĐQT độc lập.
Ba là, phạt 125 triệu đồng do vi phạm nghiêm trọng quy định về giao dịch với cổ đông lớn.
Theo thuyết minh Báo cáo tài chính kiểm toán năm 2023, 2024, Công ty đã thực hiện cho các cổ đông lớn vay tiền.
Cụ thể, 2 cổ đông lớn là ông Vũ Tuấn Cường được VCP cho vay 310 tỷ đồng (năm 2023) và 4,5 tỷ đồng (năm 2024) và ông Lê Quốc Hương 25 tỷ đồng (năm 2023).
UBCK nhận định, đây là hành vi vi phạm điểm c khoản 6 Điều 15 Nghị định số 156/2020/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 128/2021/NĐ-CP) về giao dịch giữa công ty đại chúng với cổ đông lớn, khi chưa tuân thủ quy trình xét duyệt giao dịch và công bố thông tin theo quy định.
    |
 |
Công ty này có Chủ tịch HĐQT là ông Vũ Ngọc Tú |
Công ty này vốn là một doanh nghiệp quy mô khá lớn trong lĩnh vực đầu tư xây dựng, vận hành các nhà máy thủy điện; có định hướng phát triển mạnh mẽ trong lĩnh vực năng lượng sạch, mục tiêu đến năm 2030 đạt công suất hệ thống 800MW thủy điện và 1.200MW điện tái tạo (trong đó, điện mặt trời: đạt 1.000MW và điện gió đạt 200MW).
VCP sở hữu, vận hành hàng loạt nhà máy thủy điện tại Thanh Hóa và Sơn La như Nhà máy Thủy điện Cửa Đạt, Xuân Minh, Bái Thượng, Nậm La.
Với vị thế và quy mô hoạt động như này, việc để xảy ra những vi phạm nghiêm trọng trong quản trị, công bố thông tin và giao dịch với cổ đông lớn chắc chắn sẽ khiến dư luận, nhà đầu tư và thị trường dành sự quan tâm đặc biết.
Do đó, bản thân doanh nghiệp cần thực hiện các biện pháp mạnh mẽ nhằm siết chặt quản trị nội bộ, tuân thủ nghiêm pháp luật chứng khoán để lấy lại niềm tin từ các bên liên quan.
Việc để xảy ra nhiều sai phạm liên quan đến công bố thông tin và giao dịch với cổ đông lớn đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về tình trạng quản trị lỏng lẻo trong một số doanh nghiệp niêm yết.
Công bố thông tin minh bạch và tuân thủ quy định về giao dịch với người có liên quan không chỉ là nghĩa vụ pháp lý mà còn là yếu tố cốt lõi để bảo vệ lợi ích của nhà đầu tư, duy trì sự lành mạnh của thị trường tài chính.
Các doanh nghiệp cần nhận thức rõ rằng, mất niềm tin thị trường không chỉ phải trả giá bằng tiền phạt hành chính, mà còn bằng chính uy tín, hình ảnh và sức hấp dẫn đầu tư trong dài hạn.